Lập chốt ngăn sông,  người dân phải đi vòng 100km gặt lúa!

Thứ Năm, 18/11/2021, 08:35

Xã Ia Khai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai là địa bàn giáp ranh với xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum. Đặc điểm sản xuất và truyền thống lịch sử lâu đời nên hầu hết người dân xã Ia Khai đều có đất sản xuất bên phía xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum.

Thời điểm hiện tại, các diện tích canh tác lúa, mì của người dân xã Ia Khai đang vào mùa thu hoạch nhưng người dân chỉ quanh quẩn ở nhà, không thể sang phía tỉnh Kon Tum như các năm.

Anh Ksor HLiêu (làng Yom, xã Ia Khai) bức xúc: "Nhà mình có 1 ha lúa bên phía xã Ia Tơi hiện đã chín nhưng không thể thu hoạch được, đành phải bỏ ngoài đồng cho chuột, chim chóc ăn. Trong khi đây là nguồn thu nhập chính của gia đình, sắp tới chưa biết sẽ ra sao". Cũng theo anh HLiêu, các năm trước đây người dân đều qua lại khu sản xuất bằng đường sông, quãng đường di chuyển khoảng 1km. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, phía tỉnh Kon Tum không cho đi lại bằng đường cũ mà yêu cầu đi trên quốc lộ 14C với quãng đường hơn 120 km.

Già làng Siu Thel (làng Yom, xã Ia Khai) cho biết, làng Yom có 180 hộ đều có đất sản xuất phía xã Ia Tơi. Các hộ dân đều có giấy xác nhận của xã Ia Khai và các giấy tờ liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 nhưng phía tỉnh Kon Tum vẫn không cho người dân đi lại theo đường cũ. Trong khi đó, nếu đi theo quốc lộ 14C thì quá xa, chi phí đầu tư, sản xuất tăng lên cao nên người dân không ai muốn đi theo yêu cầu của tỉnh Kon Tum.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, xã Ia Khai, huyện Ia Grai hiện có 295 hộ người dân tộc thiểu số đang canh tác nông nghiệp tại xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum với diện tích 588,3ha (trong đó: 432,2ha điều; 70,6ha mỳ; 79,4ha lúa; 3ha cao su và 3,1ha cà phê). Những diện tích đất sản xuất này đã được hình thành hàng chục năm nay và trước đây người dân đều qua lại sản xuất bằng đường sông, quãng đường di chuyển khoảng 1km. Trong khi đó, nếu di chuyển trên quốc lộ 14C thì người dân phải đi đường vòng với quãng đường hơn 100km.

gia lai1.jpg -0
Tỉnh Gia Lai và Kon Tum chỉ cách nhau một dòng sông nhưng người dân phải đi vòng hơn 100km trên quốc lộ 14C mới được vào tỉnh Kon Tum.

Liên quan đến vấn đề này, bà Nguyễn Mai Lương, Chủ tịch UBND xã Ia Khai cho hay: Địa phương đã nhiều lần trao đổi bằng điện thoại và cả văn bản đề nghị phía tỉnh Kon Tum tạo điều kiện cho người dân được lưu thông qua các chốt kiểm soát của xã Ia Tơi. Tuy nhiên mới đây, người dân tiếp tục phản ánh phía tỉnh Kon Tum không cho người dân di chuyển bằng đường sông mà bắt buộc đi trên quốc lộ 14C thì mới được vào tỉnh Kon Tum.

“Qua nắm bắt thông tin, một bộ phận người dân đang rất bức xúc, nguy cơ xung đột, mất ANTT rất cao. Ngoài ra, do sốt ruột vì lúa đã chín nhưng không thu hoạch được nên người dân rất dễ nảy sinh tâm lý lén lút qua sông, tiềm ẩn mất an toàn. Địa phương đã báo cáo lên huyện để có hướng chỉ đạo, can thiệp giúp người dân”, bà Lương nói.

Được biết, ngày 16/11, UBND huyện Ia Grai tiếp tục có văn bản gửi UBND huyện Ia HDrai đề nghị tạo điều kiện cho người dân xã Ia Khai sang canh tác nông nghiệp trên địa bàn xã Ia Tơi. Đây đã là lần thứ 2 huyện Ia Grai có văn bản đề nghị phía tỉnh Kon Tum về nội dung tương tự.

Trước đó, vào ngày 1/10, UBND huyện Ia Grai cũng có văn bản đề nghị UBND huyện Ia HDrai tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên địa bàn xã Ia Khai qua xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai canh tác và thu hoạch nông sản. Tuy nhiên, đến ngày 13/11, địa phương tiếp nhận được kiến nghị của cử tri về việc xã Ia Tơi, huyện Ia HDrai ngăn cấm không cho nhân dân đi đường sông qua địa bàn xã để thu hoạch lúa dù cho người dân đã có giấy xác nhận của xã Ia Khai và các giấy tờ liên quan đến tiêm phòng COVID-19, phòng dịch theo quy định. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết: Theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ và các văn bản cập nhật danh sách địa phương có liên quan đến dịch COVID-19 thì xã Ia Khai không nằm trong danh sách vùng dịch, địa phương là “vùng xanh”.

Do đó, việc lập chốt ngăn chặn không cho người dân xã Ia Khai sang thu hoạch nông sản trên tuyến đường sông và yêu cầu phải đi qua đường quốc lộ 14C sẽ làm tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội cũng như không đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn giáp ranh giữa 2 huyện.

Chí Hào
.
.