Đạo diễn Lương Đình Dũng khởi động phim “bom tấn”, tham vọng đưa phim ra thế giới

Thứ Ba, 21/12/2021, 11:14

Sau phim “Cha cõng con”, “578: Phát đạn của kẻ điên”, đạo diễn Lương Đình Dũng tiếp tục bắt tay vào sản xuất phim kinh dị giả tưởng với số tiền đầu tư 5,3 triệu USD: “Mật mã 45: Ma đói” (Hunger: The Code 45).

Đạo diễn Lương Đình Dũng là nhà sản xuất kiêm đạo diễn, tác giả kịch bản phim “Cha cõng con” –  tác phẩm được đại diện điện ảnh Việt Nam tham dự giải Oscar lần thứ 90, từng đạt giải “ Phim châu Á xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim quốc gia Iran lần thứ 36, giải thưởng kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam và được chiếu ở gần 20 quốc gia.

Đạo diễn Lương Đình Dũng còn là cố vấn quốc tế về nội dung phim tại Liên hoan phim Black Nights, giám khảo Liên hoan phim quốc tế Pune (Ấn Độ), giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22. Năm 2020 – 2021, đạo diễn cũng đã đầu tư lớn cho phim hành động bom tấn “578: Phát đạn của kẻ điên”. Dự kiến, phim sẽ ra mắt vào đầu năm 2022.

Đạo diễn Lương Đình Dũng khởi động phim “bom tấn”, tham vọng đưa phim ra thế giới -0
Đạo diễn Lương Đình Dũng tại Liên hoan phim Pune (Ấn Độ).

Riêng về dự án phim “Mật mã 45: Ma đói” (Hunger: The Code 45), ngày 21/12, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết, phim được đầu tư 5,3 triệu USD, có sự phối hợp giữa nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài. Dự kiến, phim được quay tại Việt Nam và một quốc gia châu Á khác, có sự tham gia của nhiều nhà làm phim Việt Nam, Hàn Quốc, Mỹ, Estonia, Nhật Bản, hướng tới mục tiêu phát hành cùng lúc tại các thị trường phim ảnh lớn trên thế giới.

Kịch bản phim đã được đạo diễn Lương Đình Dũng chuẩn bị từ 3 năm nay. Anh cũng đã gặp gỡ, thảo luận với nhiều nhà làm phim ở nhiều thị trường quốc tế, trước khi quyết định đi vào hợp tác triển khai sản xuất. Đây là một kịch bản lớn, phức tạp. Các nhà đầu tư đặt mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế với kỳ vọng doanh thu cao. Vì vậy, việc có một ekip quốc tế phối hợp trong mọi khâu là điều cần thiết để đảm bảo dự án đạt chất lượng cũng như một số yêu cầu khắt khe khác của điện ảnh quốc tế. Tuy nhiên, phim vẫn phải đảm bảo nét riêng của văn hoá Việt Nam, văn hoá phương Đông, thông qua câu chuyện thuần chất kiểu cách bí ẩn của phương Đông.

Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng nhận định: Phương Đông nói chung, đất nước Việt Nam nói riêng với nhiều câu chuyện kỳ bí, hấp dẫn, có nhiều tiềm năng để điện ảnh khai thác, tiếp cận khán giả quốc tế. Một số quốc gia châu Á phát triển điện ảnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã rất thành công, có nhiều tác phẩm “làm mưa làm gió” tại thị trường phim kinh dị giả tưởng thế giới, trở thành niềm tự hào của điện ảnh quốc gia. Trong đó, phim “The tale of two sisters” (Hàn Quốc) đã được Hollywood mua bản quyền sản xuất lại, “Ringu” (Nhật Bản) doanh thu lên tới 137 triệu USD trong khi kinh phí sản xuất chỉ khoảng 1,2 triệu USD…

N.H
.
.