Cảnh báo tình trạng quân sự hóa tại Biển Đông

Thứ Tư, 17/01/2018, 08:21
Trong những ngày gần đây, Mỹ, Philippines và Australia liên tục bày tỏ quan ngại và có những tuyên bố phản đối việc Trung Quốc tiếp tục có các hành động quân sự hóa tại các quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông. Đáp lại, Bắc Kinh tiếp tục ngang nhiên cho rằng, nước này cần phải có các trang thiết bị quốc phòng cho vùng lãnh thổ của mình.

Trong bài viết mang tựa đề “Mỹ cáo buộc Bắc Kinh “khiêu khích quân sự” tại Biển Đông”, tờ The Japan Times của Nhật Bản ngày 10-1 dẫn lời ông Brian Hook, Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson về chính sách châu Á, chỉ ra rằng, vấn đề này (hành động quân sự hóa của Trung Quốc tại các quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông - PV) đã được đưa ra ở tất cả các cuộc đối thoại ngoại giao cũng như quân sự giữa hai nước.

“Hành động quân sự hóa Biển Đông mang tính khiêu khích của Trung Quốc là minh chứng cho thấy nước này đang thách thức luật pháp quốc tế”, ông Hook nói. Mỹ phản đối mọi hành động đơn phương mà Trung Quốc đã thực hiện tại Biển Đông và sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động tuần tra tự do hàng hải, tiến hành bay cũng như cho tàu thuyền qua lại bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép.

Cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Mỹ đồng thời nhấn mạnh, Washington duy trì quan điểm Bắc Kinh “cần phải tuân thủ các trật tự được quy định bởi luật pháp vốn là nền tảng của hòa bình và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và trên toàn thế giới”.

Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Ảnh: Reuters.

Cùng ngày, Australia cũng bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc quân sự hóa tại Biển Đông. Đại sứ Australia tại Philippines Amanda Gorely nhấn mạnh, Canberra không ủng hộ các hành động của bất kỳ quốc gia nào đi ngược lại phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) tại La Haye về vấn đề Biển Đông, trong đó có hoạt động quân sự hóa, đồng thời khuyến khích cả Trung Quốc lẫn Philippines thực thi phán quyết này. Australia tin rằng, phán quyết này “phản ánh luật pháp quốc tế và Australia ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc”.

Đại sứ Australia tại Philippines lưu ý rằng, phán quyết của PCA “là giá trị, nguyên tắc rất quan trọng và cơ bản, là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Australia”. Theo bà Gorely, những cơ sở mà Trung Quốc đơn phương xây dựng trên Biển Đông sẽ “làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, hoặc bằng một cách nào đó ngăn chặn đường đi qua Biển Đông sẽ khiến Australia và nhiều nước khác bị ảnh hưởng”. Bà đồng thời khẳng định cách tiếp cận và chính sách của Canberra đối với Biển Đông là rất nhất quán trong khoảng thời gian dài.

Trước đó, hôm 9-1, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, ông Delfin Lorenzana, chỉ trích Trung Quốc đã không giữ lời hứa với các nước khu vực về việc không quân sự hóa các đảo nhân tạo chiếm đóng trái phép trên Biển Đông. “Cách đây không lâu, Chính phủ Trung Quốc có nói rằng, họ sẽ không quân sự hóa các đảo bồi đắp. Nếu chúng tôi có thể chứng minh rằng họ đã điều quân và thậm chí hệ thống vũ khí ra đó, thì rõ ràng họ đã không giữ lời hứa”, Bộ trưởng Lorenzana tuyên bố.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Philippines, Manila sẽ biểu thị sự phản đối thông qua Bộ Ngoại giao nước này. Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) ngày 30-12-2017 phát đi hình ảnh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị biến thành một căn cứ không quân. Hồi tháng trước, Tổ chức sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cũng đã công bố các bức ảnh vệ tinh trong đó cho thấy Bắc Kinh đã hoàn thành xây dựng trạm ra đa tần số cao tại khu vực Đá Chữ Thập và các hầm chứa đạn dược tại Đá Subi.

Về phía Trung Quốc, Bộ Ngoại giao nước này đã ngang nhiên tuyên bố các công trình xây dựng trên là “nằm trên lãnh thổ Trung Quốc, có mục đích hỗ trợ hòa bình, an ninh hàng hải và ngăn ngừa thiên tai trong khu vực”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nhấn mạnh: “Đương nhiên, Trung Quốc cần phải có các trang thiết bị quốc phòng cho vùng lãnh thổ của mình. Chúng tôi không có dụng ý nhắm vào bất cứ quốc gia nào”.

Theo bà Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), năm 2017 được mô tả như một năm khá tĩnh lặng trên Biển Đông. Việc Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có những động thái mềm dẻo với Trung Quốc khiến phán quyết của PCA về vụ Manila kiện Bắc Kinh liên quan chủ quyền trên Biển Đông không dẫn đến các căng thẳng quá mức.

Rồi khi Philippines giữ chức Chủ tịch ASEAN, Trung Quốc đã thỏa thuận với khối này về dự thảo khung cho Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Về phía Mỹ, Tổng thống Donald Trump cũng thực thi các chính sách không đặt nặng xu hướng đối đầu với Trung Quốc. Trong khi đó, thực tế năm 2017, Trung Quốc đã ra sức củng cố lợi ích và tiến đến hoàn thành các chương trình quân sự hóa nhiều thực thể đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Chuyên gia Glaser lo ngại rằng, trong năm 2018, Trung Quốc sẽ triển khai đồng loạt chiến đấu cơ đến các thực thể đảo có đường băng mới được xây dựng hoàn thiện gần đây. Kèm theo đó là cơ số tàu hải quân yểm trợ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh sẽ tìm cách kéo dài thời gian đàm phán COC và chủ yếu hướng đến dùng bộ quy tắc này để loại trừ sự can thiệp của bên thứ ba.

Đặng Hà (tổng hợp)
.
.