Cần đảm bảo quyền lợi người dân thôn Tân Phương Lang

Chủ Nhật, 06/09/2015, 12:00
Dù không nằm trong địa giới của xã Hải Ba , nhưng người dân thôn Tân Phương Lang vẫn muốn là người của xã Hải Ba. Bởi vì, họ quan niệm, gốc tích, mồ mả của cha ông họ vẫn ở làng cũ Phương Lang. Vậy nên, xưa nay dù thôn Tân Phương Lang nằm trên đất của xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế nhưng lại do xã Hải Ba huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị quản lý về mọi mặt

Ông Mai Văn Căn, Chủ tịch UBND xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, cho biết một thông tin bất ngờ rằng, xã hiện có thôn Tân Phương Lang nằm ngoài mốc chỉ giới, cách trụ sở UBND xã hơn 35km. Tính theo đường chim bay, muốn đến được thôn Tân Phương Lang phải đi qua các xã Hải Vĩnh, Hải Thiện, Hải Thọ, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh đều thuộc huyện Hải Lăng…

Giải thích về điều này, ông Căn cho biết, vào năm 1957 có một người ở thôn Phương Lang, xã Hải Ba vào khu vực hiện nay là vùng giáp ranh giữa huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) để mua đất, khai hoang dựng nghiệp. Sau năm 1975, đất nước thống nhất, lần lượt nhiều hộ ở thôn Phương Lang di dân vào vùng giáp ranh để sinh sống và rồi lập nên làng Tân Phương Lang, tồn tại cho đến ngày nay. Cũng từ đó, việc tranh chấp địa giới bắt đầu.

Một góc thôn Tân Phương Lăng.

Ông Căn cho biết, dù không nằm trong địa giới của xã, nhưng người dân thôn Tân Phương Lang vẫn muốn là người của xã Hải Ba. Bởi vì, họ quan niệm, gốc tích, mồ mả của cha ông họ vẫn ở làng cũ Phương Lang. Vậy nên, xưa nay dù thôn Tân Phương Lang nằm trên đất của xã Phong Thu, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế nhưng lại do xã Hải Ba quản lý về mọi mặt (?!). Chỉ duy nhất việc cấp sổ đỏ là xã, huyện, thậm chí tỉnh Quảng Trị cũng không có quyền. Lý do, thôn này nằm trong vùng tranh chấp địa giới giữa hai tỉnh. Do khoảng cách địa lý quá xa xôi nên việc quản lý thôn Tân Phương Lang hết sức khó khăn. Khi có sự việc gì thì lãnh đạo xã Hải Ba phải vượt hơn 35km mới vào tới nơi. Người dân trong thôn khi muốn làm việc liên quan đến hành chính cũng phải lặn lội ngược ra với quãng đường tương tự và còn nhiều việc phức tạp khác (?!)…

Chúng tôi tới thôn Tân Phương Lang, bà Nguyễn Thị Hòa (76 tuổi), sống ở đây hơn 30 năm, cho hay: “Hồi đó cực quá nên phải đi tìm vùng đất khác để kiếm cơ hội đổi thay. Nhà có 1 ha đất, thêm nhà cửa, vườn tược. Ấy vậy mà đến ngần này tuổi, tui vẫn chưa thấy cuốn sổ đỏ nó ngang dọc thế nào. Buồn lắm…”. Bà Lê Thị Hồng (50 tuổi), nhà cạnh bà Hòa, cũng thở dài: “Tui cũng ở đây ngót nghét 30 năm trời mà đất chưa có sổ đỏ. Nhà thuộc diện khó khăn, muốn vay vốn mua con heo, con bò để nuôi, nhưng không có sổ đỏ, biết lấy gì thế chấp, ngân hàng không cho vay nên đành chịu”...

Theo ông Mai Hòe, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tân Phương Lang, thôn hiện có 52 hộ, với 187 nhân khẩu, sinh sống, canh tác trên 55ha đất. Tình hình ANTT trong thôn khá ổn định, thôn luôn đi đầu trong lĩnh vực văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, người dân chịu nhiều thiệt thòi, nhất là việc không được cấp sổ đỏ. Tìm hiểu được biết, ngày 22/11/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 762/TTg về việc xác định ranh giới, giao thôn Tân Phương Lang cho tỉnh Thừa Thiên-Huế. Nhưng, do người dân không muốn nhập vào tỉnh Thừa Thiên – Huế mà muốn vẫn là người Quảng Trị nên xảy ra tranh chấp địa giới kéo dài đến nay.

Rõ ràng, những lý do đưa ra như trên để giải thích cho việc không sáp nhập thôn Tân Phương Lang vào địa giới tỉnh Thừa Thiên - Huế là không phù hợp với pháp luật. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xác định ranh giới thì tỉnh Quảng Trị, huyện Hải Lăng; cấp ủy, chính quyền xã Hải Ba và người dân Tân Phương Lang cần phải nghiêm túc thực hiện để công tác quản lý hộ khẩu và các lĩnh vực khác không bị chồng chéo, gây khó khăn cho tỉnh Thừa Thiên-Huế. Và, có làm được như thế thì cuộc sống người dân thôn Tân Phương Lang mới ổn định và mọi quyền lợi mới được đảm bảo…

Bảo Ngọc
.
.