Nhếch nhác chợ nổi thương hồ

Thứ Năm, 25/12/2014, 08:48
Từ kênh Tàu Hủ chạy qua cây cầu Nguyễn Văn Cừ là thấy nhánh Kênh Tẻ. Khác hẳn với sự đìu hiu của kênh Tàu Hủ tại Kênh Tẻ (đoạn từ cầu Kênh Tẻ đến cầu Tân Thuận, TP HCM) hàng trăm ghe thuyền của dân thương hồ tấp nập tại mé kênh. Ở đây dân thương hồ chỉ giao thương với mặt hàng trái cây là chính. Những chiếc ghe nối liền san sát, tiếng rao bán, chào mời… nhộn nhịp cả khúc sông.

Xen kẽ hàng trăm ghe thuyền neo đậu nơi đây là những căn nhà nổi di động. 9 chiếc thùng phuy loại 200 lít được gắn lên trên một chiếc sàn gỗ (chủ yếu bằng những mảnh ván ghép hoặc bằng phên giường) rộng khoảng 4m², phía trên được che bằng bạt. Chiếc nhà nổi di động lềnh bềnh trên sông này là nơi tá túc của nhiều cặp vợ chồng từ quê lên thành phố kiếm kế sinh nhai. Chồng đi làm mướn, phụ hồ, vợ ở nhà trông con và buôn bán lặt vặt. Mỗi lần có tàu lớn chạy qua kênh tạo sóng lớn, chiếc nhà di động này lại bập bềnh như muốn lật úp chẳng khác nào mấy so với những phận người sống nơi trong những căn nhà này.

Chị Huế, chủ nhân của một trong 6 căn nhà nổi mà chúng tôi đếm được trên Kênh Tẻ, nụ cười trên gương mặt đen nhẻm vì nắng gió, cất giọng rặt miền Tây hồ hởi: “Làm căn nhà này cũng cỡ 3-5 triệu chứ ít gì nhưng vậy đở hơn là mướn nhà chú à! Giờ một căn phòng trọ cũng  hơn triệu, rồi tiền điện nước, nhiều thứ quá! Dân làm mướn như tụi tui thì lấy đâu ra, đỡ đồng nào hay đồng đó!”. “Rồi rác sinh hoạt vệ sinh ở đâu?”, tôi hỏi chị Huế. “Thì sông nước mênh mông đó, còn ở đâu nữa!”.

Xóm “nhà nổi di động” chủ yếu là những người tha hương tìm đường mưu sinh, họ chủ yếu là người dân miền Tây xuôi ghe cắm sào bên bờ Kênh Tẻ. Khi lập thành xóm rồi thì có muốn đưa họ đi nơi khác cũng khó. Bởi cái nết ăn, nết ở và cách kiếm tiền hằng ngày của họ tại khúc kênh này đã quá quen rồi, họ thấy sống vậy là được là đủ. Cho nên, dọc tuyến Kênh Tẻ này, rác thải, rác sinh hoạt, rác từ các mặt hàng buôn bán trên ghe được vứt thẳng xuống kênh tạo ra một cảnh quan nhếch nhác.

Rác thải từ các ghe thuyền của những “thương hồ” buôn bán dọc tuyến Kênh Tẻ gây ô nhiễm cho con kênh.

Đời thương hồ kiếm bữa nay, lo bữa mai, không điện, không phương tiện giải trí dù chỉ cần một bước rời khỏi thuyền, rời khỏi nhà nổi là bên kia đường điện đóm sáng choang với đầy đủ dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của một con người, thế là họ tìm đến rượu và bài bạc.

Đêm xuống, nhiều ghe thuyền tụ tập lại làm vài chai rượu đế với con khô nghêu ngao hát vài ba câu vọng cổ. Sau khi tàn tiệc thì đến màn bài bạc. “Nhiều đêm họ nhậu nhẹt la hét um sùm, bài bạc đuổi đánh nhau gây náo loạn cả một đoạn sông. Mấy bà phụ nữ bán trái cây cắc cũm từng đồng chứ có tiền lại nướng vào đề đóm, đánh bài tứ sắc”, chú Ba nhà đối diện với Kênh Tẻ phàn nàn.

Một cán bộ UBND phường Tân Thuận Tây cho biết, việc các ghe thuyền buôn bán và những xóm nhà nổi đã có ở dòng Kênh Tẻ này mấy chục năm nay. Nay kênh rạch được giải tỏa nhưng theo những nếp cũ, những người này vẫn “cắm sào” tại đây để làm ăn sinh sống.

Những người buôn bán trên sông này chủ yếu là người lao động tử các tỉnh miền Tây lên, một năm về quê chỉ một hai lần cho nên dù hằng tháng UBND phường phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra xử phạt nhưng đâu vẫn vào đấy.

Ngoài biện pháp xử phạt, phía UBND phường còn tuyên truyền nhắc nhở họ trong việc sinh hoạt, giữ vệ sinh môi trường và không làm mất ANTT, kiên quyết không để phát sinh những căn nhà nổi di động, tàu thuyền neo đậu trái quy định và xử lý những người mua bán lấn chiếm dọc bờ Kênh Tẻ. Nhưng dường như, với những phận đời thương khó, chỉ chừng ấy thôi thì vẫn chưa đủ…

Minh Đức
.
.