Tọa đàm sách “Thượng tướng Lê Thế Tiệm - dấu ấn thời gian”

Thứ Sáu, 10/03/2017, 10:21
Ngày 9-3, tại Hà Nội, Nhà xuất bản (NXB) Công an nhân dân (CAND) đã phối hợp với Học viện Cảnh sát nhân dân (CSND) tổ chức Tọa đàm tác giả-tác phẩm “Thượng tướng Lê Thế Tiệm - dấu ấn thời gian”...

Tới dự buổi tọa đàm, về phía khách mời có các đồng chí: Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an;  Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Trung tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát; Trung tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục   trưởng Tổng cục Cảnh sát; Trung tướng Vũ Thanh Hoa, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an; Trung tướng Vũ Hải Triều, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh; Trung tướng, nhà văn Hữu Ước, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND, Chủ tịch Chi hội Nhà văn Công an.

Về phía Ban tổ chức có đồng chí Trung tướng, GS.TS Nguyễn Xuân Yêm, Giám đốc Học viện CSND; Đại tá, nhà văn Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc - Tổng Biên tập NXB CAND. Về phía khách mời tham dự tọa đàm có GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Phạm Khải - Ủy viên Hội đồng lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Phó Tổng Biên tập Báo CAND; Nhà văn Võ Bá Cường - tác giả của cuốn sách “Thượng tướng Lê Thế Tiệm-dấu ấn thời gian”...

“Thượng tướng Lê Thế Tiệm - dấu ấn thời gian” là cuốn chân dung nhân vật của nhà văn Võ Bá Cường viết về Thượng tướng Lê Thế Tiệm. Sinh ra ở Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, mảnh đất đau thương, kiên cường, anh dũng trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; 15 tuổi đồng chí Lê Thế Tiệm thoát ly gia đình đi kháng chiến, gia nhập lực lượng An ninh Quảng Đà, được tôi luyện ở chiến trường Khu 5, trải qua những năm tháng chiến đấu một mất một còn với liên quân Mỹ, Đại Hàn… vô cùng khốc liệt.

Từ chiến tranh đến hòa bình, người chiến sĩ an ninh Lê Thế Tiệm đã đi từ cuộc chiến súng đạn, máu chảy với kẻ thù đối mặt đến cuộc chiến của những kẻ thù ẩn danh vô hình. Sau khi chiến tranh kết thúc, đồng chí Lê Thế Tiệm đảm nhận nhiều cương vị lãnh đạo của lực lượng Công an: Phó Giám đốc rồi Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Thứ trưởng Bộ Công an, ba lần được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng.

Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an phá những vụ án nổi tiếng như vụ Khánh Trắng, Phúc Bồ, triệt phá các băng nhóm xã hội đen hoành hành nhiều năm ở Hà Nội; vụ Năm Cam bóc gỡ mạng lưới của “ông Trùm”, trong đó có những nhánh đã cấy sâu cắm rễ vào bộ máy công quyền…

Thượng tướng Lê Thế Tiệm cùng phu nhân với các đại biểu tham dự Tọa đàm sách “Thượng tướng Lê Thế Tiệm -  dấu ấn thời gian”.

Cuốn sách không kể lại cuộc đời một con người từ khi sinh ra đến khi trưởng thành, nhà văn Võ Bá Cường chọn cách tái hiện chân dung Thượng tướng Lê Thế Tiệm qua các sự kiện quan trọng. Mỗi chương sách là một dấu ấn, những dấu ấn thử thách định hình nhân cách con người được hun đúc nên bởi truyền thống gia đình, dòng họ, quê hương, bạn bè, đồng đội, nhân dân.

Cuộc đời của Thượng tướng Lê Thế Tiệm cho thấy một bài học lớn: Sự trưởng thành của một người, của một thế hệ, của cách mạng, hay của đất nước, đều bắt nguồn từ gốc rễ nhân dân. Cùng với việc khắc họa nhân vật chính, xuyên suốt cuốn sách là hình tượng nhân dân kiên dũng, hy sinh, bao dung, sáng suốt, sự tài ba, tin cậy của những người lãnh đạo và những đồng đội, người chiến sỹ Công an cùng “nếm mật nằm gai”, kiên định, mưu trí, dũng cảm sát cánh bên Thượng tướng trong những chuyên án lớn, những vụ án có tính chất sinh tử...

Tại buổi Tọa đàm, các khách mời đã đánh giá cao sức hấp dẫn và giá trị của cuốn sách, đặc biệt là sự hóa thân giữa nhân vật, người kể chuyện và nhà văn, người chắp bút. GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam cho rằng: “Với cảm xúc và tư cách của một người đọc, cuốn sách đã vượt ngưỡng thành công bởi đồng tác giả Lê Thế Tiệm và Võ Bá Cường đã tạo ra được một ngôn ngữ chung cho cuốn sách, ngôn ngữ chung của hai người. Một ngôn ngữ nhằm làm cho sự thật đến được với tính chân thật nghệ thuật...

Nhờ vào cuốn sách kể chuyện Sáu Tiệm, tôi có dịp trở lại những vụ, việc chấn động một thời mà tôi chỉ hiểu lơ mơ, qua đó thấy những chiến công thầm lặng mà cực kỳ oanh liệt của lực lượng an ninh - trên cả hai phía địch - ta; trên cả hai chiều: người dân thường và lực lượng chỉ huy tối cao. Và để thấy, cả thời chiến và thời bình, với người chiến sĩ Công an - khi còn đương nhiệm - gần như không lúc nào có thể rửa tay, gác kiếm”.

Nhà văn  Nguyễn Quang Thiều thì nhận định: “Kể về cuộc đời mình là một sự quả cảm, có lợi cho người sau, cho bạn đọc và thậm chí là cho cả một giai đoạn lịch sử. Thượng tướng Lê Thế Tiệm kể về cuộc đời mình không phải để quảng bá về bản thân mà là hoàn thành trách nhiệm với bản thân, đồng đội ở một giai đoạn lịch sử đã qua với vai trò nhân chứng. Và trong câu chuyện đời mình, dường như ông đã cố giấu đi những thiệt thòi của bản thân để mang lại lợi ích lớn nhất cho bạn đọc, ngành Công an và cho lịch sử”.

Còn nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải thì gọi cuốn sách này là tiểu thuyết tư liệu bởi trong cuốn sách này, ngoài các chi tiết, tình huống hoàn toàn chuẩn xác do Thượng tướng Lê Thế Tiệm kể lại, còn có nhiều tình huống được nhà văn Võ Bá Cường tưởng tượng và sáng tạo thêm, song đã đạt được tính chân thật nghệ thuật như chữ dùng của GS Phong Lê. Đó là những tình huống khắc họa đậm nét tâm lý nhân vật, những đoạn văn miêu tả rất kỳ công về phong tục tập quán của bà con dân tộc, tái hiện không khí linh thiêng của núi rừng, không khí thời chiến cực kỳ khắc nghiệt của đồng bào Quảng Nam...

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Xuân Mười, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND khẳng định: Buổi Tọa đàm tác giả, tác phẩm “Thượng tướng Lê Thế Tiệm - dấu ấn thời gian” không chỉ là hoạt động giới thiệu tác giả, tác phẩm đơn thuần mà còn là một sự kiện chính trị, văn hóa hấp dẫn, có ý nghĩa giáo dục truyền thống đối với tuổi trẻ CAND. Cuốn sách được xuất bản vào đầu năm 2017 là rất kịp thời, giúp bạn đọc hiểu hơn về những chiến công thầm lặng của lực lượng công an trên cả hai mặt, không chỉ đấu tranh với tội phạm mà đôi khi còn phải đấu tranh với chính bản thân mình, đồng đội của mình.

Trung tướng Nguyễn Xuân Mười cũng bày tỏ mong muốn, sau thành công của cuốn sách “Thượng tướng Lê Thế Tiệm - dấu ấn thời gian”, nhà văn Võ Bá Cường và các anh chị nhà văn khác tiếp tục có những sáng tạo nghệ thuật hay về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống.

Huyền Thanh
.
.