Karate Việt Nam: Bao giờ cho đến ngày xưa?

Thứ Tư, 04/05/2022, 14:35

Xen giữa 2 kỳ SEA Games tổ chức trên sân nhà là quãng thời gian ba chìm bảy nổi của Karate Việt Nam. Có lúc Karate được xem là môn võ hàng đầu của Việt Nam ở đấu trường quốc tế, nhưng thời gian dần trôi và chúng ta không bao giờ tìm lại được quá khứ huy hoàng đó.

Con tàu mất ngọn hải đăng

Năm 2003, đội tuyển Karate Việt Nam bước vào SEA Games 22 tranh tài với một vị thế hoàn toàn khác thời điểm hiện tại. Ở thời điểm ấy, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mạnh nhất ở cả cấp độ châu lục lẫn thế giới. Trước đó 1 năm, tại kỳ ASIAD tổ chức trên đất Hàn Quốc, các võ sĩ Việt Nam đã mang về 2 huy chương vàng (HCV).

Với 2/4 HCV mang về cho đoàn thể thao Việt Nam ở ASIAD 2002, Karate đương nhiên là môn võ thành tích cao số 1 cả nước. Đến kỳ SEA Games 22 tổ chức trên sân nhà, Karate tiếp tục cho thấy vì sao môn võ này là mỏ vàng của đoàn thể thao Việt Nam tại các giải đấu quốc tế. Các võ sĩ Việt Nam kết thúc giải với vị trí nhất toàn đoàn khi giành 12/19 HCV, vượt xa chỉ tiêu ban đầu là 4 HCV.

Những năm sau đó, Karate Việt Nam tiếp tục thể hiện xuất sắc tại SEA Games, ASIAD và giải vô địch thế giới. Chuỗi thành tích ấn tượng đó mang dấu ấn của một nhân vật độc nhất vô nhị trong giới thể thao Việt Nam. Đó là võ sư Lê Công, cựu huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển Karate quốc gia Việt Nam.

Karate Việt Nam: Bao giờ cho đến ngày xưa? -0
Nguyệt Ánh là một trong những võ sĩ thuộc thế hệ vàng của Karate Việt Nam

Suốt 2 thập niên giữ cương vị thuyền trưởng ở đội tuyển Karate Việt Nam, HLV Lê Công luôn giữ quan niệm và cách làm việc khác với số đông. Khi tất cả nghĩ đến chuyện cho vận động viên (VĐV) tập luyện, du đấu nước ngoài, thuê chuyên gia ngoại... ông vẫn trung thành với chính sách tự đào tạo trong nước.

Lối huấn luyện kiểu “cây nhà lá vườn” đó giúp Việt Nam có 4 nhà vô địch ở 3 kỳ ASIAD đầu thế kỷ 21. Rõ ràng HLV Lê Công đã cho thấy sự đúng đắn trong triết lý huấn luyện của mình, tuy nhiên, điều đó có vẻ không được mọi người ủng hộ. Tất cả như một mồi lửa nhen nhóm dưới chân vị Đại tá Quân đội, chờ đợi để bùng lên bất cứ lúc nào.

Kỳ SEA Games 2013 trên đất Myanmar, Karate Việt Nam đạt thành tích không như mong đợi khi chỉ giành 3/17 HCV. Đội tuyển không đạt chỉ tiêu như yêu cầu xuất phát một phần từ việc chúng ta mất HCV nội dung Kata đồng đội nữ, khi các trọng tài chấm thiên vị rõ ràng cho nước chủ nhà. Trên bục nhận huy chương, Hoàng Ngân, Thanh Hằng và Thu Hà bật khóc. Ban tổ chức nhận lỗi với đoàn Việt Nam, nhưng xin không làm lớn chuyện để... giải đấu kết thúc tốt đẹp.

SEA Games 2013 có thể kết thúc tốt đẹp với thiện chí của đoàn Việt Nam, nhưng số phận đội tuyển Karate và cá nhân HLV Lê Công thì không. 3 tháng sau khi về nước, ông được nhận quyết định miễn nhiệm vị trí HLV trưởng đội tuyển Karate quốc gia. Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) thay thế ông bằng một chuyên gia nổi tiếng người Iran.

Tham vọng tan vỡ

Tháng 3-2014, thời điểm bổ nhiệm HLV Sayed Hassan thay HLV Lê Công, Tổng cục TDTT cho thấy tham vọng tiếp tục duy trì thế mạnh của đội tuyển Karate Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Họ mong Sayed Hassan, một HLV tên tuổi từng là võ sĩ đẳng cấp thế giới, có thể giúp Karate Việt Nam xây dựng một hệ thống phát triển "bài bản, hiện đại" mà vẫn đảm bảo thành tích ở SEA Games lẫn ASIAD.

Karate Việt Nam: Bao giờ cho đến ngày xưa? -0
Karate Việt Nam đã lùi quá xa so với những gì từng làm trong quá khứ

Tuy nhiên, cách Tổng cục TDTT đối xử với HLV Lê Công lại không khiến nhiều người tâm phục khẩu phục. Việc HLV trưởng đội tuyển Karate quốc gia mất việc khiến mọi người đều ngỡ ngàng. Ở buổi họp thông báo bổ nhiệm Sayed Hassan làm nhiệm vụ ở đội tuyển Karate Việt Nam, cũng không ai mời HLV Lê Công đến dự và thực hiện nghi lễ bàn giao công việc.

Tại ASIAD 2014, Karate Việt Nam chỉ giành được 1 huy chương bạc (HCB) và 1 huy chương đồng (HCĐ). Sức ép được chuyển sang HLV Sayed Hassan, người được trả mức lương 4.000 USD/tháng dù mới chân ướt chân ráo đến Việt Nam.

Hết năm 2014, Sayed Hassan lên đường về nước vì các bên không tìm được tiếng nói chung. Vị chuyên gia nước ngoài trở lại vào năm 2017 và giúp Karate Việt Nam giành 5 HCV ở SEA Games 29, nhưng đó đã là giới hạn của ông thầy người Iran. Bước sang ASIAD 2018, Karate Việt Nam chỉ giành được 1 HCB của Nguyễn Minh Phụng.

Mọi thứ càng tệ đi ở SEA Games 30 với vỏn vẹn 2 HCV. Việt Nam, thế lực một thời của Karate Đông Nam Á, vốn một chín một mười với Malaysia, nay bị tụt lại phía sau và xếp dưới Thái Lan. Ở các hạng cân của nữ, nơi Karate Việt Nam vốn có thế mạnh với 4 nhà vô địch ASIAD, chúng ta chỉ có 1 HCB và 3 HCĐ.

Ở Olympic Tokyo vừa qua, nơi môn Karate lần đầu được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức, dấu ấn của các võ sĩ Việt Nam ở đấu trường này chỉ là con số không. Ai cũng biết đội tuyển Karate Việt Nam đang ở trong tình trạng ngày một tệ hơn, nhưng ít ai dám lên tiếng.

Khi nào có Liên đoàn Karate Việt Nam?

Thành tích gần đây của võ sĩ trẻ Hoàng Thị Mỹ Tâm chỉ là chấm sáng nhỏ nhoi trong bức tranh mang màu xám của Karate Việt Nam. Không thể thành công với thầy ngoại, Tổng cục TDTT trở về sử dụng HLV và chuyên gia nội, mô hình được xây dựng bởi chính HLV Lê Công.

Karate Việt Nam: Bao giờ cho đến ngày xưa? -0
Mỹ Tâm là điểm sáng hiếm hoi của Karate Việt Nam

8 năm đã trôi qua kể từ khi rời ghế HLV trưởng đội tuyển Karate Việt Nam, HLV Lê Công hiếm khi xuất hiện trước báo chí và truyền thông. Ông chọn cách im lặng khi chứng kiến thời thế đổi thay. Một trong những điều trăn trở hiếm hoi của người lính già là việc thành lập Liên đoàn Karate Việt Nam để mọi hoạt động diễn ra quy củ, có sự quản lý của nhà nước.

Ở cấp độ quốc tế, Karate Việt Nam đã phần nào thể hiện ảnh hưởng dưới góc độ quản lý. Ông Vũ Sơn Hà, Trưởng bộ môn Karate (Tổng cục TDTT) hiện là Chủ tịch Liên đoàn Karate Đông Nam Á, đồng thời làm Ủy viên thường vụ Liên đoàn Karate châu Á. Nhưng Liên đoàn Karate Việt Nam đến lúc này mới chỉ dừng ở mức… ra mắt Ban vận động thành lập Liên đoàn.

Trên thực tế, việc thành lập Liên đoàn Karate Việt Nam được đặt ra ngay sau Olympic Rio 2016. Ở thời điểm đó, chúng ta đã biết Karate sẽ xuất hiện ở Olympic Tokyo dưới tư cách một môn thi đấu chính thức. Tuy nhiên vì một số lý do, tiến độ thành lập liên đoàn luôn bị trì hoãn theo từng năm.

Trong trường hợp xấu nhất, Karate có thể rơi vào tình trạng như một số môn võ khác, khi Ban vận động thành lập Liên đoàn đã hết thời hạn nhiệm kỳ nhưng Liên đoàn vẫn chưa được thành lập. Việc này ảnh hưởng đến sự phát triển của Karate trên con đường hội nhập, vươn ra quốc tế trong bối cảnh nhiều môn võ khác đang có sự phát triển mạnh mẽ.

Vị trí lãnh đội của đội tuyển Karate Việt Nam tham dự SEA Games 31 không phải trưởng bộ môn Vũ Sơn Hà. Trọng trách đó được giao cho ông Phùng Văn Hiệp, Chủ tịch Liên đoàn Karate Quảng Bình, Trưởng Ban vận động thành lập Liên đoàn Karate Việt Nam. Đây có thể được xem là cơ hội, nhưng cũng là thách thức để Karate Việt Nam chính thức có một Liên đoàn như nhiều người kỳ vọng.

Với 15 bộ huy chương ở SEA Games 31, Karate Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở lại vị thế số 1 khu vực. Nhưng ASIAD, giải đấu sẽ tổ chức vào tháng 9 tới, dường như đã trở nên xa tầm với dù có 12 bộ huy chương được trao. Karate Việt Nam vẫn còn một con đường rất dài để trở lại vị thế vốn có như trước đây, nhất là sau gần 1 thập niên trượt dài và không còn đào tạo ra những VĐV đỉnh cao như trước nữa.

Niềm hy vọng Mỹ Tâm

Ở tuổi 19, Hoàng Thị Mỹ Tâm đã trở thành nhân vật đáng chú ý nhất của đội tuyển Karate Việt Nam. Tại Giải vô địch Karate châu Á 2021, Tâm gây bất ngờ khi giành 3 HCV các nội dung đấu đối kháng: Kumite hạng cân dưới 55kg nữ lứa tuổi U21, Kumite hạng cân dưới 55kg nữ lứa tuổi trưởng thành, và Kumite đồng đội nữ. Đây là thành tích chưa từng có với một VĐV Karate Việt Nam ở giải đấu tầm cỡ châu lục.

Trước thềm SEA Games 31, Tâm và các đồng đội lên đường sang Campuchia dự giải Karate vô địch Đông Nam Á. Tại đây, võ sĩ 19 tuổi tiếp tục thể hiện phong độ cao khi giành HCV nội dung Kumite hạng cân dưới 55kg nữ, qua đó góp phần vào vị trí nhất toàn đoàn của Việt Nam. Với những gì đã thể hiện, cô gái sinh năm 2003 được kỳ vọng sẽ giành thành tích cao không chỉ ở đấu trường SEA Games, mà còn là ASIAD sắp tới.

Trong quá khứ, cả 4 HCV ASIAD mà Karate Việt Nam từng giành được trước đây đều thuộc về những võ sĩ nữ: Vũ Kim Anh, Nguyễn Trọng Bảo Ngọc, Vũ Thị Nguyệt Ánh và Lê Bích Phương. Trong đó, chiến thắng của Kim Anh và Bích Phương có ý nghĩa đặc biệt hơn cả khi 2 võ sĩ Việt Nam vượt qua đại diện của Nhật Bản trong trận chung kết.

Với tố chất bộc lộ từ sớm cùng tiềm năng phát triển tốt, Mỹ Tâm có thể là nhà vô địch ASIAD tiếp theo nối bước các đàn chị. Một trong những ưu điểm của võ sĩ 19 tuổi là cô luôn chăm chỉ tập luyện, cầu tiến, rèn luyện nhiều hơn bạn bè đồng trang lứa.

Đơn Ca
.
.