Trên ngưỡng cửa mùa đông

Thứ Hai, 06/12/2021, 08:35

Trạng thái căng thẳng ấy sẽ chưa thể lập tức biến mất, vì bất cứ lý do nào. Tuy vậy, sau liên tiếp những đợt gia tăng, dường như cũng đã đến thời điểm phương Tây hé những “cánh cửa thoát hiểm”, cho các vấn đề liên quan đến câu chuyện vẫn đang tiếp diễn trên biên giới Liên minh châu Âu (EU) - Belarus.

Đầu tiên là nhằm xua đi thảm trạng đang chực chờ ập xuống những phận người di cư vô định, như mệnh lệnh của lòng nhân đạo. Nhưng, rõ ràng, chẳng ai muốn thấy một ngọn lửa thực sự bùng lên.

Trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Thảm họa nhân đạo rình rập những người di cư.

Rút củi đáy nồi

Vẫn giữ nguyên cáo buộc về “cuộc khủng hoảng di cư do Minsk dàn dựng”, ngày 1-12, đại diện 27 quốc gia thành viên EU nhất trí mở rộng danh sách các biện pháp trừng phạt đối với 28 quan chức và thực thể của Belarus. Theo các nguồn tin, danh sách trừng phạt mới này bao gồm 17 nhà quản lý và 11 thực thể, bổ sung vào bản “danh sách đen” của EU về Belarus đã có trước đó, với 166 cái tên. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc đóng băng tài sản và lệnh cấm nhập cảnh vào EU.

Tuy nhiên, cũng trong ngày 1-12, Ủy ban châu Âu (European Commission) đề nghị nới lỏng các quy định về tị nạn, nhằm hỗ trợ các quốc gia thành viên ứng phó với dòng người di cư. Phát biểu với báo giới, Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ của EU - bà Ylva Johansson - cho biết EU sẽ cho phép 3 nước thành viên giáp giới với Belarus, gồm Ba Lan, Litva và Latvia thiết lập thủ tục nhanh chóng để giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay, trên cơ sở tôn trọng đầy đủ các quyền cơ bản và nghĩa vụ quốc tế, trong đó có nguyên tắc không hồi hương người tị nạn.

Điều này xuất phát từ khuyến nghị của Hội đồng châu Âu (European Council) về việc Ủy ban châu Âu đưa ra đề xuất thay đổi khung pháp lý của EU, cũng như các biện pháp cụ thể có hỗ trợ tài chính thích hợp đảm bảo việc giải quyết nhanh chóng và hợp lý tình hình. Theo đề xuất đó, 3 quốc gia kể trên có thể kéo dài thời hạn đăng ký nộp hồ sơ xin tị nạn lên 4 tuần thay vì từ 3-10 ngày như hiện tại.

Trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Tổng thống Belarus Lukashenko: “Chúng ta không thể để câu chuyện này dẫn đến một cuộc xung đột nảy lửa”.

Bên cạnh đó, các nước cũng có thể xử lý tất cả các yêu cầu tị nạn ngay tại biên giới, trong đó việc xử lý kháng cáo phải diễn ra tối đa trong 16 tuần. Những đơn xin tị nạn có lý do chính đáng và liên quan đến gia đình, trẻ em sẽ được ưu tiên. Các nước cũng có thể tiến hành các thủ tục đơn giản và nhanh chóng hơn, trong đó có việc hồi hương những người có đơn xin bảo hộ quốc tế bị từ chối. Những biện pháp này sẽ có hiệu lực, sau khi Hội đồng châu Âu thông qua và tham vấn với Nghị viện châu Âu (EP).

Dòng người di cư này đến từ Trung Đông - nơi xung đột và chiến tranh, cũng như điều kiện sống ngặt nghèo thôi thúc họ bỏ lại tất cả để lên đường, mong tìm một cơ hội đổi đời, bất chấp mọi nguy hiểm chực chờ. Cũng như thời điểm năm 2015 - khi hàng triệu người di cư ồ ạt vượt Địa Trung Hải chạy trốn chiến sự ở Syria, Afghanistan, Iraq và nhiều quốc gia khác, làn sóng di cư ngày một lớn hiện tại đã lại đẩy châu Âu đối diện với cuộc khủng hoảng mới, với rất nhiều hệ lụy kinh tế - an ninh - xã hội.

Thảm kịch 27 người di cư chết đuối tại eo biển Manche, khi tìm cách từ Pháp sang Anh gần đây, là một tiếng chuông cảnh báo gay gắt. Đồng thời, những người di cư cũng tìm được tuyến đường bộ ít nguy hiểm hơn thay thế tuyến di cư qua Địa Trung Hải: Tuyến đường từ Belarus tới khu vực Baltic (Ba Lan, Litva và Latvia) và gây ra cuộc khủng hoảng tồi tệ ở khu vực này.

Không có gì quá bất ngờ, khi cuộc khủng hoảng di cư này thổi bùng thêm căng thẳng vốn đã âm ỉ giữa EU với Belarus (hay nói rộng ra, giữa phương Tây với các khu vực ảnh hưởng, các đồng minh thân cận của nước Nga).

Vấn đề là, sau “thảm kịch Manche”, khi bất đồng giữa Anh và Pháp gia tăng, sau những động thái quy kết trách nhiệm cho nhau từ cả hai phía, London và Paris đã nhất trí: Cần thúc đẩy nỗ lực chung nhằm ngăn chặn các vụ vượt biên nguy hiểm, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ với các nước láng giềng gồm Bỉ, Hà Lan cũng như các đối tác trên khắp lục địa, nhằm “không để eo biển Manche trở thành một nghĩa địa” - như lời đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Nguồn cung nhiên liệu và năng lượng - “vũ khí tự vệ vô hình” của Belarus.

Lòng nhân đạo không cho phép để những thảm kịch ấy tái diễn. Song, lời giải cho bài toán hóc búa đó lại sẽ không thể được tìm thấy bởi hành động một quốc gia riêng lẻ nào, mà cần có những kế hoạch đa phương và toàn diện của cả cộng đồng.

Cũng bởi vậy, trên biên giới Belarus - EU, khi băng giá mùa đông chuẩn bị ập xuống những lán trại dựng tạm sơ sài của người di cư, những đề xuất mới nhất của EU có thể xem là một phương thức kín đáo nhằm “rút củi đáy nồi”, vừa xử lý các vấn đề ảnh hưởng đến kết cấu xã hội của chính mình, vừa để ngỏ khả năng đối thoại với những cơ quan chức năng ở bên kia các trạm kiểm soát.

Vấn đề là, trước đó, Ủy ban châu Âu từng từ chối một gợi ý từ phía Belarus, khi Minsk đề nghị EU tiếp nhận 2.000 người di cư, trong khi Belarus sẽ cho hồi hương 5.000 người, ngày 18-11.

Câu chuyện chưa hồi kết

Sự xung khắc Đông - Tây, hiển nhiên, phủ trọn cái bóng của mình lên cuộc khủng hoảng này.

Một cách ngắn gọn, EU đã cáo buộc Minsk để dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong EU, nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus. Trong khi đó, phía Belarus coi đây là cáo buộc vô căn cứ và cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm vì chính hành động can thiệp khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán khỏi chiến tranh. Và sâu xa hơn, căn nguyên của những biện pháp trừng phạt và tình trạng căng thẳng leo thang giữa hai phía bắt nguồn từ cả một chuỗi vận động đã liên tục diễn ra kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc...

Trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Nước Nga từng gợi ý sẵn sàng làm trung gian hòa giải căng thẳng Belarus – EU.

Ở đây, ngày 30-11, có một diễn biến tưởng chừng không liên quan đến cuộc khủng hoảng di cư nhưng lại rất đáng chú ý đối với giới quan sát quốc tế. Đó là khi - để đáp trả lại việc Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hé lộ: Nếu Đức từ chối trở thành địa điểm bố trí vũ khí hạt nhân, loại vũ khí này có thể sẽ đến các nước châu Âu khác, kể cả phía Đông biên giới Đức (nghĩa là sát biên giới Nga và Belarus) - đương kim Tổng thống Belarus Alexander Lukaschenko tuyên bố: “Trong trường hợp đó, tôi sẽ đề nghị Tổng thống Nga Vladimir Putin trả vũ khí hạt nhân cho Belarus. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc triển khai trên lãnh thổ Belarus”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, trên lãnh thổ Belarus có hàng chục tên lửa liên lục địa chiến lược Topol và hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Minsk đồng ý đưa vũ khí hạt nhân ra khỏi đất nước sau khi ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Và ngay sau đó, cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng, Moscow đã ghi nhận lời đề xuất trên của nhà lãnh đạo Belarus. Ông nhấn mạnh: Moscow không có ý định phổ biến vũ khí hạt nhân tại các cường quốc láng giềng phi hạt nhân, song cảnh báo hành động của các nước thành viên NATO “làm suy yếu hệ thống an ninh quốc tế hiện có”, bao gồm cả việc thách thức NPT.

Trước nguy cơ căng thẳng có thể tiếp tục bùng lên ở cả lĩnh vực quân sự, NATO “chữa cháy”: NATO không có ý định bố trí bất kỳ vũ khí hạt nhân nào tới các quốc gia khác ngoài những quốc gia đã sở hữu vũ khí hạt nhân này, như một phần trong chiến lược răn đe của NATO và các vũ khí này đã có mặt ở đó trong nhiều, nhiều năm”. Hay nói một cách khác, phương Tây chưa sẵn sàng mạo hiểm tạo thêm sức ép lên một chiếc lò xo cực mạnh đã bị nén đến gần giới hạn. Ai cũng hiểu, nếu bung ra, sức phản chấn của chiếc lò xo ấy sẽ mãnh liệt đến như thế nào.

Trên ngưỡng cửa mùa đông -0
Những hành trình di cư đến biên giới Belarus.

Ngày 16-11, điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Belarus Lukashenko nói rõ: “Chúng ta không thể để vấn đề này dẫn tới một cuộc đối đầu nảy lửa. Mục tiêu chính bây giờ là bảo vệ đất nước và người dân của chúng ta, cũng như không cho phép đụng độ xảy ra”.

Đối thoại, cuối cùng, vẫn là xu thế của thời đại, chứ không phải đối đầu. Vấn đề là, khi căng thẳng đã bùng lên, các cuộc đối thoại sẽ chỉ có thể đạt được kết quả tích cực với những lộ trình dài, đòi hỏi rất nhiều thiện chí cũng như sự nhẫn nại và cả nghệ thuật tìm kiếm điểm thỏa hiệp cần thiết.

Mây Linh
.
.