Một kiểu cấm cản báo chí và quyền phát ngôn

Thứ Ba, 23/12/2014, 09:17
"Khi tiếp xúc với đài truyền hình, báo chí, các cơ quan ngôn luận khác... Hiệu trưởng phải xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng phòng GD-ĐT". Đó là nội dung mục 6 của Công văn số 195/TB-GDĐT ngày 12/12/2014 Phòng Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên

Hơn một tuần qua, dư luận trong giới giáo chức ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên thật sự ngạc nhiên và khó hiểu trước một mệnh lệnh lạ lùng của Trưởng phòng Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) huyện Đông Hòa.

Trong mục 6, Công văn số 195/TB-GDĐT ngày 12/12/2014 về ý kiến kết luận và chỉ đạo tại cuộc họp Hiệu trưởng tháng 12/2014, Trưởng phòng Lê Tấn Sang yêu cầu: “Khi tiếp xúc với đài truyền hình, báo chí, các cơ quan ngôn luận khác... Hiệu trưởng phải xin ý kiến chỉ đạo của Trưởng phòng GD-ĐT...”. Thực hiện mệnh lệnh nêu trên, Hiệu trưởng các trường tiểu học, trung học cơ sở ở huyện Đông Hòa đều né tránh các nhà báo vì phải chờ xin ý kiến chỉ đạo.

 Điều 7 Luật Báo chí quy định: “Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật”. Liên quan đến vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí, tại điểm a, b, mục 1, điều 9 Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản nêu rõ: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với một trong những hành vi: cản trở việc cung cấp thông tin cho báo chí của tổ chức, cá nhân; không thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”.

Sở Thông tin và Truyền thông Phú Yên cần kiểm tra và chấn chỉnh vụ việc nêu trên để tạo điều kiện cho hoạt động báo chí thực thi đúng pháp luật.

PV
.
.