TP Hồ Chí Minh huy động các nguồn lực để điều trị bệnh nhân COVID-19

Thứ Ba, 27/07/2021, 19:59
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh có kế hoạch nâng cấp xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế....


TP Hồ Chí Minh thực hiện Chỉ thị 16 và quy định người dân không ra đường sau 18h, các phương tiện cũng hạn chế hoạt động. Trong khi xe cứu thương chưa đáp ứng đủ yêu cầu vận chuyển người bệnh COVID-19 đến bệnh viện. Do đó, Sở Y tế thành phố có kế hoạch nâng cấp xe taxi truyền thống thành xe taxi y tế. Dự kiến trước mắt có khoảng 200 xe được chuyển đổi, gồm có tài xế, nhân viên y tế theo xe, mỗi xe có 2 bình oxy 7 lít, bộ test nhanh, khử trùng và các phương tiện thiết yếu phục vụ nhiệm vụ cấp cứu. Các phương tiện này gắn chặt địa bàn quận, huyện thông qua cơ sở cách ly quận, huyện. 

Người dân có nhu cầu gọi điện cho 115 hoặc cơ sở cách ly quận, huyện có nhu cầu chuyển bệnh nhân gọi, Trung tâm cấp cứu 115 sẽ tiếp nhận và điều tiết tổ phản ứng nhanh của xe taxi đến nơi đưa vào bệnh viện phù hợp.

Theo đại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, việc huy động nhân sự, phương tiện vận chuyển cũng phải thực hiện đồng bộ với tổng đài 115 mới hiệu quả. Hiện thành phố cũng chỉ đạo thành lập 4 trạm cấp cứu vệ tinh khu vực đặt tại TP Thủ Đức, quận 12, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh để kịp thời đáp ứng nhu cầu cấp cứu.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh kiểm tra BV dã chiến số 6 và số 8 yêu cầu các BV phối hợp với Trung tâm 115 để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân.

Theo ông Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt chuyên điều phối chuyển người bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch cho biết, tính đến sáng 27/7, thành phố có trên 68.000 ca và dự báo còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Hiện 38 bệnh viện trong tháp 5 tầng điều trị bệnh nhân của thành phố đã tiếp nhận gần hết công suất thu dung, điều trị. Việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân COVID-19 của thành phố có thời điểm chưa nhịp nhàng. Do đó, UBND thành phố đã quyết định giao nhiệm vụ cho Trung tâm cấp cứu 115 đặt tại Công viên phần mềm Quang Trung là đầu mối về điều phối chuyển bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng đến các bệnh viện dã chiến thu dung và bệnh nhân nặng nguy kịch đến bệnh viện điều trị COVID-19. Trung tâm có thẩm quyền yêu cầu các đơn vị chức năng liên quan phối hợp để thực hiện tốt nhất việc điều phối, vận chuyển bệnh nhân bảo đảm kịp thời, hợp lý.

Theo ông Nguyễn Duy Long, việc trung tâm được Công viên phần mềm Quang Trung hỗ trợ trang thiết bị, cơ sở hạ tầng… để mở thêm một nhánh Tổng đài 115 dã chiến tại đây sẽ giúp công tác tiếp nhận thông tin và điều động nhân lực, phương tiện vận chuyển bệnh nhân COVID-19 được nhanh chóng, khắc phục một số bất cập thời gian qua. 

Trước đây, mỗi ngày Trung tâm nhận khoảng 1.200 cuộc gọi, hiện nay nhận 5.000 cuộc gọi. Tổng đài 115 đặt mục tiêu tất cả các cuộc gọi đến đều được tiếp nhận, sàng lọc và đáp ứng các cuộc gọi đó. Từ 6 đường truyền trước đây, Trung tâm đã nâng lên với 14 đường truyền tổng đài viên, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu các cuộc gọi về.  

Trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay, lãnh đạo thành phố chỉ đạo di dời toàn bộ bộ phận Tổng đài 115 về đặt tại Công viên Phần mềm Quang Trung để tăng công suất từ 14 đường truyền lên 40 đường truyền và có thể mở rộng hơn nữa nếu cần. Dự kiến ngày 28/7, Tổng đài 115 tại Công viên Phần mềm Quang Trung đi vào hoạt động. Trước mắt có 16 đường truyền được vận hành, khi nhân sự tăng lên sẽ vận hành cả 40 đường truyền.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Long, ngoài khắc phục nghẽn mạng do nhiều cuộc gọi, vấn đề khó khăn nữa cần được khắc phục sớm là xe cấp cứu để vận chuyển bệnh nhân. Xe cứu thương ngoài vận chuyển bệnh nhân còn phải làm các công tác khác như đi làm xét nghiệm, tiêm vaccine... 

Hiện Trung tâm 115 chỉ quản lý 23 chiếc xe và chiều nay sẽ về thêm 6 chiếc, không thể đáp ứng nhu cầu chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 của các quận, huyện.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong thăm hỏi, động viên bệnh nhân ra viện.

Trong buổi kiểm tra tại Trung tâm cấp cứu 115 ngày 27/7, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan khắc phục nhanh nhất các khó khăn nêu trên. Đồng thời, đề nghị Trung tâm Cấp cứu 115 có thể tích hợp chức năng tư vấn cho những trường hợp sau khi xuất viện tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà thông qua việc kết nối số điện thoại tổ ứng cứu của các quận, huyện và TP Thủ Đức. Mở thêm nhiều kênh thông tin để khi người dân gặp khó khăn, vấn đề về sức khỏe sẽ điện đến hỏi.

Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo đẩy nhanh việc thành lập 4 trung tâm cấp cứu khu vực (vệ tinh) và chủ động đề nghị các doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp mỗi trạm vệ tinh có một đội xe taxi chuyển đổi.

 “Hiện thành phố đang nâng cấp cả nhân lực, máy móc thiết bị các bệnh viện để nâng khả năng điều trị bệnh nhân COVID-19, tuyệt đối không được chậm trễ vận chuyển bệnh nhân F0”, ông Phong nhấn mạnh.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đến kiểm tra tại bệnh viện dã chiến số 6 và số 8 khu tái định cư Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).  Sau khi thăm hỏi, động viên một số bệnh nhân vừa xuất viện tại đây, ông Phong đã chỉ đạo các bệnh viện và Trung tâm 115 phải phối hợp nhịp nhàng để nhận bệnh nhân, bởi chỉ chậm một chút là ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh.

Ngày 27/7, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng ký quyết định thành lập Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại thành phố. Tổ tư vấn gồm 8 thành viên có nhiệm vụ chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể cho Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong để lãnh đạo, chỉ đạo tốt công tác chống dịch, phục hồi sản xuất, góp phần thực hiện "mục tiêu kép".


Nguyễn Cảnh
.
.