Những người ở lại Yaly

Thứ Ba, 22/03/2022, 22:01

Nơi ngọn thác thiêng xưa đã thành công trình thủy điện lớn nhất Tây Nguyên. 20 năm sau ngày khánh thành thủy điện Yaly, hàng chục ngàn công nhân đã đi đến nhiều công trình khác, nhưng vẫn có hàng ngàn người ở lại xây dựng mảnh đất này thành một thị trấn trù phú.

Chuyện kể của "nước nàng Hly"

Đó là thủy điện lớn thứ 4 cả nước, nhưng lớn nhất Tây Nguyên. Công trình kỳ vĩ ấy được xây dựng nhanh chóng và thể hiện bản lĩnh, sức mạnh của tinh thần Việt Nam chỉ trong vòng 3 năm. Công trình ấy đã làm thay đổi cả một vùng bắc Tây Nguyên.

2.jpg -0
Yaly trở thành đại công trường trong những năm 1993-1997. Ảnh tư liệu Khắc Bộ

30 năm trước, những con nước hùng vĩ trên 2 con sông Krông B'Lah và hệ thống sông Sê San thuộc ranh giới 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai đổ về dòng thác hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên. Dòng thác ấy vào những năm 1950, người ta từng đo chiều cao lên đến 42m.

Trong ký ức của mình, ông Rơ Châm Krí (76 tuổi, già làng Jrai của làng Vân, TT IaLy, Chư Păh, Gia Lai) bồi hồi nhớ lại, cái tên thác Yaly vốn có nhiều tên gọi khác nhau, nhiều người thường quen gọi ngọn thác này với cái tên Jrai Ly hoặc Yaly, Ialy. Những già làng của vùng Yaly này từ các làng Vân, làng Mun, làng Bloi (TT Ialy), các làng của xã Ia Xia, xã Ia Phí (huyện Chư Pah, Gia Lai) và xã Yaly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) vẫn thường kể lại câu chuyện sử thi của mình về huyền thoại Nàng Ly. Trong tiếng Jrai, Ya (hay Ia) có nghĩa là nước, Ly là tên một người con gái. Các già làng kể lại rằng, ngày xưa ở vùng đất này khô hạn, người dân thiếu nước sống khổ sở, đói khát. Một lãnh chúa ở vùng đất này biết một nguồn nước ngọt mang lòng yêu thương một cô gái xinh đẹp tên là nàng HLy. Lãnh chúa vì quá si mê nàng HLy nên đã tiết lộ nguồn nước quý giá đó cho cô. Vị lãnh chúa vùng đất này nói nếu nàng tiết lộ bí mật này cho dân làng thì nàng sẽ phải chết. Biết được sự thật này nhưng nàng HLy vẫn không giữ bí mật đó cho riêng mình và gia đình. Nàng HLy đã nhận lấy bi kịch cho mình khi chỉ cho dân làng nơi nguồn nước quý giá. Mái tóc của cô gái trẻ HLy đã biến thành thác nước Yaly chảy suốt đêm ngày cùng vĩ thanh của nó mang đến sự ấm no, sung túc cho các buôn làng trên vùng đất bazan đầy nắng gió này…

Trong ký ức của những người già tại các buôn làng quanh thác Yaly, công trình thủy điện này là một sự vĩ đại mà chẳng người dân nào tưởng tượng ra nổi. Ông Rơ Châm Vân - người Jrai ở làng Bloi (TT Ialy) kể lại: “Cán bộ vào từng làng vận động người dân, chỉ ra tương lai phát triển cho cả vùng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, giúp con em đồng bào nơi đây phát triển hơn, được học hành... người làng thuở ấy không mấy người tưởng tượng ra, nhưng rồi các già làng đứng ra nói chuyện, người làng đều hiểu và đồng thuận. Công trình lớn quá, người Kinh về làm đông quá, tiếng máy, tiếng người rồi ánh điện sáng rực cả một vùng trời đêm!”.

Những người ở lại Yaly -0
Lễ khánh thành và phát điện tổ máy cuối cùng, hòa vào lưới điện Quốc gia, tháng 4-2002. (ảnh tư liệu Khắc Bộ)

30 năm trước, công trình đại thủy điện ở Tây Nguyên bắt đầu được từng bước xây dựng như thế. Những con đường trải nhựa được mở ra để máy móc, vật liệu chuyển vào. Hàng chục ngàn công nhân từ miền Bắc, miền Nam, miền Trung và cả con em các buôn làng ở xung quanh nơi này rầm rập vào tiến độ. Những khu nhà ở công nhân được dựng lên nhanh chóng. Hàng loạt khu vực như Thủy Công, Đường Hầm, Lắp Máy, Sông Đà 7,8,9,11 hay khu Ban A, Ban B... cấp tập được xây dựng để chuẩn bị khởi công công trình. Nhà máy thủy điện Ryninh I và II được xây dựng để lấy nguồn điện phục vụ đại công trình và phục vụ đời sống cán bộ công nhân viên thủy điện.

Hàng chục ngàn công nhân, mà hầu hết đều là “Người Sông Đà” đã đến Yaly để xây dựng thủy điện. Ông Đăng Văn Giỡ (72 tuổi), người công nhân một đời làm thủy điện kể lại, ông từng tham gia xây dựng thủy điện Thác Bà, rồi sau đó tiếp tục theo công trình để xây dựng thủy điện Sông Đà (Hòa Bình) gần 10 năm, rồi tới năm 1991 ông lại tiếp tục từ Sông Đà vào Yaly để xây dựng thủy điện. Trong ký ức của ông 30 năm trước, vùng đất Yaly nằm gần biên giới Việt – Campuchia này heo hút gió và nắng. Năm 1993, công trình thuỷ điện Yaly được khởi công xây dựng, đến năm 2003, Nhà máy thủy điện Yaly hoàn thành đã biến cả vùng thác Yaly hoang sơ thành một công trình kỳ vĩ. 10 năm trời xây dựng, cả vùng đất này biến thành đại công trường với hàng ngàn máy móc, hàng chục ngàn công nhân và hàng chục ngàn hộ gia đình.

Ông Đặng Khắc Bộ, hiện là Tổ trưởng tổ Du Lịch Nhà máy thủy điện Yaly cho biết, tuyến đập Yaly nằm ngay phía thượng lưu thác có chiều dài 1.160 mét, chiều cao lớn nhất 65 mét, là loại đập đá đổ có lõi bằng đất sét. Mức nước dâng bình thường 515 mét, mức nước chết 490 mét. Dung tích toàn bộ hồ chứa 1.037 triệu m3, dung tích hữu ích 779 triệu m3. Nhìn vào khối lượng công trình ngầm mà những người thợ Yaly góp phần hoàn thành, chúng ta khó có thể tưởng tượng được sức mạnh của hơn 10.000 công nhân lao động cùng lúc trong giai đoạn cao điểm, nhưng sẽ hiểu được ý chí quyết tâm của hàng ngàn người có mặt tại đây hoàn thành 16.000 mét đường hầm, trong đó có hai đường dẫn nước, bốn ống áp lực, rồi hệ thống điều áp, hầm thông gió, hầm dẫn cáp, hầm dẫn nước ra cửa, hệ thống công trình ngầm gian máy, gian biến thế… với tổng khối lượng đá đào tới 940.000 mét khối.

Sự vĩ đại của đại công trình ở Tây Nguyên được thể hiện bằng các con số khổng lồ. Khối lượng công tác chính gồm đào đất đá 7,7 triệu m3, trong đó đào ngầm 854 nghìn m3, đắp đất đá các loại 8,7 triệu m3, bê tông 574 nghìn m3, với gần 240 nghìn m3 bê tông ngầm, lắp đặt gần 20 nghìn tấn thiết bị. Đây là nhà máy thủy điện ngầm lớn thứ 2 của Việt Nam sau Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Tuy vậy, do ưu thế chênh lệch địa hình cộng thêm chiều cao thác nước nên cột nước thiết kế Nhà máy Thủy điện Yaly cao hơn thủy điện Hòa Bình đến 2,3 lần. Vì thế, số lượng các hạng mục công trình của tuyến năng lượng nhiều hơn, dài hơn và phức tạp hơn.

Chỉ trong vài năm, một khối lượng công việc khổng lồ đã hoàn thành, tổ máy số 1 đã phát điện vào ngày 7-5-2000, tổ máy số 1 của nhà máy thủy điện lớn đầu tiên trên sông Sê San đã hòa lưới điện quốc gia, ngày 12-12-2001, tổ máy cuối cùng phát điện và ngày 27-4-2002 khánh thành công trình, hòa vào lưới điện Quốc gia, thắp sáng cả vùng Tây Nguyên rộng lớn, hoàn thành sứ mệnh "Khơi nguồn vàng trắng sông Sê San thành dòng điện sáng cho đất nước".

Người ở lại Yaly

Sau gần 7 năm thi công, đương đầu với thời tiết khắc nghiệt và địa hình hiểm trở, hàng vạn công nhân, kỹ sư, chuyên gia, cán bộ quản lý trên công trường đã biến cả vùng thác Yaly hoang sơ thành một công trình vĩ đại. Nhưng, vẫn có 32 cán bộ công nhân viên đã nằm lại với dòng nước thủy điện này. Họ chính là những người đổ xương máu vì dòng điện cho Tây Nguyên. Họ chính là niềm tự hào của những người làm thủy điện Sông Đà. Họ là những huyền thoại mới trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Và có rất nhiều người công nhân xây dựng thủy điện năm xưa đã ở lại, góp phần xây dựng lên thị trấn Ialy ngày càng đổi mới, khang trang hơn.

Bây giờ, những khu công nhân ngày trước tại thủy điện Yali đã được phân chia thành các tổ, thôn, buôn làng của thị trấn Ialy theo quyết định thành lập thị trấn ngày 23-12-2013 Nghị quyết số 128/NQ-CP.  Theo đó, thành lập thị trấn Ia Ly trên cơ sở toàn bộ 4.845,96 ha diện tích tự nhiên và 6.350 nhân khẩu của xã Ia Ly. Thế nhưng, để xây dựng được thị trấn Ia Ly như hiện nay là bài toán khó của các ban ngành, đặc biệt là của lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà thời điểm đó. Năm 2002, sau gần 10 năm thi công, công trình thủy điện Yaly đang bước vào những ngày nước rút để đưa tổ máy số 1 vào chạy thử, hòa vào mạng điện quốc gia.

Trong niềm vui lớn lao khi đất nước có thêm một công trình lớn, cán bộ, công nhân của Tổng công ty xây dựng Sông Đà lại thắc thỏm một nỗi lo là giải quyết việc làm cho lao động dôi dư khi công trình hoàn thành, như đã từng xảy ra với “hậu Sông Đà”. Bên cạnh việc chỉ đạo trên công trường vì mục tiêu phát điện tổ máy số 1 đúng tiến độ, cán bộ lãnh đạo Tổng công ty lại phải lao tâm khổ tứ để tìm một hướng đi sau này cho những người thợ Yaly.

Những người ở lại Yaly -0
Thủy điện Yaly trở thành điểm tham quan hấp dẫn tại Gia Lai

Tại Văn bản 2907 Văn phòng chính phủ – KTN, Chính phủ đã có chủ trương tạo điều kiện hỗ trợ là 5.000 công nhân có nguyện vọng định cư lâu dài tại Tây Nguyên. Và tại thị trấn Ia Ly hiện nay, có hơn 3.000 cán bộ công nhân ở lại lập nghiệp ngay nơi thủy điện này. Ngoài khu vực phố thị của thị trấn, còn các buôn làng như làng Kênh, làng Tum, làng Yút nay thuộc xã Ia Phí; làng Mun, làng Vân, làng Blo, làng Yăh (thị trấn Ia Ly); làng Dip, làng Dôch (xã Ia Kreng); làng Kép, làng A Mơng, làng Phung (xã Ia Mơ Nông), cả các làng bản của xã Sa Bình, xã Ya Ly (huyện Sa Thầy, Kon Tum) đều có những rẫy cà phê, tiêu, điều, cao su vườn cây ăn trái của những công nhân thủy điện.

Vùng đất Ia Ly bây giờ đã trở nên trù phú. Bà con nơi đây không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Những ai đã từng sinh sống hoặc đã từng đi đến thị trấn Ialy thì không thể phủ nhận sự đổi thay của vùng đất này đã và đang khởi sắc hơn nữa trong tương lai khi mà nơi đây đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách thập phương. Bên cạnh đó, nơi đây còn có sự đa dạng về văn hóa, phong tục, ẩm thực của nhiều địa phương khác nhau cùng hội tụ.

Những người ở lại thủy điện ngày ấy bây giờ đều đã già, đã nghỉ hưu. Có nhiều người đã đi xa mãi. Họ đã cùng người dân các buôn làng ở đây xây dựng nên một thị trấn với sức vóc mới, dáng hình mới. Những “người Sông Đà” ở Yaly bây giờ con cháu đều đã lớn khôn, có người lập nghiệp ở phương xa, có người sinh con đẻ cái tại mảnh đất này và tiếp tục xây dựng cuộc sống trên vùng nắng gió này. Bà Trần Thị Thêu, cựu công nhân xây dựng thủy điện chia sẻ: “Sau khi kết thúc công trình, nhiều người ở lại lập nghiệp tại đây, con cái sinh ra lớn lên ở mảnh đất này cũng đều coi đây là quê hương. Những người chọn ở lại đây đều cố gắng xây dựng địa phương phát triển xứng đáng với những kỳ vọng!”. Không chỉ bà Thêu, mà nhiều người ở lại đất này đều có chung một tâm nguyện như thế.

Thị trấn Ia Ly hôm nay có hệ thống đường sá thông thoáng, nhiều nhà cao tầng kiên cố, khang trang dọc hai bên đường. Hệ thống điện chiếu sáng khắp thị trấn, những nhà hàng, quán ăn, nhà nghỉ khách sạn, siêu thị điện máy, cửa hàng cửa hiệu san sát. Khi số lượng lớn công nhân rời đi xây dựng các công trình khác, bệnh viện Ialy đã được dỡ bỏ, thay vào đó là trạm y tế thị trấn được xây dựng. Chợ, khu thể thao, trụ sở hành chính, công viên thị trấn đã được xây dựng với khuôn viên rộng rãi. Tại vùng đất này, giáo dục cũng được các cấp ngành quan tâm đầu tư. Trường tiểu học, THCS, THPT được xây dựng và đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại. Trong đó Trường THPT YaLy được công nhận là trường đạt chuẩn Quốc gia vào tháng 7 năm 2021.

Ông Rơ Châm Vân - Chủ tịch UBND thị trấn Ia Ly phấn khởi cho biết: “Thị trấn hiện có gần 1.850 hộ với hơn 6.600 người thuộc 14 dân tộc anh em, trong đó, đồng bào người Jrai chiếm 45% dân số. Khi xây dựng thủy điện YaLy, người dân đã chấp hành chủ trương chung, dời nhà để nhường đất xây dựng lòng hồ thủy điện. Những năm gần đây, địa phương đã được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, bà con có điều kiện ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Những năm qua, bà con nơi đây luôn phát huy tinh thần đoàn kết, chung tay xây dựng thị trấn ngày một phát triển. Đặc biệt, khoảng 300 hộ là cán bộ, công nhân xây dựng Nhà máy thủy điện Yaly năm xưa, nay tiếp tục ở lại đóng góp xây dựng thị trấn, hướng đến đô thị cấp vùng Tây Nguyên”.

Nhiều người ở lại thủy điện Yaly mấy mươi năm qua để xây dựng mảnh đất này vẫn tin rằng, với niềm tin yêu, sự sáng tạo của những người bén duyên với vùng đất này như ông Giỡ, bà Thêu, bà Hương... và hàng nghìn người khác, cùng với những tiềm năng hiện hữu sẽ là nền tảng để đưa thị trấn vùng nắng gió này phát triển mạnh, tạo nên một bản tình ca Tây Nguyên mới, hòa chung cùng với sự phát triển của đất nước trong mùa xuân mới.

(*) Chú thích tên: Yaly là tên thủy điện. Ia Ly là tên hành chính thị trấn.

Tiêu Dao
.
.