Giải mã biên bản thẩm vấn một thủ lĩnh IS

Thứ Hai, 25/10/2021, 13:07

Vào tháng 10 năm 2019, IS (Nhà nước Hồi giáo tự xưng) công bố thủ lĩnh mới của mình là Abu Ibrahim al-Hashemi al-Qurashi. Sau một thời gian nghiên cứu, Chính phủ Mỹ đã công khai xác định danh tính cá nhân này là Amir Muhammad Sa’id ‘Abd-al-Rahman al-Mawla. Trái ngược với người tiền nhiệm Abu Bakr al-Baghdadi, trên thế giới và ngay cả trong hàng ngũ IS, nhân vật này hầu như không được ai biết đến.

Liên tiếp trong 2 năm 2020 và 2021, chính phủ Mỹ đã giải mật 59 bản “báo cáo thẩm vấn chiến thuật” (TIR)  thực hiện vào năm 2008 khi al-Mawla bị quân đội Mỹ bắt giữ ở Iraq. Việc phân tích những bản báo cáo này giúp thế giới hiểu hơn về al-Mawla, thủ lĩnh tối cao của IS hiện nay nói riêng và về các tổ chức thánh chiến nói chung.

Sự chuyển đổi lãnh đạo trong bất kỳ tổ chức nào cũng luôn tạo ra sự không chắc chắn và làm nảy sinh những suy đoán về đường lối tương lai của tổ chức đó. Động thái này càng đúng hơn đối với các tổ chức khủng bố bí mật, khi mà việc mong muốn công khai tên tuổi và trình độ của người lãnh đạo mới phải cân bằng với nhu cầu bảo đảm bí mật.

Với IS, hành động cân bằng này có ý nghĩa quan trọng hàng đầu bởi trên thực tế, ngày 26 tháng 10 năm 2019, thủ lĩnh tiền nhiệm của IS là Abu Bakr al-Baghdadi đã bị giết trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ, hơn thế nữa IS giờ đây chỉ còn là cái bóng mờ nhạt của những gì mà họ đã có trong ở thời kỳ đỉnh cao vào mùa hè năm 2015.

Thủ lĩnh hiện tại của IS: Amir Muhammad Sa’id ‘Abdal-Rahman al-Mawla, đã bị lực lượng Mỹ bắt giữ và thẩm vấn vào năm 2008 (rất lâu trước khi người này được chọn lãnh đạo nhóm) và dường như chính quyền Iraq đã nhanh chóng thả gã cũng vào năm đó. Khi bị bắt, al-Mawla đang là thủ lĩnh phụ trách việc giám sát thực thi luật Hồi giáo ở Mosul của IS (Nhà nước Hồi giáo Iraq, tiền thân của IS-Nhà nước Hồi giáo), vị trí rất quan trọng trong các chính quyền Hồi giáo và thậm chí đã từng có thời gian giữ chức phó thống đốc của tổ chức này ở Mosul.

Vào tháng 9 năm 2020, Trung tâm Chống Khủng bố (CTC) tại West Point (Học viện Quân sự Mỹ) đã tiến hành phân tích một số báo cáo thẩm vấn chiến thuật (TIR) liên quan tới  al-Mawla thực hiện vào năm 2008 và vừa được chính phủ Mỹ giải mật. Các tài liệu này đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc về lý lịch và các hoạt động ban đầu của al-Mawla trước khi gã gia nhập hệ thống phân cấp của Nhà nước Hồi giáo.

Đó cũng chính là những kinh nghiệm do al-Mawla tự đúc kết trong quá trình gia nhập và tham gia hoạt động của IS. Các bản báo cáo cũng cho thấy sau khi bị bắt, al-Mawla đã không ngần ngại khai ra tất cả các thông tin về tổ chức của mình, như một bản TIR đã viết: “anh ta hót véo von như một con chim hoàng yến”.

Giải mã biên bản thẩm vấn một thủ lĩnh IS -0
Abu Bakr Al-Baghdadi, người tiền nhiệm của al-Mawla phát biểu trước các tín đồ Hồi giáo năm 2014.

Báo cáo thẩm vấn chiến thuật là gì?

Báo cáo thẩm vấn chiến thuật (TIR - Tactical Interrogation Reports) là những thông tin quân đội Mỹ thu được từ các cuộc thẩm vấn các chiến binh bị cáo buộc là kẻ thù, bao gồm các thông tin như tiểu sử, vị trí trong mạng lưới, hiểu biết về các thành viên, năng lực của tổ chức mà họ phục vụ. Đó không phải là nguyên văn lời khai của tù nhân mà là những ý chính có tác dụng dẫn dắt và duy trì các cuộc trao đổi giữa họ và các nhân viên thẩm vấn cũng như những nhận xét của nhân viên thẩm vấn ghi lại sau đó.

Trong trường hợp của al-Mawla, cho tới nay, ngoài 59 bản TIR đã được Mỹ giải mật, vẫn còn khoảng 10 bản thẩm vấn khác chưa được công bố và những bản thẩm vấn đã công bố thì nhiều khả năng cũng đã bị cắt xén bớt với lý do có thể gây phương hại đến mối quan hệ giữa Mỹ và các đối tác và đồng minh. Một lý do khác nữa để giải thích cho việc cắt xén này là để giữ bí mật các nguồn cung cấp tin cũng như các phương pháp tình báo đã và đang được sử dụng. 

Al-Mawla là ai?

Trong bối cảnh có rất ít thông tin về al-Mawla và sự ra đời của IS, vì vậy mặc dù vẫn chưa hoàn hảo, nhưng những cuộc nói chuyện được ghi lại trong các bản TIR đã cung cấp những thông tin quý giá và hiếm hoi về hai phần khác biệt trong cuộc đời của al-Mawla: Trước và sau khi được tuyển dụng vào IS.

Trong các TIR này, al-Mawla khai rằng gã sinh ra ở Al-Muhalabiyyah, Iraq, vào tháng 10 năm 1976, tức là 31 tuổi khi lực lượng quân đội Hoa Kỳ bắt giữ và 45 tuổi vào ngày hôm nay (tháng 10 năm 2021). Al-Muhalabiyyah là một thị trấn nhỏ với 14.000 cư dân, nằm trong quận Tal Afar nhưng thực tế cách thành phố Tal Afar khoảng 20 dặm. Khu vực Tal Afar đa dạng về sắc tộc gồm người Arab (10%) và người Thổ Nhĩ Kỳ (90).

Sự ra đời của al-Mawla ở Al-Muhalabiyyah đặt ra một vấn đề quan trọng liên quan đến sắc tộc của gã, nếu al-Mawla là người Thổ Nhĩ Kỳ, điều này có thể gây ra cho gã các vấn đề về tính hợp pháp vì trong các cấp lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo theo thông lệ sẽ chủ yếu là người Ảrập. Tuy nhiên, ngoài việc nơi sinh của al-Mawla là ở một khu vực có đa số là người Thổ Nhĩ Kỳ, không hề có thông tin nào chứng minh rằng anh ta là người gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa, trong thông tin tiểu sử được in ở phần trên cùng của mỗi TIR, sắc tộc của al-Mawla luôn được những người thẩm vấn ghi rõ là Arab.

Lời khai tiếp theo của al-Mawla liên quan đến 18 tháng phục vụ trong quân đội Iraq theo chế độ nghĩa vụ quân sự (từ 2001-2002), giữ cấp bậc binh nhì và làm việc ở một số đơn vị hành chính. Sau thời gian phục vụ quân đội, al-Mawla đã hoàn thành bằng thạc sĩ về nghiên cứu Hồi giáo tại Đại học Mosul. Kiến thức tôn giáo luôn được coi là điều cần thiết với một caliph (nhà lãnh đạo), Al- Baghdadi, người tiền nhiệm của al-Mawla, được cho là có bằng tiến sĩ luật Hồi giáo. Kiến thức chuyên môn này về tôn giáo cũng chính là lý do để anh ta được mời gia nhập IS vào tháng 2 năm 2007.

Cần nhớ rằng Al- Baghdadi đã thành lập nhóm chiến binh của riêng mình ngay từ năm 2003 (khi Mỹ đổ quân vào Iraq), bị bắt năm 2004, tham gia hội đồng Mujahideen Shura ngay khi nó mới thành lập vào năm 2006. Sự kiện al-Mawla chỉ tập trung vào nghiên cứu sau đại học trong thời gian này và tránh dính líu vào các xung đột trên chiến trường cho thấy anh ta không phải là người quá nhiệt tình với trào lưu Thánh chiến như những người khác, chẳng hạn như thủ lĩnh tiền nhiệm Al- Baghdadi.

Trong các bản TIR, động cơ gia nhập IS của al-Mawla thể hiện cũng không rõ ràng. Trong buổi thẩm vấn đầu tiên diễn ra hai ngày sau khi bị bắt, anh ta tuyên bố rằng mình tham gia IS để “ngăn chặn các chiến binh tấn công người vô tội chứ không vì lý do tiền bạc”. Anh ta cũng  khẳng định rằng mình đã tránh việc cam kết trung thành với IS vì “là một sufi”.  Có vẻ như đây là một lời khai dối trá bởi nếu chúng ta nhìn lại quá trình thăng tiến mau chóng của anh ta, chỉ sau vài tháng gia nhập IS đã được bổ nhiệm là thủ lĩnh của luật “Hồi giáo” (sharia) của IS ở Mosul, đây là một vị trí then chốt bởi việc giải thích “đúng” luật Hồi giáo đóng vai trò rất quan trọng trong mọi vấn đề: quân sự, truyền thông và nhân sự trong nhóm.

Bất kể vì lý do gì, rõ ràng là cuối cùng al-Mawla đã tham gia vào hàng loạt những hoạt động quan trọng của IS: hòa giải tranh chấp với các nhóm khác, đề cử thẩm phán, soạn thảo thông điệp truyền thông, ban hành các phán quyết pháp lý liên quan đến luật Sharia, định ra số tiền chuộc cho các con tin bị IS bắt cóc. Al-Mawla cũng cho biết mình đã từng là phó thống đốc của IS tại Mosul trong một thời gian.

Chắc chắn rằng al-Mawla đã luôn tìm cách giảm thiểu các hậu quả tiêu cực gây ra bởi những hoạt động của cá nhân anh ta, đó cũng là điều dễ hiểu với một người đang bị kẻ thù thẩm vấn. Nhưng bất kể mức độ tham gia thực sự là thế nào, hiển nhiên rằng al-Mawla đã nắm giữ những vị trí lãnh đạo trong một tổ chức đã thực hiện vô số các hành động tàn bạo tại Mosul trong một thời gian dài và đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Giải mã biên bản thẩm vấn một thủ lĩnh IS -0
Thành phố Mosul ngày 9 tháng 7 năm 2017 (sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của IS).

Các lời khai về đồng bọn

 Một trong những khía cạnh hấp dẫn hơn trong các phiên thẩm vấn al-Mawla là khối lượng đồ sộ các thông tin mà anh ta cung cấp có liên quan đến những cá nhân (có thể) đã làm việc ở các vị trí khác nhau trong IS. Mặc dù ý kiến của những người thẩm vấn al-Mawla trong các bản TIR đã bị cắt xén nhiều trước khi chính phủ Mỹ công bố, những gì còn lưu lại cho thấy hầu hết đều nhận xét rằng al-Mawla luôn sẵn sàng chia sẻ các thông tin về những đồng bọn của mình. Trong một bản TIR, người thẩm vấn lưu ý rằng “anh ta sẵn sàng đối chất với những người khác có liên quan tới IS ở Mosul” và rằng al-Mawla “đã tỏ ra thành thật khi cố gắng xác định các bức ảnh của những người bị giam giữ khác”.

Al-Mawla đã cung cấp các thông tin chi tiết như chức vụ, các bí danh khác nhau, phương thức liên lạc, nơi đặt căn cứ... của một  chiến binh nước ngoài có vị trí cao cấp (thủ lĩnh IS ở miền bắc Iraq) tên là Abu Qaswarah. Rõ ràng là Al-Mawla đã “bán đứng” Abu Qaswarah. Chúng ta có thể tin rằng cuộc đột kích của quân Mỹ vào tháng 10 năm 2008 giết chết Mohamed Moumou (Abu Qaswarah) có thể một phần nào đó đã dựa vào thông tin do al-Mawla cung cấp.

Ngoài hồi ức về các vai trò và tên của một số cá nhân, al-Mawla còn cung cấp khá chi tiết về cơ cấu tổ chức của IS ở Mosul, giúp cho việc xây dựng một biểu đồ dạng đường và khối hiển thị tên và chức vụ của khoảng 40 cá nhân đang hoạt động trong các vai trò khác nhau.

Dẫu rằng tất cả những cái tên mà anh ta cung cấp đều là bí danh, dẫu rằng điều này có thể hữu ích hoặc không  hữu ích khi xác định những cá nhân cụ thể này là ai, thì rõ ràng là những thông tin đó vẫn có thể được sử dụng để thu hẹp các nhóm cá nhân đang phục vụ trong các vai trò nhất định và cung cấp một số chứng thực một khi những cá nhân này bị bắt và truy tố. Trong một số bản TIR, al-Mawla cũng đã cung cấp những thông tin có giá trị về hai nguồn gây quỹ chủ yếu của IS ( thuế thu được từ dầu mỏ và các hợp đồng xây dựng) cũng như cơ cấu thanh toán được áp dụng cho các thành viên IS.

Một vài câu hỏi còn bỏ ngỏ

Dẫu rằng các bản thẩm vấn chiến lược (TIR) liên quan tới al-Mawla vừa được chính phủ Mỹ giải mật có phần cũ kỹ nhưng những gì ông ta đã nói và làm trong thời gian bị quân đội Mỹ giam giữ vẫn là những dữ liệu quý báu duy nhất để chúng ta tiến hành phân tích về al-Mawla, thủ lĩnh tối cao của IS hiện nay. Một số lĩnh vực mà những tài liệu này đã đề cập đến sẽ cung cấp thông tin hỗ trợ quan trọng cho những nỗ lực chống khủng bố trong tương lai.

Tuân theo Hiệp định Tình trạng Lực lượng (SOFA) năm 2008 giữa Mỹ và Iraq, Mỹ đã chuyển giao quyền giám sát và giam giữ al-Mawla cho phía Iraq. Câu hỏi cần được đặt ra là với những gì mà chính al-Mawla đã thừa nhận và được ghi lại trong các bản thẩm vấn (TIR) này, hiển nhiên là anh ta có một vị trí cao và tham gia vào những hoạt động quan trọng của IS, vậy tại sao chính phủ Iraq lại đã thả anh ta một cách dễ dàng và nhanh chóng như vậy. Rõ ràng cần phải có thêm các nghiên cứu để điều chỉnh lại chính sách giam giữ và phương pháp xác định những mối đe dọa trong tương lai.

Ngoài một số biên bản thẩm vấn al-Mawla mà chính phủ Mỹ mới công bố, thế giới hầu như không có thông tin gì nữa về thủ lĩnh tối cao hiện nay của IS. Rõ ràng vẫn còn rất nhiều điều cần làm sáng tỏ thêm về lịch sử ban đầu của anh ta, về vai trò của anh ta trong IS và trong IS sau đó, về hành trình mà anh ta đã trải qua kể từ khi ra tù đến lúc leo lên đến vị trí phó tướng của Abu Bakr al-Baghdadi và kế nhiệm làm thủ lĩnh tối cao của IS sau khi Abu Bakr al-Baghdadi bị giết chết, về sự liên đới và trách nhiệm cá nhân của al-Mawla trong trong tội ác diệt chủng Yazidis ở Iraq (năm 2014). Giải đáp được những điều này sẽ giúp cho cuộc đấu tranh chống IS nói riêng và chống chủ nghĩa khủng bố sớm thành công.

Dương Thắng
.
.