Hàng ngàn vụ án dân sự tồn đọng cần tháo gỡ

Thứ Ba, 13/09/2016, 08:41
Theo thống kê chưa đầy đủ của TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT), số lượng án tồn đọng tại TAND các cấp đến thời điểm 30-6-2016 là 2.622 vụ, trong đó có những vụ án kéo dài hàng chục năm vẫn chưa đưa ra xét xử, khiến người trong cuộc mỏi mòn chờ đợi.

Hàng chục năm đi kiện

Cầm tờ giấy nộp 2 triệu đồng án phí cách đây 10 năm, anh Văn Hoàng Kha (số 94 Lê Hồng Phong, thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức) bức xúc kể: Năm 1975, bố mẹ ông có mua lại căn nhà và đất với diện tích 2.944m

2 tại đường số 2, ấp Hoàng Giao, xã Ngãi Giao, huyện Châu Thành (nay là thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức). Đến năm 1980, bố mẹ ông nhờ người anh tên Hồ Tùng (quê ở Đà Nẵng) vào trông coi. Năm 1983, ông Hồ Tùng về quê và giao trả lại nhà cho bố mẹ ông.

Đến năm 1984, UBND xã Ngãi Giao cho rằng, ông Hồ Tùng đi vượt biên nên lấy nhà đất cho ông Nguyễn Văn Lộc (một người dân ở địa phương) mượn ở tạm (không có văn bản). Do bố mẹ ông đã làm đơn khiếu nại đòi lại nhà đất nên đến năm 1988, xã Ngãi Giao ra quyết định thu hồi nhà đất mà ông Lộc đang ở trả lại cho gia đình ông Kha. Tuy nhiên, ông Lộc lại không trả lại nhà đất, sau đó đến năm 1993 ông Lộc được cấp GCNQSDĐ.

Năm 2005, gia đình ông Kha tiếp tục làm đơn yêu cầu UBND thị trấn Ngãi Giao buộc ông Lộc trả lại nhà đất cho gia đình ông.

Bà Vũ Thị Vân chỉ mảnh đất bị lấn chiếm 6 năm vẫn chưa được phân xử.

Năm 2006, UBND thị trấn Ngãi Giao có tổ chức buổi hòa giải nhưng không thành nên gia đình ông Kha làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Châu Đức. Tòa án yêu cầu phải có bản chính quyết định thu hồi đất ông Lộc đang sử dụng giao lại cho gia đình ông Kha do UBND xã Ngãi Giao ký trước đó. 

Tuy nhiên, gia đình ông Kha chỉ cung cấp được bản sao có công chứng, nhưng Tòa không đồng ý. Trong khi UBND thị trấn Ngãi Giao thì hẹn nhiều lần mà vẫn không cung cấp được bản chính. Vì lý do đó, một năm sau vụ án bị tạm đình chỉ, đến nay vẫn chưa giải quyết.

“Sau 10 năm không biết bao nhiêu lần đi hầu tòa và mòn mỏi chờ đợi, đến lúc mất (năm 2015) bố tôi vẫn dặn con cháu ráng theo đuổi vụ kiện để đòi cho được công lý”, ông Văn Hoàng Kha bùi ngùi kể.

Tương tự, trường hợp của bà Vũ Thị Vân khởi kiện ông Nguyễn Văn Ngụ (cùng ngụ khu phố Vạn Hạnh, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành) lấn chiếm 10m² đất của gia đình bà (đã được cấp “sổ đỏ”).

“Tổng số tiền án phí và phí đo vẽ ước khoảng 20 triệu đồng, gia đình phải chạy lo cho đủ, nhưng vụ việc vẫn không đi đến đâu. Khúc mắc là ở chỗ mấy anh em cùng đứng tên trong “sổ đỏ”, có người ở TP Hồ Chí Minh, mỗi lần tòa gọi là phải bố trí công việc về dự, nhưng khổ nỗi về đến nơi tòa lại hoãn, mỗi lần hoãn là một lý do khác nhau. Giờ chúng tôi đã quá mệt mỏi rồi, mong Tòa án Tân Thành sớm đưa vụ việc ra xét xử, giải quyết dứt điểm để chúng tôi yên tâm sinh sống” - bà Vân nói.

Trình độ thẩm phán hạn chế

Ông Nguyễn Văn Hiến, Chánh án TAND tỉnh BR-VT thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nhiều án dân sự tồn đọng còn do trình độ năng lực chuyên môn của thẩm phán hạn chế. Một số thẩm phán do yếu chuyên môn, thiếu bản lĩnh, nên chọn phương án “dễ làm, khó bỏ”; một số thẩm phán thiếu tích cực, thậm chí nhiều trường hợp làm sai nguyên tắc, vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến án bị sửa, hủy...

“Qua kiểm tra án tại tòa các cấp, cho thấy có nhiều vụ án rất đơn giản nhưng không hiểu lý do gì thẩm phán vẫn ngâm hồ sơ từ năm này qua năm khác. Có những vụ hồ sơ đã thể hiện đầy đủ chứng cứ và Tòa án cũng đã triệu tập các bên liên quan đến lần thứ 2, nhưng thẩm phán vẫn không mạnh dạn đưa ra giải quyết theo quy định của pháp luật”, Chánh án TAND tỉnh BR-VT nói.

Cũng theo ông Hiến theo quy định của ngành tòa án, nếu trong nhiệm kỳ, một thẩm phán có 2/100 (tương đương 1,16%) vụ án thụ lý bị hủy thì sẽ không được tái bổ nhiệm chức danh thẩm phán trong thời gian ít nhất 3 năm.

Chính vì vậy, nhiều trường hợp thẩm phán vì sợ án bị hủy, cải sửa sẽ ảnh hưởng đến việc tái bổ nhiệm nên không chủ động tìm cách giải quyết đối với những án khó, cầu toàn trong quá trình giải quyết. Cũng có trường hợp thẩm phán vì tâm lý sợ bị đánh giá về năng lực chuyên môn nên không chủ động báo cáo lãnh đạo những vụ án phức tạp, làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án.

Ngoài ra, thông thường, theo quy định của ngành Tòa án, đến cuối tháng 9 hằng năm là chốt sổ thi đua, nên có thẩm phán tìm cách “né” án quá hạn bằng thông báo thụ lý mới, hoặc tạm đình chỉ án trước ngày 30-9 để chạy thành tích.

Theo Chánh án TAND tỉnh BR-VT, sắp tới TAND tỉnh sẽ tiến hành kiểm tra từng hồ sơ, các công việc mà TAND cấp huyện đã làm, hướng giải quyết và quy trách nhiệm cho từng thẩm phán và thư ký giải quyết các vụ án. Các trường hợp vi phạm, nếu không có chuyển biến sẽ bị xem xét kỷ luật…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho biết, Ban Nội chính Tỉnh ủy đã thành lập Đoàn công tác làm việc với các Huyện ủy, Thành ủy và các cơ quan Nội chính địa phương tìm biện pháp hỗ trợ ngành Tòa án tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong xử lý án tồn đọng, quá hạn, án tạm đình chỉ, bảo đảm các vụ án phải đưa ra xét xử kịp thời, đúng quy định.

Gia Bảo
.
.