Khi các “Big Tech” Trung Quốc đổ bộ vào Mỹ Latinh

Thứ Hai, 28/11/2022, 21:34

Khi các công ty như Didi, Kuaishou, Huawei và TikTok mở rộng khắp khu vực Mỹ Latinh, họ đang tuyển dụng các chuyên gia công nghệ trẻ, địa phương và thúc đẩy sự nghiệp của họ trong công ty. Đổi lại, các công ty Trung Quốc đang hình thành một nhóm nhân tài chuyên biệt để đạt được lợi thế trong một khu vực mà vai trò của các công ty Mỹ và châu Âu đã có uy tín từ lâu.

Trang “Rest of World” đã có cuộc phỏng vấn với các nhân viên tại các công ty công nghệ Trung Quốc ở Argentina, Mexico, Brazil và Colombia - những thị trường lớn nhất ở Mỹ Latinh. Các công ty này thường đóng vai trò là cửa ngõ để các nhân viên trẻ của công ty được “kết nạp” vào nhóm nhân tài công nghệ của khu vực. Vị trí việc làm của nhân viên rất đa dạng, từ vai trò quản lý cấp trung đến cấp cao trong lĩnh vực như tiếp thị, vận hành và chính sách.

Khi các “Big Tech” Trung Quốc đổ bộ vào Mỹ Latinh -0
Các công ty công nghệ Trung Quốc ngày càng được biết đến rộng rãi ở Mỹ Latinh.

Khi gã khổng lồ gọi xe Trung Quốc Didi mở rộng sang Mexico vào năm 2018, Aurora Morales Sanchez là một phần của đội ngũ nhân viên “mở đường”. Morales, một giám đốc tiếp thị, đã được tuyển dụng thông qua trang LinkedIn. Cô đã sống ở Trung Quốc trong sáu tháng khi còn là sinh viên và mặc dù không nói được tiếng Quan thoại, nhưng phát biểu với “Rest of World”, cô khẳng định trải nghiệm đó có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp của mình. Morales nói: “Điều cực kỳ quan trọng đối với công ty là tuyển dụng được những người hiểu văn hóa Trung Quốc”.

Sau gần ba năm phụ trách thị trường Mỹ Latinh và Nga trong nhóm tiếp thị của Didi, Morales tiếp tục làm việc cho một công ty Trung Quốc khác, Kuaishou, công ty điều hành ứng dụng Kwai, được coi là đối thủ cạnh tranh toàn cầu chính của TikTok. Ở đó, cô điều hành hoạt động tiếp thị cho khu vực Mỹ Latinh nói tiếng Tây Ban Nha. Trải nghiệm của cô với Didi là bàn đạp để bước vào thế giới rộng lớn hơn của các tập đoàn Trung Quốc trong khu vực. Cô nói: “Tôi đến Kwai vì một số người từng làm việc ở Didi đã chuyển đến Kwai biết tôi và công việc của tôi”.

Khi những nhân viên như Morales nhanh chóng trở thành chuyên gia trong thị trường Mỹ Latinh, họ được các công ty Trung Quốc khác đến khu vực này săn đón nhiều hơn. Kết quả là các công ty Trung Quốc đang cạnh tranh lẫn nhau để tuyển dụng các nhân tài địa phương.

Trong nhiều năm, nhiều công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đã không tìm kiếm cơ hội phát triển vượt ra ngoài biên giới đất nước. Với một thị trường rộng lớn và ngày càng giàu có tại quê nhà, các công ty như Didi và Kuaishou có thể dựa vào phần lớn hoạt động mở rộng của họ diễn ra bên trong Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường dịch vụ kỹ thuật số đã được củng cố hơn nữa khi chính phủ Trung Quốc tăng cường giám sát quyền lực và ảnh hưởng của các công ty công nghệ. Khi đại dịch COVID-19 làm gia tăng cạnh tranh trong mọi lĩnh vực, từ giao đồ ăn đến thương mại điện tử, các công ty Trung Quốc đẩy mạnh tập trung vào kinh doanh toàn cầu làm nền tảng cho sự phát triển trong tương lai.

Đối với những gã khổng lồ công nghệ như Didi, Kuaishou, Huawei và TikTok, Mỹ Latinh là khu vực tăng trưởng ưu tiên trong 5 năm qua. Kể từ năm 2012, các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 120 tỷ USD vào Mỹ Latinh - từ các dự án cảng ở Peru cho đến việc mua lại các công ty khởi nghiệp địa phương. Theo Daniel Lau, đối tác chính tại chi nhánh Sao Paulo của KPMG tại Trung Quốc, con số này có thể sẽ tăng lên trong vài năm tới. Đối với Didi, thành công trong việc giành được sức hút ở Mexico - nơi hãng kiểm soát gần 60% thị trường gọi xe - là một điểm sáng hiếm hoi, so với những nỗ lực tiếp cận thị trường nước ngoài như Nam Phi, Kazakhstan và Nga đang gặp nhiều khó khăn.

Với việc nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ Latinh, các công ty Trung Quốc đã đi theo một chiến thuật đã chứng tỏ hiệu quả cao ở các thị trường từ Indonesia đến Pakistan. Phát biểu với “Rest of World”, Joey Ding, một nhà tuyển dụng lao động cho các công ty công nghệ Trung Quốc và quốc tế, nói rằng các công ty Trung Quốc đã áp dụng một phiên bản của chiến lược “địa phương hóa sản phẩm” - điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu và lợi ích của thị trường địa phương. Đặc biệt khi tung sản phẩm mới ra thị trường, chẳng hạn như định dạng video ngắn của ứng dụng Kwai, điều quan trọng là phải tuyển dụng được những người dân địa phương hiểu người tiêu dùng đang tìm kiếm điều gì.

Một số công ty Trung Quốc cũng cung cấp thứ mà hầu hết các công ty phương Tây ở Mỹ Latinh không có: lương cao hơn, đôi khi bằng USD. Jorge Reyes, giám đốc điều hành quảng cáo của Huawei, người trước đây từng làm việc tại TikTok, cũng cho rằng mức lương mà anh ấy nhận được ở cả TikTok và Huawei đều cao hơn so với các công ty phương Tây tương tự trong khu vực. Anh khẳng định: “TikTok chắc chắn đưa ra mức lương cao hơn so với các công ty khác trong khu vực ở những vị trí tương tự”.

Velazquez Traut, 38 tuổi, một nhà sáng tạo nội dung của Kwai làm việc tại Argentina, đất nước có lạm phát cao kéo dài trong nhiều năm, cho biết cô đề cao việc được trả lương bằng đồng tiền ồn định hơn. Cô nói: “Chúng tôi muốn được trả lương giống như một người làm việc ở Mỹ, Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác. Làm việc tại một công ty Trung Quốc thực sự đã thay đổi sự nghiệp của tôi vì tôi đã học được cách mở rộng kinh nghiệm nhanh chóng cũng như có được những mục tiêu lớn thực sự. Tôi cảm thấy được coi trọng hơn sau khi làm việc tại một công ty công nghệ Trung Quốc”.

Hạnh Vân (Tổng hợp)
.
.