Nhiều bất thường trong vụ “núi cát” tập kết trái phép

Thứ Hai, 24/04/2023, 08:11

Liên quan đến thông tin “núi cát” tập kết trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô mà Báo CAND đã từng phản ánh, ngày 23/4, thông tin từ UBND huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cho biết, vừa ban hành xử phạt hành chính đối với đơn vị vi phạm này.

Theo quyết định, đơn vị bị xử phạt là Công ty CP Quốc tế Sông Hồng (có trụ sở tại TP Hà Nội), là doanh nghiệp được cấp quyền khai thác cát tận thu trên lòng hồ thuỷ điện Krông Hnăng trong khi nạo vét lòng hồ này, bị xử phạt số tiền 50 triệu đồng về hành vi hoạt động không đúng nội dung đã được cấp phép. Công ty này đã tập kết cát lên diện tích đất rừng chưa được cấp phép với diện tích 11.228m2. Bên cạnh đó, công ty này cũng bị UBND huyện Ea Kar xử phạt hành chính số tiền 100 triệu đồng về hành vi “Lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất rừng đặc dụng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô” với diện tích 7.119m2.

3.jpg -0
“Núi cát” được doanh nghiệp tập kết trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô vẫn chưa được di dời.

Như Báo CAND từng có nhiều tin, bài phản ánh: Trên cơ sở tham mưu của Sở Công Thương, tháng 7/2021, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký phê duyệt đồng ý cho Công ty CP Quốc tế Sông Hồng thực hiện dự án nạo vét hồ thuỷ điện Krông Hnăng, huyện Ea Kar. Mục đích của việc nạo vét này là để khơi thông dòng chảy, phục hồi (tăng) sức chứa và khả năng thoát lũ thượng lưu hồ chứa. Quá trình thực hiện nạo vét còn tận dụng thu hồi khoáng sản… Thời gian thực hiện 5 năm (chỉ thực hiện trong mùa cạn).

Theo phương án, công ty này sẽ có 9 tàu hút cát thực hiện khối lượng khoảng 400.000 m3/năm. Tổng khối lượng khai thác dự tính khoảng 6,5 triệu m3, sản phẩm nạo vét gồm cát, sạn sỏi, bùn đất...UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu doanh nghiệp trên thiết lập hồ sơ, thủ tục thu hồi khoáng sản đúng quy định về Luật khoáng sản, môi trường, đất đai, lâm nghiệp; đăng ký phương tiện, thiết bị sử dụng nạo vét; lắp đặt thiết bị giám sát..

Đến cuối năm 2021, ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã ký phê duyệt đánh giá tác động môi trường dự án trên. Tuy nhiên, việc đánh giá tác động môi trường lại ở sông Krông Hnăng thuộc khu vực thượng lưu hồ thủy điện Krông Hnăng chứ không phải giữa lòng hồ thuỷ điện như phương án ban đầu. Sau khi phương án được phê duyệt, Công ty CP Quốc tế Sông Hồng đã huy động tối đa các phương tiện để thực hiện việc hút cát.

Để tận thu, tập kết số cát hút được, Công ty CP Quốc tế Sông Hồng đã sử dụng 2 bãi tập kết cát ngay cạnh lòng sông Krông Hnăng. Điều đáng nói là tại 2 bãi tập kết cát này, ngoài diện tích được cấp thẩm quyền cấp phép theo quy định thì Công ty CP Quốc tế Sông Hồng đã tập kết cát trên diện tích hơn 1,1ha chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép. Chưa dừng lại, doanh nghiệp còn lấn chiếm hơn 7.100m2 trên đất rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để làm bãi tập kết cát.

Trước phản ánh của cơ quan báo chí, ngày 6/10/2022, ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk đã dẫn đầu đoàn kiểm tra bao gồm các sở, ban, ngành liên quan kiểm tra thực tế tại hiện trường. Tại đây, ông Hà cũng thừa nhận, doanh nghiệp này đã vi phạm theo đúng như cơ quan báo chí phản ánh. Sau đó, đoàn kiểm tra đã có cuộc họp trao đổi để đưa ra phương án xử lý.

Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu công ty này chấm dứt ngay các hành vi vi phạm trên, đồng thời di dời toàn bộ khối lượng cát đi nơi khác trong vòng 60 ngày kể từ ngày ra quyết định xử lý. UBND tỉnh cũng buộc công ty này khôi phục lại hiện trạng ban đầu trước khi vi phạm, trả lại toàn bộ diện tích đã lấn, chiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô. Tuy nhiên, kể từ đó (ngày 6/10/2022) đến nay, việc di dời số cát cũng như khắc phục hiện trạng này vẫn chưa được doanh nghiệp thực hiện.

Về vấn đề này, ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô xác nhận, có khoảng 32.000m3 cát tập kết trái phép trong khu bảo tồn. Đến nay, Công ty CP Quốc tế Sông Hồng vẫn chưa thực hiện di dời bãi cát tập kết trái phép này.

Nói về lý do chậm di dời cát, ông Nguyễn Đức Toản, đại diện Công ty CP Quốc tế Sông Hồng cho biết, UBND huyện Ea Kar gia hạn cho công ty thêm 45 ngày để di dời bãi tập kết cát ra khỏi khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Không chỉ chậm trễ trong việc thực hiện di dời cát theo quy định, mà qua tìm hiểu, Công ty CP Quốc tế Sông Hồng còn sử dụng hàng loạt tàu hút cát không đăng ký, đăng kiểm để thực hiện việc nạo vét, tận thu cát trên lòng hồ thuỷ điện. 

Theo tìm hiểu, tại Quyết định số 1694 ngày 9/7/2021 về việc phê duyệt phương án kỹ thuật nạo vét hồ thủy điện Krông Hnăng và Giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ chứa ngày 27/1/2022 của UBND tỉnh Đắk Lắk, Công ty CP Quốc tế Sông Hồng sẽ thực hiện nạo vét bằng tàu hút, dung tích 80m3, công suất 400m3/giờ, số lượng 9 chiếc.

UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị nạo vét thực hiện đăng ký phương tiện, thiết bị sử dụng nạo vét theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa và pháp luật liên quan... Thế nhưng, trong nhiều ngày có mặt tại khu vực hồ thủy điện Krông Hnăng, chúng tôi đã ghi nhận những chiếc tàu mà công ty này sử dụng đều không đăng ký, đăng kiểm.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Toản cho biết thêm, Công ty CP Quốc tế Sông Hồng hiện chỉ có 3 tàu thực hiện nạo vét. Trong quá trình thực hiện dự án, công ty đã ký hợp đồng nạo vét với Công ty P.M.P. “Trong hợp đồng có ghi rõ, tàu bè phải có đăng ký, đăng kiểm thì mới được nạo vét. Nếu không, có chuyện gì thì Công ty P.M.P. phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật... Do đó, tàu bè không có đăng ký, đăng kiểm thì ông đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”, ông Toản nói.

Cũng theo ông Toản, sau khi phát hiện những con tàu tham gia nạo vét không có đăng ký, đăng kiểm, Công ty CP Quốc tế Sông Hồng đã yêu cầu Công ty P.M.P. tạm ngưng hoàn toàn.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Lê Công Du, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đắk Lắk cho biết, căn cứ các quy định, phương tiện mà doanh nghiệp (Công ty CP Quốc tế Sông Hồng) đang sử dụng để thực hiện dự án nạo vét, chuyển chở sản phẩm nạo vét thì phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Nếu không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn tham gia giao thông đường thủy nội địa thì sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Cũng theo ông Du, sau khi tra cứu, rà soát hồ sơ quản lý phương tiện thủy nội địa, hiện nay Sở Giao thông Vận tải Đắk Lắk không quản lý phương tiện thủy nội địa nào của Công ty CP Quốc tế Sông Hồng.

Văn Thành
.
.