Phát hiện di tích khảo cổ có niên đại khoảng 80 vạn năm

Thứ Hai, 11/04/2016, 14:30
Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ trong tầng văn hóa, nằm cùng tectit có tuổi 77-80 vạn năm. Đây là bước ngoặt trong nhận thức giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc.


Ngày 11-4, tại Hà Nội, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức Họp báo thông báo kết quả ban đầu về phát hiện di tích khảo cổ học sơ kỳ thời đại đá cũ ở Việt Nam tại thị xã An khê, tỉnh Gia Lai.

Lần đầu tiên giới khảo cổ học Việt Nam phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ trong tầng văn hóa, nằm cùng tectit có tuổi 77 -80 vạn năm. Đây là bước ngoặt trong nhận thức giai đoạn bình minh của lịch sử dân tộc.

GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam phát biểu khai mạc.

Được biết, đây là chương trình hợp tác quốc tế Nghiên cứu quá khứ xa xưa của Việt Nam giữa Viện khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam và Viện khảo cổ học – Dân tộc học Novosibirsk, Viện Hàn lâm khoa học Cộng hòa Liên bang Nga (2015 - 2019)

Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn Lâm KHXH Việt Nam: Đến nay đoàn chuyên gia đã khoanh vùng được các vùng địa tầng có dấu tích của đồ đá cũ. Đoàn đã phát hiện 58 hiện vật đá và 21 mảnh thiên thạch, các nhà khảo cổ dự đoán niên đại sơ kỳ Đá Cũ An Khê khoảng 80 vạn năm về trước, tương ứng với giai đoạn Người vượn đứng thẳng.

Các tầng văn hóa gần như vẫn còn nguyên vẹn, được bảo tồn trong trạng thái tốt. Càng mở rộng khai quật, đoàn còn phát hiện nhiều rìu tay, các vật dụng trong sản xuất sinh hoạt hằng ngày, các vật dụng này phân bố trong một tầng đất chứng tỏ sự xuất hiện của loài người nguyên thủy đã tồn tại ở An Khê trong một thời gian rất dài. Các hiện vật đá này bao gồm hình mũi nhọn, các công cụ chặt, nạo, hòn ghè, mảnh tước... vốn là các công cụ lao động của loài người thời nguyên thủy.

TS. Nguyễn Gia Đối - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Trưởng phòng nghiên cứu thời đại đá, người trực tiếp thực hiện các cuộc khai quật cho biết: “Các di tích khảo cổ An Khê đều nằm trên thềm cổ nhất của sông Ba, có tuổi sơ kỳ Cánh tân, cách ngày nay trên dưới 1 triệu năm, niên đại rơi vào trái đất của tectit chính là tuổi của di tích". 

"Tectit Việt Nam nằm trong vùng trường Australia – Đông Dương, có tuổi từ 77 vạn đến 80 vạn năm. Hiện nay hơn 20 mẫu tectit ở Việt Nam đã được phân tích niên đại, trong đó mẫu tectit ở thềm cổ sông Ba tại Cheo Reo, cùng thềm với vùng An Khê có độ tuổi 77 vạn năm. Như vậy tuổi của các chế phẩm bằng đá do con người làm ra ở An Khê ít nhất phải tương đương hoặc cổ hơn thế”.

Các hiện vật.

Các phát hiện di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê là bằng chứng khẳng định, thượng lưu sông Bá, vùng An Khê là địa bàn sinh sống của cộng đồng cư dân cổ cách đây khoảng trên dưới 80 vạn năm. Đây cũng tạm thời được xem là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam.

Mặt khác, bổ sung vào bản đồ Thế giới sự xuất hiện và tiến hóa của loài người, trong đó có Việt Nam. Bác bỏ một số quan điểm sai lệch trước đây về sự đối lập văn hóa thời tiền sử sớm giữa hai khu vực Đông và Tây trên Thế giới.

Vào tháng 3-2017 tới đây, đoàn sẽ trở lại An Khê tiếp tục khai quật, nghiên cứu các di tích khảo cổ học sơ kỳ Đá cũ ở khu vực này và hy vọng sẽ có thêm nhiều khám phá mới.

Di tích Gò Đá ở phường An Bình, thị xã An Khê, trong các hố khai quật đã tìm thấy 58 hiện vật, gồm: 9 công cụ mũi nhọn, 5 công cụ chặt kiểu chopper, 9 nạo, 2 hòn ghè, 6 công cụ mảnh tước, 3 công cụ hạch không địa hình, 12 hạch tước và 12 hạch đá. Tại cụm di tích Rộc Tưng ở xã Xuân An, thị xã An Khê, các hố khai quật: Rộc Tưng 1 đã tìm thấy 46 hiện vật đá; Rộc Tưng 4 thu được 77 hiện vật đá. Một số di tích đã biết trước đây như Rộc Hương, Rộc Giáo, Rộc Lớn và Gò Đá, cùng phát hiện mới di tích Rộc Nếp (xã Cửu An) phát hiện 2 rìu tay (handaxe) ở Rộc Giáo và Rộc Lớn, cùng với 2 rìu tay phát hiện trước đây ở Rộc Tưng và Gò Đá, đến nay đã có một bộ sưu tập 4 rìu tay tiêu biểu, điển hình cho rìu tay sơ kì đá cũ Thế giới.
Thúy Hằng
.
.