Thấy gì sau vụ “phù phép” 848 tấn quặng của Công ty TNHH Ngọc Thiên?

Thứ Bảy, 24/09/2022, 16:39

Lợi dụng chính sách nhà nước về miễn thuế, Công ty TNHH Ngọc Thiên (trụ sở thôn Đông Mai, xã Chi Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đã “phù phép” hàng trăm tấn quặng kim loại nhằm mục đích trốn thuế xuất khẩu. Sau khi bị phát hiện và xử lý, việc doanh nghiệp (DN) này tiếp tục được miễn thuế khiến dư luận không khỏi băn khoăn…

 

Biến… quặng thành chì dạng thỏi để xuất khẩu

Theo Bản án số 103/2021/HS-ST ngày 16/7/2021 của TAND TP Hải Phòng, Công ty TNHH Ngọc Thiên (Công ty Ngọc Thiên) có 1 nhà máy xử lý chất thải nguy hại và sản xuất kim loại màu, 25 lò nấu kim loại tại thôn Đông Mai.

Cuối 2011, Bộ Tài chính có Công văn 15963/BTC-CST hướng dẫn thủ tục ưu đãi miễn thuế xuất khẩu theo Nghị định 04/2009/NĐ-CP cho DN này. Theo đó, với việc xuất khẩu mặt hàng là chì dạng thỏi được sản xuất trực tiếp từ bình ắc quy đã qua sử dụng thì Công ty Ngọc Thiên được miễn thuế.

02 bat giu quang ngoc thien.jpg -0
Lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện hàng trăm tấn quặng nhưng lại được khai báo là chì thỏi để xuất khẩu.

Từ 2016, bà Tạ Thị Tấn, TGĐ cho vợ chồng con trai Trịnh Phan Thiên và Đỗ Hồng Hạnh (SN 1984) cùng là Phó TGĐ quản lý điều hành hoạt động của 13 lò nấu kim loại. Đến tháng 4/2020, bà Hạnh thỏa thuận với Ngô Phi (quốc tịch Trung Quốc) và Nguyễn Thị Mai (ở Thái Nguyên) về việc Ngô Phi có lô hàng xỉ thải bismuth, là sản phẩm thải loại trong quá trình khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo và nhờ làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc, với giá 5 triệu đồng/container.

Theo đó, bà Hạnh đã liên hệ đặt tàu, mượn 30 vỏ container và chì, thuê dịch vụ vận tải đóng hàng tại Thái Nguyên, lập vận đơn với tên hàng “chì dạng thỏi”. Đồng thời, khi có thông tin chuyến tàu, số container, Hạnh chỉ đạo nhân viên của mình khai báo Hải quan điện tử nội dung: Người gửi hàng là Công ty Ngọc Thiên; người nhận hàng là AmericaMetal Co.Ltd; tên hàng chì dạng thỏi; khối lượng mỗi lô 420 tấn, đơn giá 1562,82 USD/tấn và chuẩn bị hồ sơ lô hàng gồm hợp đồng mua bán, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói.

Đến ngày 8/5/2020, nhân viên Công ty Ngọc Thiên mở tờ khai Hải quan và dự kiến hàng rời cảng ngày 17/5/2020. Tờ khai Hải quan được phân mức kiểm 2 (luồng vàng – miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, chỉ kiểm tra chi tiết hồ sơ) và được thông quan ngày 8/5/2020.

Tuy nhiên, trước khi hàng hóa được vận chuyển ra nước ngoài, lực lượng chức năng kiểm tra tại cảng Nam Hải - Đình Vũ (Hải Phòng), phát hiện toàn bộ hàng hóa đóng trong 30 container là dạng quặng, màu vàng đen, không đúng theo khai báo của Công ty Ngọc Thiên tại 2 tờ khai hải quan. Kết quả giám định cho thấy số quặng trên có tổng trọng lượng là 848 tấn, trị giá gần 4,8 tỷ đồng.

Bản án của TAND TP Hải Phòng nhận định, hành vi khai báo gian dối sai tên hàng hóa xuất khẩu là chì dạng thỏi nhằm mục đích trốn thuế.

Căn cứ theo Điều 189, BLHS quy định về tội “Vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới”, TAND TP Hải Phòng tuyên phạt Đỗ Hồng Hạnh số tiền 1 tỷ đồng sung ngân sách nhà nước và tịch thu toàn bộ hàng hóa. Riêng với Ngô Phi và Nguyễn Thị Mai, do Hạnh khai được 2 người này thuê vận chuyển nên tòa kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra làm rõ hành vi để tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.

Sau trốn thuế, DN vẫn được ưu đãi?

Thông tin từ Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, trong các ngày cuối tháng 5 đến đầu tháng 6/2022, Công ty Ngọc Thiên làm thủ tục thông quan hơn 300 tấn chì thỏi chưa tinh luyện mới 100%, được DN này trực tiếp sản xuất, tái chế từ bình ắc quy phế liệu các loại được thu mua trong nước. Giấy tờ hồ sơ cho thấy, vụ việc này có thể được miễn giảm số tiền thuế xuất khẩu hơn 2,2 tỷ đồng. Nơi hàng đi của cả 3 hồ sơ đều là cảng Tân Vũ (Hải Phòng).

Cụ thể, ngày 30/5/2022, Công ty Ngọc Thiên lập tờ khai hàng hóa xuất khẩu (thông quan) cho bên nhập khẩu có địa chỉ tại Singapore; nơi nhận hàng cuối cùng là Ấn Độ; khối lượng hàng 100,28 tấn, đóng trong 4 container; giá trị 216.103 USD (gần 5 tỷ VNĐ). Thuế xuất khẩu là 15% nhưng được miễn giảm, tương đương 747 triệu đồng. Giấy tờ khai hàng rời cảng ngày 2/6/2022.

Cũng trong ngày 2/6/2022,  Công ty Ngọc Thiên tiếp tục lập tờ khai hàng hóa xuất khẩu (thông quan) cho bên nhập khẩu có địa chỉ Hàn Quốc; nơi nhận Ấn Độ; khối lượng 100,22 tấn đóng trong 4 container, giá trị 210.462 USD (khoảng 4,85 tỷ đồng). Thuế xuất khẩu là 15% nhưng được miễn giảm, tương đương 727 triệu đồng. Giấy tờ khai hàng rời cảng ngày 7/6/2022.

Tiếp đến, ngày 10/6/2022, Ngọc Thiên lập tờ khai hàng hóa xuất khẩu (thông quan) cho bên nhập khẩu tại Singapore; nơi nhận hàng Ấn Độ; khối lượng hàng hóa 100,33 tấn đóng trong 4 container, giá trị 216.211 USD (gần 5 tỷ đồng). Thuế xuất khẩu 15% nhưng được miễn giảm, tương đương 748 triệu đồng. Giấy tờ khai hàng rời cảng ngày 13/6/2022.

Như vậy, nội dung các tờ khai cho thấy sau vụ án, Công ty Ngọc Thiên vẫn được áp dụng chính sách miễn giảm thuế xuất khẩu. Một điều đáng lưu ý khác, cả 3 tờ khai hàng hóa trên đều ghi phân loại kiểm tra hàng hóa ở mã số 2 (luồng vàng - kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa) và được Chi cục Hải quan Hưng Yên tiếp nhận.

Tuy nhiên, trao đổi về vấn đề này, theo ông Hoàng Ngọc Nhụy, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hưng Yên, về lý thuyết, đối với DN đã từng bị xử lý vi phạm, tuỳ theo mức độ xử lý sẽ có ảnh hưởng đến việc xếp hạng DN. Đối với Công ty Ngọc Thiện, sau khi DN khai báo điện tử, Chi cục Hải quan Hưng Yên đã căn các chỉ dẫn trên hệ thống, đánh giá phân luồng tự động… để giải quyết thủ tục thông quan cho DN.

Trong khi đó, luật sư Đặng Thế Phương (Đoàn Luật sư Hải Phòng) phân tích vấn đề căn cứ theo Nghị định 08/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 38/2015/TTBTC của Bộ Tài chính về đánh giá tuân thủ pháp luật với người khai Hải quan và thực hiện phân loại mức độ rủi ro. Việc đánh giá tuân thủ pháp luật của DN dựa trên một trong các tiêu chí rất quan trọng là “tính chất, mức độ vi phạm pháp luật hải quan và pháp luật thuế. DN đã từng có bản án liên quan hành vi khai báo không trung thực để trốn thuế thì cơ quan Hải quan cần nâng mức độ phân loại kiểm tra hàng hóa để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của DN. Ngoài ra còn có quy định cụ thể là hàng hóa của DN phải bị phân vào luồng đỏ khi DN có hành vi gian lận hoặc có dấu hiệu trốn thuế.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Gia Tiệp, Giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại Tùng Khánh (hoạt động trong lĩnh vực Logistics) nêu quan điểm, khi DN đã vi phạm nghiêm trọng về khai báo nhằm trốn thuế thì sẽ bị tăng mức mã phân loại kiểm tra hàng hóa. Cụ thể là phải điều chỉnh từ luồng xanh lên luồng vàng. Còn nếu đang ở luồng vàng thì phải lên luồng đỏ…

Trước sự băn khoăn của nhiều doanh nghiệp, để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và sự bình đẳng trong thực hiện chính sách thuế đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, đề nghị Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế cần kiểm tra, làm rõ vấn đề này. 

Văn Huy
.
.