Cựu Bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tiếc nuối điều gì trước khi bị bắt?

Thứ Tư, 19/07/2023, 18:09

Tự bào chữa cho mình tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” chiều 19/7, bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh (cựu Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) bày tỏ tiếc nuối vì chưa đưa được 200 công dân Việt Nam mãn hạn tù từ Malaysia về nước thì đã bị bắt.

Cơ quan tố tụng xác định, trong quá trình tổ chức 8 “chuyến bay giải cứu” đưa 1.891 công dân Việt Nam đã chấp hành xong án phạt tù ở 19 trại chờ tại Malaysia về nước, bị cáo Anh có hành vi hưởng lợi bất hợp pháp số tiền 480 triệu đồng. Với hành vi trên, bị báo Anh bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 4 - 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Nữ cựu Bí thứ thứ hai Đại sứ quán tiếc vì chưa đưa được 200 công dân về nước  -0
Bị cáo Nguyễn Lê Ngọc Anh (đứng) tại phiên tòa.

Bắt đầu bào chữa, bị cáo Anh tâm tư khi nhắc lại câu hỏi của cơ quan điều tra. Theo bị cáo Anh, khi được triệu tập về làm việc với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, bị cáo được hỏi một câu: “Các anh, chị làm công tác bảo hộ công dân mà lại thu tiền hưởng lợi trên chính những đồng tiền của những người mãn hạn tù, vậy bảo hộ công dân ở đâu?”.

Bị cáo Anh cho biết, những ngày đầu tiên đi làm việc, bị cáo trao đổi với Cục nhập cư của Malaysia và chính quyền sở tại về việc đưa người Việt Nam mãn hạn tù về nước. Sau đó, bị cáo có về đề xuất với bị cáo Trần Việt Thái (thời điểm đó là Đại sứ Việt Nam tạ Malaysia) hướng giải quyết.

Về cáo buộc hưởng lợi, nhận tiền, bị cáo Anh cho rằng, bị cáo không có ý thức vì có tiền chia chác thì mới thực hiện công vụ. Sau khi chuyến bay đầu tiên tổ chức thành công thì bị cáo mới biết, mình được chi tiền bồi dưỡng, chứ ý thức hành động của bị cáo hoàn toàn vì công dân, không phải biết mình được chia tiền thì mới làm.

Giải thích về số tiền công dân phải nộp hơn 20 triệu đồng đối với một người mãn hạn tù có hộ chiếu và gần 25 triệu đồng một người không có hộ chiếu mới đủ điều kiện về nước, theo bị cáo Anh, đó chỉ là giá trần.

Bị cáo Anh dẫn chứng, thời điểm đó, có hơn 2.000 người mãn hạn tù bị kẹt ở Malaysia, nhưng chỉ trong 8 chuyến bay đã đưa được 1.891 người về nước. Trong số đó, rất nhiều người không có đủ tiền về nước, họ chỉ có tiền để đóng một phần kinh phí, thậm chí có người không có một đồng nào.

“Khi bị cáo cùng đồng nghiệp báo cáo với Đại sứ Việt Nam tại Malaysia rằng có những người gặp vấn đề như thế, Đại sứ chỉ đạo, phải đưa tất cả họ về nước, kể cả khi họ không có tiền”, bị cáo Anh trình bày.

Theo lời bào chữa, khi bị cáo Anh đến các trại chờ đã trao đổi, khẳng định với các công dân rằng, tiền không phải là vấn đề, mà vấn đề là các anh, chị phải có đầy đủ giấy tờ, thủ tục. Chỉ cần gia đình các anh, chị liên hệ với Đại sứ quán thì sẽ được hướng dẫn gia đình làm giấy tờ. Nếu các chủ ghe, chủ tàu, chủ sử dụng lao động mà không có kinh phí cho các anh, chị về nước, và gia đình không lo được thì Đại sứ quán sẽ có cách đưa các anh, chị về nước.

Cũng theo bị cáo Anh, sau khi tổ chức 8 chuyến bay đưa công dân về nước, còn lại khoảng gần 200 người mãn hạn tù ở trong các trại chờ, đó là những người không phải vì không có tiền để về nước, mà do không xác minh được nhân thân nên họ không về được.

“Rất đáng tiếc là trước khi bị cáo bị khởi tố thì đã có lời hứa với khoảng 200 công dân Việt Nam tại Malaysia là, sẽ cố gắng hết sức xác minh cho họ sớm nhất để đưa họ hồi hương. Nhưng giờ bị cáo đứng ở đây thì không thể thực hiện được lời hứa đó”, bị cáo Anh cho biết.

Sau khi bào chữa cho mình, bị cáo Anh mong Hội đồng xét xử đánh giá toàn diện bối cảnh phạm tội của bị cáo, từ đó xem xét, áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. 

Nguyễn Hưng
.
.