Cẩn trọng xử lý những “ổ mầm dịch” sốt xuất huyết tại gia

Chủ Nhật, 08/10/2023, 07:33

Sốt xuất huyết đang tăng rất mạnh tại Hà Nội, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện nhiều ổ dịch ở Hà Nội vẫn bùng phát mạnh, tồn tại kéo dài. Người dân hiểu về bệnh sốt xuất huyết còn chưa đầy đủ, dẫn đến công tác phòng dịch tại từng gia đình còn chủ quan, lơ là, thậm chí chưa được quan tâm.

Sở Y tế Hà Nội đề nghị xử phạt hộ gia đình, công sở, chủ công trình xây dựng… không chấp hành quy định phòng, chống dịch.

7-1.jpg -0
Phát hiện ổ bọ gậy trong bể kính ngoài trời tại nhà dân ở phường Xuân La.

Ổ bọ gậy ngay trong nhà

Trong gia đình có nhiều người từng mắc sốt xuất huyết phải nhập viện, chị Trần Thị Thơm (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) thường chú trọng vệ sinh môi trường, lật úp dụng cụ chứa nước để diệt bọ gậy. Nhưng vào đầu tháng 10, con gái út 5 tuổi bị sốt nhẹ, ban đầu chị Thơm tưởng con sốt bình thường, cho ra phòng khám tư, bác sĩ kê đơn thuốc viêm họng và cho về. Ba ngày sau, con xuất hiện những nốt đỏ trên da, mệt mỏi nhiều, chị Thơm cho con tới viện khám, xét nghiệm được chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue.

“Dạo này tôi bận không lên sân thượng thay nước các chậu hoa thuỷ sinh và cây cảnh, nên có thể muỗi vào đẻ trứng phát triển thành bọ gậy. Con hay lên sân thượng chơi, có thể bị muỗi gây bệnh sốt xuất huyết cắn”, chị Thơm cho biết.

Nhiều người quan sát bằng mắt thường không phát hiện bọ gậy trong các chậu hoặc lọ cây thuỷ sinh, lọ hoa, nên lơ là không thay nước liên tục. Tại buổi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại phường Xuân La, quận Tây Hồ vào ngày 4/10 vừa qua, Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện tại bể nước ngầm, bể kính chứa nước ngoài trời, xô chậu của 2 hộ gia đình và dãy nhà trọ tại ngõ 23 đường Xuân La chứa ổ bọ gậy. Khi được hỏi, người dân chưa nhận thức được đầy đủ mức độ nguy hiểm của dịch sốt xuất huyết; chưa ý thức được ổ bọ gậy sẽ phát triển thành muỗi  gây bệnh, nên không chú ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh.

Xuân La là phường có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất quận Tây Hồ (96 ca), tuy nhiên nhiều người dân vẫn còn lơ là với phòng dịch. Từ đầu năm đến nay, quận Tây Hồ có 354 ca mắc sốt xuất huyết, 20 ổ dịch, hiện còn 7 ổ dịch đang hoạt động. Theo đánh giá của Đoàn kiểm tra, đây là địa bàn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch cao, nguyên nhân chính là do công tác diệt bọ gậy, xử lý ổ dịch chưa triệt để.

Không riêng Xuân La, nhiều địa bàn ở Hà Nội, chỉ số bọ gậy vẫn còn rất cao. Nhiều nhà dân vẫn có bể nước nổi không đậy kín, không thả cá diệt bọ gậy, nên muỗi vào đẻ trứng, phát triển thành ổ bọ gậy chính trong gia đình. Nhiều công trình xây dựng phế thải vứt bừa bãi, các dụng cụ, phế liệu chứa nước mưa không được đổ, thu dọn, là nơi phát sinh cho muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng.

Đơn cử quận Bắc Từ Liêm có khoảng 2.100 nhà trọ cho thuê riêng lẻ, hơn 900 công trình nhà ở, 108 dự án đầu tư xây dựng đang tổ chức thi công… Đây là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ tháng 3 đến tháng 8/2023, quận Bắc Từ Liêm thường xuyên nằm trong top đầu về số ca mắc sốt xuất huyết của Hà Nội.

7-2.jpg -0
Xử lý các vật dụng có khả năng làm ứ đọng nước để làm giảm nguồn sinh sản của muỗi.

Xử phạt nếu không chấp hành quy định chống dịch 

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, liên tục trong 4 tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết của Thủ đô tăng mạnh, riêng tuần cuối cùng của tháng 9 có thêm gần 2.600 trường hợp mắc, tăng 1,5 lần so với tuần đầu của tháng. Năm 2022 cũng là năm đỉnh dịch sốt xuất huyết của Hà Nội. Chu kỳ 4-5 năm có một đợt dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh đã bị phá vỡ khi 9 tháng đầu năm nay, số ca mắc của Hà Nội đã là 15.354 trường hợp, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, Thủ đô có 3 ca tử vong, nhưng tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, đã ghi nhận thêm 3 ca tử vong.

Nếu như trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở các quận nội thành có đông dân cư, nhiều công trình xây dựng, thì năm nay, sốt xuất huyết tăng mạnh ở các quận, huyện vùng ven như: Hoàng Mai, Phú Xuyên, Thanh Trì, Thạch Thất, Hà Đông, Thanh Oai…Toàn TP hiện còn 289 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã, bao gồm một số ổ dịch diễn biến phức tạp, kéo dài.

Lý giải vì sao sốt xuất huyết tại Thủ đô lại tăng cao trong 2 năm liên tiếp, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, nhiệt độ từ 25 độ trở lên, nóng ẩm, mưa nhiều bùng phát sốt xuất huyết nhiều. Năm nay nhuận hai tháng 4, nắng nhiều, dịch đáng lẽ từ tháng 4 đến tháng 10, nhưng giờ kéo dài đến tháng 11. Trong thời gian dịch COVID-19, do phong toả, giãn cách xã hội,… do cộng đồng mắc sốt xuất huyết thấp nên miễn dịch cộng đồng hiện nay cũng thấp. Việc mở cửa sau đại dịch, người dân đi lại nhiều giữa miền Bắc và miền Nam và ngược lại, tăng sự tiếp xúc giữa người bệnh với người lành, tăng sự lây lan, đây cũng là một nguyên nhân cho dịch bệnh bùng phát.

Ông Phu cho biết thêm, do biến đổi khí hậu, thời tiết mưa nắng thất thường, hiện tượng El Nino… nên sốt xuất huyết không đi theo chu kỳ 4-5 năm mới có một trận dịch lớn, làm quy luật bị phá vỡ. Ngoài ra, sốt xuất huyết bùng phát còn do ý thức của người dân, chính quyền có nơi chưa vào cuộc mạnh mẽ, thiếu hoá chất để phun, thiếu sự quan tâm đúng mức, nên nhiều ổ dịch tồn tại kéo dài và bùng phát mạnh.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, bà Trần Thị Nhị Hà, bên cạnh việc tuyên truyền cũng cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh, nhất là đối với chủ các công trình xây dựng, chủ nhà trọ. Trên thực tế, việc xử phạt còn chưa mạnh tay. Đơn cử như quận Đống Đa, hiện có số bệnh nhân và ổ dịch rất cao, nhưng khi y tế đến phun hoá chất diệt muỗi, nhiều hộ dân thiếu hợp tác. Có nhiều trường hợp, chính quyền địa phương phải lập biên bản xử phạt, “doạ” đưa lên phương tiện thông tin đại chúng người dân mới phối hợp.

Trong khi đó, chế tài xử phạt với các hộ gia đình, cơ quan, công sở làm phát sinh bọ gậy theo quy định tại khoản 3, Điều 6, Nghị định 177/2020/NĐ-CP với mức 1-3 triệu đồng/lần vi phạm còn nhẹ, chưa mang tính răn đe. Ngoài ra, công tác nhập liệu các ca bệnh đến khám và điều trị tại các bệnh viện tuyến trung ương còn chậm, khiến việc xử lý sớm các ổ dịch chưa hiệu quả.

Để công tác phun hoá chất đạt hiệu quả, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu phải bảo đảm 95% hộ gia đình trong ổ dịch được phun hoá chất. Ngoài ra, cần phải áp dụng nghiêm việc xử phạt vi phạm hành chính với những hộ gia đình không tuân thủ các quy định phòng, chống dịch. Hiện đang áp dụng xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ gia đình không tuân thủ việc phun hoá chất theo khoản 2, Điều 12, Nghị định 177, mức phạt là 5-10 triệu đồng/lần vi phạm.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nếu tuyên truyền, vật động mà người dân không chấp hành, kiên quyết không cho phun hoá chất, không diệt muỗi, loăng quăng thì phải áp dụng xử phạt theo quy định, để người dân nâng cao ý thức và có trách nhiệm phòng dịch cho chính gia đình mình và cho cộng đồng.

Trần Hằng
.
.