Hàn - Mỹ khởi động lại các cuộc tập trận

Thứ Hai, 23/05/2022, 18:01

Hàn Quốc và Mỹ đã có các cuộc tập trận kéo dài 9 ngày, chỉ 1 ngày sau khi CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử tên lửa thứ 13 liên tục. Theo một số nhà phân tích, việc chuyển giao quyền lực ở Hàn Quốc có thể thay đổi tình hình Đông Bắc Á, dựa trên những khách quan.

Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), danh sách 10 quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho lực lượng và vũ khí quân sự trên thế giới năm 2020 bao gồm 5 quốc gia trong khu vực: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Kể từ khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào năm 2018, các cuộc tập trận mùa xuân hằng năm của Hàn Quốc và Mỹ đã trở nên ít được quan tâm. Mặc dù chỉ trích các cuộc tập trận vì lý do chi phí nhưng theo lời của một tướng Mỹ, mục đích của việc giảm bớt quy mô và hạ thấp ưu tiên đối với các cuộc tập trận là để tạo không gian cho hoạt động ngoại giao. Chính quyền ông Moon Jae-in trước đây chính là trung gian hỗ trợ mục tiêu đó.

Hàn - Mỹ khởi động lại các cuộc tập trận -0
Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln tiến vào vùng biển Đông Bắc Á, sau khi căng thẳng gia tăng.

Việc giảm bớt các cuộc tập trận chung đã khiến giới quân sự và phe bảo thủ Mỹ khó chịu. Họ phàn nàn rằng khả năng sẵn sàng phối hợp tác chiến đang bị xói mòn. Một số người Hàn Quốc phản hồi rằng các cuộc tập trận là cần thiết để thể hiện nội lực của nước Mỹ - một sự phô trương cần thiết trước khi Washington sẵn sàng chuyển giao quyền chỉ huy thời chiến của các lực lượng địa phương cho Seoul kiểm soát, điều vốn đã được lên kế hoạch từ lâu.

Khi CHDCND Triều Tiên tăng cường các hoạt động thử tên lửa lên một cách bất thường, các cuộc tập trận đã diễn ra trở lại nhưng không rầm rộ. Chúng không còn sử dụng tên mã thông thường như "Giải pháp then chốt", vốn đã được dùng từ năm 1997. Kể từ năm 2019, các cuộc tập trận chỉ được gọi một cách đơn giản là "Chương trình huấn luyện Bộ Chỉ huy hỗn hợp (CCPT)".

Lực lượng Mỹ (USFK) với 28.000 quân ở Hàn Quốc không đưa ra bất kỳ thông cáo báo chí liên quan nào, mà để truyền thông Hàn Quốc, theo trích dẫn của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Seoul, thông báo về việc bắt đầu các cuộc tập trận.

Theo thông lệ, các cuộc tập trận chung đầu tiên trong năm không phải là các cuộc tập trận thực binh, mà chỉ là các cuộc tập trận chỉ huy, có nghĩa là quân đội Hàn Quốc và Mỹ tập trung trong các boong-ke và chiến đấu trong các cuộc chiến ảo được mô phỏng trên máy tính. Theo truyền thống, đây là phần đầu của một loạt cuộc tập trận hằng năm giữa Hàn Quốc và Mỹ. Theo đó, "Giải pháp then chốt" là cuộc tập trận được tổ chức vào mùa xuân - giống với CCPT. "Đại bàng non" là cuộc diễn tập thực địa, thường là sau "Giải pháp then chốt" mùa xuân, thường là gắn với hoạt động diễn tập bắn đạn thật. "Người bảo vệ tự do Ulchi" là một cuộc tập trận khác được tổ chức vào mùa hè, thường có sự góp mặt của quân nhân hay khí tài Mỹ.

Số phận của các cuộc tập trận sau trong năm nay là không chắc chắn, với tình hình hiện nay. Bình Nhưỡng thì coi các cuộc tập trận này là sự chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Seoul và Washington tất nhiên là phủ nhận điều này khi nói rằng đây chỉ đơn thuần là cuộc tập trận phòng thủ. Tuy nhiên, giới thạo tin cho biết rằng các cuộc tập trận thường bao gồm cả một đơn vị phản công - chứng tỏ những lời chỉ trích của CHDCND Triều Tiên không hẳn là vô căn cứ. Trong khi đó, Mỹ lại cũng đang điều động các khí tài lớn tới khu vực: Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln của Mỹ đã đi qua vùng biển Đông Bắc Á.

Từ sau khi ông Yoon Suk-yeol lên nắm quyền, các tín hiệu đều cho thấy cách tiếp cận của chính phủ hiện tại đối với Bình Nhưỡng đã có sự khác biệt. Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đưa ra quan điểm về việc đến thăm căn cứ chính của Mỹ ở Hàn Quốc. Theo USFK, Tư lệnh lực lượng quân đội Mỹ Paul J LaCamera đã tiếp đón ông Yoon Suk-Yeol, đồng thời đưa ra cam kết mạnh mẽ về việc củng cố liên minh Mỹ - Hàn và lập luận mạnh mẽ về việc phòng thủ kết hợp. Ông Yoon Suk-yeol cũng đã nói rõ mong muốn xây dựng cầu nối đến Tokyo. Điều này khơi dậy nỗi ám ảnh về một liên minh 3 bên tiềm tàng: Mỹ - Nhật - Hàn, một diễn biến mà Washington đã tìm kiếm từ lâu.

Trong nhiều thập kỷ, Seoul và Tokyo đã bị chia rẽ sâu sắc về các vấn đề lịch sử. Dưới thời ông Moon Jae-in, những tranh chấp đã diễn ra ở cả lĩnh vực ngoại giao lẫn kinh tế. Sau khi ông Shinzo Abe thôi nắm quyền vào năm 2020, việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - người có tư tưởng không thân thiện với Nhật Bản kết thúc nhiệm kỳ mang đến cơ hội thiết lập lại quan hệ Nhật - Hàn. Dù cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều có liên minh với Mỹ, nhưng không có mối quan hệ 3 bên nào ngoài một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo lỏng lẻo. Nhưng, nếu ông Yoon Suk-yeol giờ đây muốn thúc đẩy vấn đề này, thì ông có thể sẽ phải đối mặt với các rào cản chính trị trong nước.

Moon Chung-in, một cố vấn học thuật rất có uy tín trong chính quyền ông Moon Jae-in trước đây, cho hay nếu chính quyền ông Yoon Suk-yeol ủng hộ việc tập trận 3 bên thì một là sẽ vấp phải phản ứng của xã hội dân sự quyết liệt và hai là có thể đem lại cho Nhật Bản cái cớ để sửa đổi hiến pháp hòa bình, để họ không còn là lực lượng tự vệ mà trở thành một lực lượng chính quy. Cũng theo ông Moon Chung-in, thì "sáng kiến hòa bình của Tổng thống Moon Jae-in không sai nhưng người Mỹ đã làm hỏng nó. Nếu họ có được sự tin tưởng của CHDCND Triều Tiên thì đãng lẽ ra họ nên thúc đẩy, thay vì làm hỏng nó và điều này đã khiến những người có tư tưởng cứng rắn ở Bình Nhưỡng có thêm lý lẽ để chỉ trích". Còn theo Leif-Eric Easley, giảng viên nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha, thì "đối với Trung Quốc, việc Mỹ mở rộng các cuộc tập trận ở châu Á, Hàn Quốc cải tiến tên lửa và việc Seoul - Tokyo tăng cường hợp tác quốc phòng song phương sẽ là những diễn biến không được hoan nghênh".

Huy Thông (Tổng hợp)
.
.