Bản danh sách “3.000 người Anh nổi bật” của Adolf Hittler

Chủ Nhật, 05/12/2021, 15:01

Tác giả Sybil Oldfield đã tiết lộ “Sách Đen” khét tiếng của cảnh sát mật Gestapo, trong đó công bố kế hoạch Phát xít hóa nước Anh bằng cách giăng bẫy vây bắt những người Do Thái (và không có gốc Do Thái) đang tìm cách cản đường của nền Đệ Tam Đức Quốc Xã. Thực hư “3.000 người Anh nổi bật” trong Sách Đen đó là như thế nào? Họ là những ai? 

Sách Đen” của Hitler

Từ các diễn viên điện ảnh đến các nhà vật lý thiên văn, các Tổng thống tương lai cho đến giới thi sĩ, từ giới điệp viên đến các nhà khoa học, bản danh sách tuyệt mật của Đức Quốc Xã (ĐQX) với gần 3.000 người Anh tên tuổi mà người Đức có ý đồ bắt bằng được một khi họ xâm lược nước Anh. Cho mãi đến khi kết thúc Đại chiến thế giới thứ 2 (ĐCTGII), việc phát hiện ra “Sách Đen” đã gây nên những hồi tranh cãi kịch liệt đối với những người có tên trong cuốn sách này.

Cầm theo những bản sao “Truy nã”, 20.000 lính SS sẽ càn quét khắp nước Anh trong một cuộc săn lùng chủng tộc với ý thức hệ tàn bạo. Nếu đúng theo kế hoạch thì một số người bị bắt sẽ được quản thúc tại gia hoặc tống vào trong các trại tập trung mới xây dựng. Nhiều người khác còn phải chịu đựng những số mệnh bi đát hơn.

Đại tá SS Franz Six, một giáo sư được “đao phủ diệt chủng” Reinhard Heydrich giao nhiệm vụ phải “thủ tiêu” bất kỳ phần tử chống đối ĐQX nào tại Anh, người này cũng được giao trọng trách thành lập Einsatzgruppen (đội hành quyết bán quân sự của SS) khi thời cơ đã chín muồi và những phát sinh cấp thiết. Thực tế là Hitler không qua được Anh và sau đó y bị Tòa Nuremberg phạt 20 năm tù. “Sách Đen” được biên soạn dưới cặp mắt cú vọ của đại tá SS Walter Schellenberg, một bề tôi trung thành của Reinhard Heydrich.

Bản danh sách “3.000 người Anh nổi bật” của Adolf Hittler -0
Albert Einstein (thứ hai, từ trái qua) và Chaim Weizmann (thứ hai, từ phải qua) có tên trong “Sách Đen”. Ảnh nguồn: Public Domain.

Đơn vị tình báo hải ngoại của Gestapo đã bắt đầu biên soạn Sonderfahnungliste GB (“Danh sách tìm kiếm đặc biệt Vương quốc Anh”) vào khoảng năm 1937. Danh sách này bao gồm 2 phần: một danh sách bảng chữ cái liệt kê tên của 2.619 người bị tình nghi cùng địa chỉ của họ, cùng với gần 400 tổ chức sẽ bị đột kích và cấm hoạt động. Danh sách ban đầu đã được bổ sung trên Informationsheft GB (tập gấp thông tin về Vương quốc Anh của Gestapo), nó được vạch ra khi kế hoạch xâm lược Anh của Adolf Hitler đã được chuẩn bị trong 2 tháng 5 và 7 của năm 1940. Tập gấp này dùng như một cuốn sổ tay về lực lượng chiếm đóng ở Anh, nhưng cũng có thêm tên của những người bị giam giữ.

Tác giả Oldfield khẳng định Gestapo không hề có “chân rết” ở Anh, nhưng bù lại họ có rất nhiều những người chỉ điểm: những người Đức thân ĐQX và các sinh viên sau đại học cư trú ở Anh, cũng như các cảm tình viên phát xít ở Anh. Sau khi một bản sao của “Sách Đen” được tìm thấy tại tổng hành dinh của Gestapo ở Berlin, tờ The Guardian (Anh) đã bình luận một cách chua chát: “Những người tạo nên “Sách Đen” cho Đức Quốc xã phải thật siêng năng đến thế nào khi họ kiên trì lùng sục tin tức trên báo chí, tán gẫu, xét nét các hộ chiếu Đức và dòm chừng những người lưu vong nghèo khổ trốn sang Anh”.

Bản danh sách “3.000 người Anh nổi bật” của Adolf Hittler -0
Sybil Oldfield - tác giả cuốn “Sách Đen: Những người Anh trong danh sách của Đức Quốc Xã”.

Giới chính trị gia nằm trong tầm ngắm

Về các cá nhân bị Gestapo nhắm mục tiêu, có thể kể đến Thủ tướng Winston Churchill (cùng với Bộ trưởng Bộ Chiến tranh Anthony Eden, được đánh giá là “những đại diện cho các lợi ích Do Thái”), nội các của ông, các chính trị gia đảng Lao Động và những thành viên công đoàn thương mại v.v...

“Sách Đen” còn nhắc đến Tổng thống đầu tiên của Israel, Chaim Weizmann (là một người Anh nhưng sau đó đã từ bỏ quốc tịch Anh vào năm 1948); Oscar Deutsch, chủ nhân rạp chiếu phim Odeon; 2 nhà sản xuất phim Ivor Montagu và Isidore Ostrer; 2 trùm kinh doanh và tài chính là Lords Melchett và Bearsted; Sir Samuel Joseph, chủ nhân hãng xây dựng khổng lồ Bovis; 2 ông Louis Halle Gluckstein và Sir Samuel Gluckstein, các đồng sáng lập của đế chế khách sạn và dịch vụ ăn uống J. Lyons; thêm nữa là một số người Do Thái khác nắm quyền giám đốc các công ty hoặc ngân hàng.

Hơn một nửa cá nhân bị nhắc đến trong “Sách Đen” là những người tị nạn (2/3 trong số họ là người Do Thái) đã chạy sang Anh trước ĐCTGII. Có một chút lưu tâm trong “Sách Đen”: Phong trào Hướng đạo sinh bị ĐQX hoài nghi là “một cánh tay của Mật vụ Anh” đã bị cấm, còn người sáng lập Lord Baden-Powell thì bị bắt giữ. Và nhà bác học Albert Einstein là người mà ĐQX muốn bắt nhất, ngoài ra còn có nhà vật lý hạt nhân Leo Szilard, ca sĩ da màu Paul Robeson đã trốn sang Mỹ; và “cha đẻ” ra ngành Phân tâm học Sigmund Freud đã tạ thế chỉ trong vòng 3 tuần khi chiến tranh nổ ra.

Ông Frank Foley, một nhân viên hộ chiếu tại Đại sứ quán Anh ở Berlin đã làm việc suốt 15 tiếng mỗi ngày để cố gắng cứu giúp những người Đức gốc Do Thái, phát hành các loại giấy tờ (thường là giả) để giúp họ đến Anh hoặc Palestine. Thực chất thì Frank Foley cũng nằm trong tình thế hiểm nghèo khi ông ta đã thay mặt cho Cục Tình báo Anh để hoạt động như một mật vụ ở Đức.

Hai thành viên giải cứu Robert Smallbones và Arthur Dowden (cũng có tên trong “Sách Đen”, làm cho lãnh sự quán Anh ở Frankfurt) đã cấp hàng ngàn thị thực tạm thời nhằm cho phép người Do Thái đến Palestine. Những tổ chức hoạt động trong lãnh thổ Anh luôn hỗ trợ người tị nạn Do Thái trước ĐCTGII cũng có tên trong “Sách Đen”.

Bản danh sách “3.000 người Anh nổi bật” của Adolf Hittler -1
Sĩ quan hộ chiếu Anh, Frank Foley, làm việc suốt 15 tiếng/ngày để giải cứu người Đức gốc Do Thái thoát họa diệt chủng của đức quốc xã. Ảnh nguồn: Public Domain.

Giới văn nghệ sĩ, phóng viên cũng vào “Sách Đen”

Trên sân khấu chính trị, những thành phần chống phát xít hàng đầu phải kể đến Bộ trưởng Lao động tương lai (cũng là một người ủng hộ Phục quốc Do Thái) Richard Crossman, một tiếng nói lẻ loi về việc tái vũ trang ngay trong đảng của mình hồi thập niên 1930; nam diễn viên Dame Sybil Thorndike; nguyên lãnh đạo phong trào giải phóng phụ nữ Sylvia Pankhurst.

“Sách Đen” cũng nhắm đến tên các nhà xuất bản Anh phải đóng cửa, bao gồm Penguin Books, Left Book Club (thành lập năm 1936 bởi nhà xuất bản người gốc Do Thái, Victor Gollancz. Tác giả Oldfield nhìn nhận có thể  Gestapo sẽ “không đọc nhiều sách bài Hitler và chủ nghĩa quốc xã được xuất bản ở Anh” song dù sao họ cũng nhắm vào các mục tiêu một cách “ấn tượng”. Giới văn sĩ và học giả cũng có tên trong “Sách Đen” của Gestapo. Tiểu thuyết gia E.M. Forster với nhiều cuốn sách bài ĐQX đã đến tay hàng triệu độc giả trên đài BBC.

“Sách Đen” còn nhắc đến tên của nhà làm phim người Hungary gốc Do Thái, Alexander Korda, hãng phim của ông Korda được tài trợ ngân sách bởi Mật vụ Anh. Giống như Coward, công việc của Korda đã tạo cho ông một vỏ bọc hoàn hảo để đi lại và hoạt động ngầm. Nhà phê bình văn học người xứ Cambridge, F.L. Lucas, “một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất phản đối ĐQX” từ lâu cũng nằm trong tầm ngắm của Gestapo. Là một nhà ngôn ngữ học tài năng, Lucas được tình báo Anh tuyển dụng vào tháng 9-1939 chuyên vào dự án phá mã “Enigma” tại Bletchley (Buckinghamshire, Anh).

Trong số các nhà văn tên tuổi có tên trong “Sách Đen” của Gestapo phải kể đến văn sĩ người Áo gốc Do Thái, Stefan Zweig; nhà phê bình sân khấu người Đức gốc Do Thái, Alfred Kerr; hay một nhà báo lưu vong người Đức gốc Do Thái là Gabriele Tergit, người đã đào tẩu khi lực lượng SA đột kích ngôi nhà ông ở Berlin vào tháng 3-1933.

ĐQX cũng lưu tâm tới những nhà báo Anh được gửi tới Đức từ trước chiến tranh, họ đã cảnh báo cho độc giả về hiểm họa mang tên chủ nghĩa quốc xã, có thể kể đến là Sefton Delmer của tờ Daily Express, Norman Ebbutt của tờ The Times, Victor Gordon-Lennox của tờ Daily Telegraph, ông chuyên thu thập tình báo Đức gửi cho mật vụ Anh và Văn phòng đối ngoại thịnh vượng chung.

Bản danh sách “3.000 người Anh nổi bật” của Adolf Hittler -1
Đạo diễn, nhà biên kịch Alexander Korda với người em trai Vincent Korda. Ảnh nguồn: BFI National Archive.

Tuy vậy, như tác giả Oldfield đã chỉ ra nhiều cảnh báo về việc ban hành “Sách Đen” của Đức Quốc xã trong nửa sau thập niên 1930 đã không được quan tâm đúng mực bởi chính phủ và công chúng Anh nhằm tránh đất nước rơi vào cuộc chiến khác. Bà Oldfield nhắc đến ông George Ward Price, một phóng viên đặc biệt của tờ Daily Mail, cũng là nhà báo Anh mà Adolf Hitler yêu thích. Bà Oldfield tin rằng George Ward Price bị đề tên trong “Sách Đen” do bởi đã “phản bội” Quốc trưởng (Hitler) khi quay sang chống Đức và cất tiếng xoa dịu sau khi Đức xâm lược Tiệp Khắc vào tháng 3-1939.

Ngoài ra còn có vài trăm cái tên khác trong “Sách Đen” có thể là mật vụ hoặc điệp viên và rất khó nhận diện. Mặt khác, trong bản danh sách “tử thần” còn nhắc đến tên của các cơ quan quân sự và mật vụ. Đại tá Frank Noel Mason-Macfarlane, (tùy viên quân sự Anh ở Berlin từ năm 1938 đến năm 1939), người nổi tiếng với kế hoạch “hành thích” Hitler từ ngôi nhà ông ta ở Charlottenburger Chausse, từng có câu nói bất hủ: “Bắn súng trường dễ ợt! Tôi có thể tẩn tên khốn đó trong nháy mắt!”.

Hay nhà báo Anh, Jona “Klop” Ustinov, một điệp viên ngầm của MI-5. Nguồn tin quan trọng nhất của Ustinov là thông qua một nhà quý tộc làm việc tại đại sứ quán Đức ở London có tên là Wolfgang Gans zu Putlitz. Nhìn nhận về nguồn tin của Putlitz, viên chức cấp cao của MI-5 là ông Peter Wright quả quyết: “Đó là nguồn tình báo vô giá, có lẽ là nguồn tình báo con người quan trọng nhất mà Anh nhận được trong thời kỳ tiền chiến”.

Cuối cùng, theo tác giả Oldfield, những người có tên trong “Sách Đen” đã tạo nên nhiều kỳ tích góp phần đánh bại ĐQX. Ví dụ, Paul Eisler, một người Áo gốc Do Thái đã chuyển đến Anh hồi cuối thập niên 1930, đã phát minh ra công nghệ điện tử giúp phòng thủ London trước sự tấn công của tên lửa V1 của Đức vào năm cuối của đại chiến.

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.