Vết nứt lớn trên chính trường Áo

Thứ Năm, 14/10/2021, 10:05

Tương lai của liên minh Chính phủ ở Áo đang ngày càng không chắc chắn sau khi Thủ tướng Sebastian Kurz tuyên bố từ chức vì bị các công tố viên điều tra hình sự với cáo buộc ông dùng tiền công quỹ để trả cho các cuộc thăm dò dư luận và các bài báo có lợi.

Cuộc khủng hoảng nội các

Mặc dù chấp nhận ra đi, song gương mặt trẻ của chủ nghĩa bảo thủ châu Âu vẫn đang phải đối mặt với những lời chỉ trích mạnh mẽ từ các đảng liên minh và đối lập. Tổng thống Alexander Van der Bellen buộc phải xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia, trấn an người Áo rằng dù cuộc khủng hoảng mới nhất có đe dọa chính phủ thì thể chế dân chủ của đất nước vẫn còn nguyên vẹn và hoạt động hiệu quả.

Vết nứt lớn trên chính trường Áo -0
Tân Thủ tướng Áo Schallenberg và cựu Thủ tướng Kurz. Ảnh: Getty

Tuy nhiên, theo CNN, những người có vai trò quan trọng trong đảng Greens (đối tác liên minh của đảng Nhân dân) hiện coi quan điểm này và sự ủng hộ của họ đối với chính phủ là không thể chấp nhận được dưới thời một thủ tướng bị nghi ngờ sử dụng tiền từ Bộ Tài chính để chi trả cho việc đưa tin tích cực trên các phương tiện truyền thông. Một số lãnh đạo đảng Greens còn kêu gọi các thành viên khác trong đảng Nhân dân chống lại ông Kurz, rút khỏi liên minh cầm quyền và cố gắng thành lập một chính phủ mới với sự kết hợp của các đảng đối lập nhỏ hơn dù cho họ có thiếu số lượng ghế trong Quốc hội hay không.

Ông Sebastian Kurz năm nay 35 tuổi, đã trở nên nổi tiếng sau khi giành được quyền kiểm soát chính phủ cho đảng Nhân dân bảo thủ (OVP) bằng cách đồng chọn nhiều thông điệp của phái cực hữu vào thời điểm mà chủ nghĩa dân túy chống nhập cư đang gia tăng ở châu Âu. Sau một chiến dịch cường độ cao với hiểu biết về mạng xã hội tập trung chủ yếu vào các chủ đề yêu nước và đường lối cứng rắn chống lại di cư, ông Kurz trở thành thủ tướng trẻ nhất của Áo trong cuộc bầu cử năm 2017 và thành lập một chính phủ bao gồm cả đảng Tự do cực hữu. Đáng tiếc là chỉ chưa đầy 2 năm sau, chính phủ liên minh này đã bị rung chuyển bởi bê bối khi một video xuất hiện cho thấy nhà lãnh đạo đảng Tự do khi đó hứa hợp đồng với chính phủ để đổi lấy sự hỗ trợ tài chính từ một phụ nữ tự xưng là cháu gái nhà tài phiệt người Nga Igor Makarov.

Vết nứt lớn trên chính trường Áo -0
Tân Thủ tướng Schallenberg và Tổng thống Van der Bellen tại lễ nhậm chức ở Văn phòng Tổng thống hôm 11-10. Ảnh: BBC

Trong cuộc bầu cử vào năm 2019, ông Kurz lại một lần nữa trở thành người đứng đầu nhưng đã xoay trục để thành lập chính phủ với đảng Greens cánh tả, thể hiện kỹ năng của một chính trị gia “muôn hình vạn trạng”. Hồi tháng 8, ông Kurz được tái bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo đảng Nhân dân với mức ủng hộ 99,4%. Nhưng, giờ đây, sóng gió một lần nữa nổi lên khi chính ông bị nghi ngờ về hành vi vi phạm đạo đức có thể làm ảnh hưởng đến nội các. Hôm 6-10, các công tố viên liên bang Áo đã mở một cuộc điều tra hình sự chống lại ông Kurz và 9 người khác vì nghi ngờ sử dụng sai quỹ của chính phủ để trả cho các cuộc thăm dò và các bài báo trên các phương tiện truyền thông.

Nhân vật thay thế và trách  nhiệm khôi phục lòng tin

Chiều 11-10, dưới sự ủng hộ của Tổng thống Alexander Van der Bellen, nhà ngoại giao kỳ cựu Alexander Schallenberg đã tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Áo. Ông Kurz vẫn sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch đảng Nhân dân. Những thay đổi nhân sự chóng vánh này trên chính trường Áo nhằm đảm bảo OVP duy trì liên minh cầm quyền với đảng Greens. Tân Thủ tướng Áo từng học luật tại Đại học Vienna và Đại học Paris II Panthéon-Assas (1989-1994). Sau khi tốt nghiệp, ông còn lấy bằng LL.M. về Luật châu Âu tại trường Cao đẳng ưu tú của châu Âu ở Bỉ (1995-1996).

Là thành viên của gia đình Schallenberg quý tộc Áo-Hung, Schallenberg sinh trưởng tại Bern, Thụy Sĩ, nơi cha ông - Wolfgang được bổ nhiệm làm Đại sứ Áo. Ông Schallenberg có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngoại giao và mới tham gia chính trường nhưng được nhiều chính trị gia nể trọng.

Năm 1997, ông Schallenberg gia nhập ngành ngoại giao. Từ năm 2000 đến năm 2005, ông làm việc tại cơ quan đại diện thường trực của Áo tại Liên minh châu Âu ở Brussels, nơi ông đứng đầu bộ phận pháp lý. Năm 2006, ông trở thành người phát ngôn báo chí cho Bộ trưởng Ngoại giao Ursula Plassnik. Khi ông Kurz trở thành Ngoại trưởng năm 2013, Schallenberg được bổ nhiệm làm Giám đốc hoạch định chính sách đối ngoại. Năm 2016, ông Schallenberg trở thành người đứng đầu Vụ châu Âu của Bộ Ngoại giao và được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao vào tháng 6-2019, kế nhiệm ông Karin Kneissl. Vì ông Schallenberg là đồng minh mạnh mẽ của ông Kurz trong nhiều năm nên nhiều chính trị gia đối lập còn cho rằng, cựu Thủ tướng Áo vẫn có thể ở trong bóng tối, gây ảnh hưởng tới người kế nhiệm.

Phát biểu tại lễ tuyên thệ nhậm chức của tân Thủ tướng Schallenberg, Tổng thống Alexander Van der Bellen nhấn mạnh, đây là lúc chính phủ cần lấy lại niềm tin của công chúng bị lung lay bởi cuộc điều tra hối lộ, tham nhũng. Đồng thời, người giám sát các giai đoạn chuyển tiếp của Chính phủ Áo cũng đã gửi lời xin lỗi tới người dân Áo vì những ấn tượng xấu do cuộc điều tra nhằm vào ông Kurz.

Thông tin từ hãng Bloomberg cho hay, “cơn sóng thần” trên chính trường Áo xuất phát từ bê bối Ibiza. Scandal này được khơi mào vào ngày 17-5-2019, khi một video bí mật đột nhiên được công bố trong đó ghi lại cảnh luật sư người Iran Ramin Mirfakhrai được ủy quyền trong một cuộc họp ở Ibiza, Tây Ban Nha vào tháng 7-2017. Cuộc họp dường như cho thấy các chính trị gia đối lập lúc đó là Phó Thủ tướng đồng thời là Chủ tịch đảng Tự do (FPO) Heinz-Christian Strache và Johann Gudenus, một nhân vật cấp cao của FPO thảo luận về các hoạt động và ý định của đảng họ trong việc cung cấp những tin tức tích cực để đổi lấy các hợp đồng chính phủ.

Vết nứt lớn trên chính trường Áo -0
Đám đông biểu tình phản đối chính phủ và kêu gọi ông Kurz từ chức sau khi các công tố viên mở cuộc điều tra hình sự. Ảnh: Getty

Ngày 18-5-2019, một cuộc biểu tình lớn ở Ballhausplatz với yêu cầu bầu cử sớm đã diễn ra. Trong ngày hôm đó, tại cuộc họp báo, Strache vội vàng tuyên bố từ chức Phó Thủ tướng Áo và Chủ tịch FPO, đề cử Norbert Hofer, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Giao thông, đồng thời là Phó Chủ tịch FPO, làm người kế nhiệm.

Một ngày sau, Đoàn Chủ tịch FPO triệu tập cuộc họp khẩn cấp và chính thức bổ nhiệm ông Hofer làm Chủ tịch đảng. Ngay sau khi ông Strache tuyên bố từ chức, ông Gudenus cũng tuyên bố rút khỏi mọi chức vụ chính trị. Thủ tướng Kurz khi đó cũng khẳng định chấm dứt chính phủ liên minh hiện tại và đề nghị Tổng thống Alexander Van der Bellen tiến hành một cuộc bầu cử lập pháp càng sớm càng tốt.

Ông Kurz đồng thời cách chức Bộ trưởng Nội vụ Herbert Kickl - một trong những chính trị gia gây tranh cãi nhất của FPO và là người đứng đầu cuộc điều tra về bê bối Ibiza với cáo buộc Kickl không xem xét các tình huống một cách nghiêm túc sau khi ông bổ nhiệm Peter Goldgruber làm Tổng Giám đốc Sở An ninh công cộng.

Vết nứt lớn trên chính trường Áo -0
Ông Kurz (đứng giữa) sau khi giành chiến thắng cuộc bầu cử năm 2017. Ảnh: Reuters

Mọi chuyện trở nên rắc rối hơn khi hai hãng Der Spiegel và Süddeutsche Zeitung đã thu thập thông tin và phân tích các phần của video (với độ dài hơn 6 tiếng đồng hồ). Ngày 22-5-2019, hai nhà báo từng đoạt giải Pulitzer Bastian Obermayer và Frederik Obermaier của Süddeutsche Zeitung xuất hiện trên một chương trình truyền hình talkshow và nói về cách họ được người cung cấp thông tin cho xem các đoạn trích của tài liệu và video trên.

Tháng 8-2020, văn phòng công tố viên đã nhận được thêm 5 phút đoạn video có vẻ như để giải tỏa Strache khỏi một số cáo buộc còn Strache thì cáo buộc Der Spiegel và Süddeutsche Zeitung công bố tài liệu được chỉnh sửa có chọn lọc. Tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Kurz lại bị các công tố viên điều tra xem liệu ông có phạm tội khai man khi đưa ra lời khai vào năm 2020 trước một ủy ban điều tra tham nhũng của Quốc hội hay không.

Đài truyền hình ORF đưa tin, ông Kurz bị điều tra về những cáo buộc rằng tiền của chính phủ đã được sử dụng để đảm bảo đưa tin tích cực trên một tờ báo hằng ngày. Tuyên bố từ Văn phòng Bộ trưởng Tư pháp về Các vấn đề kinh tế và tham nhũng của Áo (WKStA) được công bố hôm 6-10 cho hay, cựu Thủ tướng cùng 9 cá nhân và 3 tổ chức khác đều có liên quan đến vụ việc này. Các cuộc đột kích, khám xét đã được thực hiện ở một số địa điểm bao gồm cả hai văn phòng làm việc của ông Kurz, như một phần của cuộc điều tra.

Vết nứt lớn trên chính trường Áo -0
Văn phòng Thủ tướng Áo ở Vienna.

Tuyên bố còn khẳng định: "Từ năm 2016 đến năm 2018, ngân sách từ Bộ Tài chính được sử dụng để tài trợ riêng cho các cuộc khảo sát có động cơ chính trị, đôi khi bị thao túng bởi một công ty nghiên cứu ý kiến vì lợi ích của một đảng chính trị và ban lãnh đạo cấp cao của đảng đó". Khoảng thời gian được nêu trong tuyên bố của công tố viên tương quan với thời điểm ông Sebastian Kurz nắm quyền lãnh đạo đảng Nhân dân. Lãnh đạo đảng này thành chính phủ thông qua liên minh với đảng Tự do cực hữu sau cuộc bầu cử lập pháp năm 2017.

Giới quan sát nhận định, các sự kiện trong những tháng tới, đặc biệt là kết quả của cuộc điều tra tội phạm về ông Kurz sẽ cung cấp thông tin rõ ràng về khả năng phục hồi của nền dân chủ 65 năm tuổi của Áo. Giống như hầu hết các vụ bê bối chính trị, mạng lưới buộc tội và nghi ngờ xoay quanh Thủ tướng Áo và đảng của ông rất phức tạp và việc phân biệt thực tế với giả định có thể khó khăn... Hiện, các công tố viên cũng đang điều tra xem liệu các quan chức chính phủ cấp cao, cả từ FPO và OVP của ông Sebastian Kurz, có âm mưu với các Giám đốc điều hành của Novomatic để đổi giấy phép sòng bạc lấy việc làm và các ưu đãi khác hay không.

Khánh Chi
.
.