Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam:

Không có gì diệu kỳ hơn cho đứa trẻ là những cuốn sách!

Thứ Bảy, 04/12/2021, 09:59

Sách dành cho thiếu nhi từng bị mặc định là kén người viết, ít người viết. Tuy nhiên, năm nay, mảng sách này có nhiều tín hiệu khởi sắc. Sau Giải thưởng Dế Mèn năm 2021, sách dành cho thiếu nhi tiếp tục “bội thu” tại Giải thưởng Sách quốc gia, khi có số lượng sách dự giải và đoạt giải khá cao (27 tác phẩm dự giải, 5 tác phẩm đoạt giải).

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã có những chia sẻ cởi mở, thẳng thắn quanh câu chuyện viết cho thiếu nhi và thúc đẩy sáng tác dành cho thiếu nhi hiện nay.

PV: Chúc mừng ông đã nhận giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021 với “Chuyện của anh em nhà Mem và Kya”. Đây cũng là năm hiếm hoi sách thiếu nhi “được mùa” tại giải thưởng này. Theo ông, điều đó có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm hiện tại?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi đã đi qua rất nhiều giải thưởng nhưng đây là giải thưởng khiến tôi cảm thấy rất hồi hộp và có cảm giác rất kỳ lạ. Bởi vì cuốn sách đó là tôi viết về những đứa cháu của mình, viết về những đứa trẻ. Tôi có cảm giác, giải thưởng cho cuốn sách này được trao cho chính tuổi thơ tôi. Một điều quan trọng nữa là giải thưởng lần này trao giải cho nhiều cuốn văn học thiếu nhi… Việc xây dựng thế giới tâm hồn cho những đứa trẻ là một điều hệ trọng của bất kỳ một quốc gia nào. Giải thưởng Sách quốc gia đã cho thấy chiến lược ở bên trong nó đối với mảng sách thiếu nhi. Tất cả các cuốn sách đoạt giải năm nay đã được đánh giá tốt trước dư luận, trong ngành xuất bản. Đây là điều rất tuyệt vời. Nó cho thấy, giải thưởng đồng bộ với cảm hứng, với phản hồi mà tác giả nhận được của bạn đọc nói chung, của bạn viết nói riêng.

6-1.jpg -0
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận giải B Giải thưởng Sách quốc gia năm 2021.

PV: Ông có dự định viết tiếp cho thiếu nhi nữa không và muốn gửi gắm những thông điệp gì trong các tác phẩm này?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Hiện nay, tôi đã viết gần xong cuốn thứ 2 về anh em nhà Mem và Kya, đặt tên là “Vương quốc của hạnh phúc”. Hai đứa trẻ đó nhờ đồ chơi của chúng như tàu bay, ngựa, hổ, chim, cá… đưa chúng đến vương quốc khác để kiếm tìm hạnh phúc. Cuối cùng, chúng phát hiện ra, vương quốc hạnh phúc nhất chính là ngôi nhà chúng sinh ra, lớn lên với ông bà, cha mẹ và những người thân yêu của mình…

Thông qua các cuốn sách này, tôi muốn nhắn nhủ với các cháu, với những đứa trẻ rằng, không có nơi nào bình an, chứa đựng yêu thương, vẻ đẹp nhân tính hơn chính ngôi nhà của mình. Tôi ghi chép lại những câu chuyện của chúng, về tình yêu thương của ông bà, cha mẹ, những người thân yêu, hàng xóm láng giềng, thầy cô, bạn bè, gieo vào trong chúng khái niệm về nguồn cội, văn hoá, về sự chia sẻ, về giấc mơ, khát vọng. Khi những đứa trẻ lớn lên, khi bắt đầu suy nghĩ, chúng đọc lại và thấy tuổi thơ của mình đã mang theo một gia sản lớn. Đó là tình thương yêu của chính gia đình, cộng đồng, xã hội.

PV: Từ đầu năm đến nay, sách cho thiếu nhi “được mùa” giải thưởng nhưng trước đó bị cho là ít người viết. Theo ông, vì sao lại có hiện tượng này? Hội Nhà văn Việt Nam đã làm gì để thúc đẩy phát triển văn học thiếu nhi trong thời gian qua?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Lâu nay, các nhà văn ít viết về văn học thiếu nhi. Họ đặt những vấn đề lớn của thời đại, các vấn đề lớn của xã hội, cho nên khi chạm vào văn học thiếu nhi thì lúng túng. Họ mang vào trang viết cho thiếu nhi sự cồng kềnh của người lớn, trong khi viết cho thiếu nhi lại cần sự trong sáng, ngây thơ, trí tưởng tượng phong phú và kỳ diệu.

Trước đây, chúng ta đã có những cuốn sách rất nổi tiếng viết cho thiếu nhi như “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài và nhiều tác phẩm của các nhà văn khác nữa. Chúng tôi muốn phục hồi phát triển văn học thiếu nhi. Hội Nhà văn Việt Nam đã đặt văn học thiếu nhi, văn học trẻ là một chiến lược lớn, theo lời phát biểu chỉ đạo của đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X thì một trong những nhiệm vụ lớn của Hội Nhà văn trong nhiệm kỳ mới là phải tạo ra những bước đi có tính quyết định cho một dòng văn học thiếu nhi đa dạng, phong phú, hiện đại, đậm bản sắc văn hoá dân tộc để cùng xã hội tạo ra sản phẩm đặc biệt nhất, quan trọng nhất là con người Việt Nam.

Riêng năm nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã có giải thưởng chính thức trao riêng biệt cho sách văn học thiếu nhi, có Hội đồng văn học thiếu nhi, đi sâu vào chuyên môn hơn. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị xong toàn bộ dự án cuộc vận động viết cho thiếu nhi và sẽ chọn ra những tác phẩm trong sáng nhất, đậm bản sắc văn hoá dân tộc nhất, nhân văn nhất cho trẻ em để xuất bản. Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tìm cách xã hội hoá để in mỗi năm từ 5 đến 10 vạn sách hay, chất lượng, mang tặng trẻ em ở miền núi và vùng sâu, vùng xa. Chúng tôi làm điều này vì ở thành phố, chúng ta có thể dễ mua một cuốn sách cho con, cháu mình. Ở miền núi, vùng sâu vùng xa, có nhiều nơi, việc mua một cuốn sách cho một đứa trẻ là vô cùng khó, nhưng không có gì tuyệt vời, diệu kỳ hơn cho những đứa trẻ là những cuốn sách…

PV: Với góc độ của người cầm bút lâu năm và là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, theo ông, người viết cho thiếu nhi còn có thuận lợi nào khác không?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ thuận lợi đầu tiên là tình yêu thương. Đây là khởi nguồn tốt nhất, là động lực lớn nhất, khởi nguồn cho các động lực khác. Ở Việt Nam, nhìn từ mỗi gia đình, dòng họ, công sở, chúng ta thấy tình yêu của người lớn dành cho trẻ con vô cùng lớn, thậm chí đôi khi còn quá mức. Chính tình yêu thương đó sẽ gợi mở cho các nhà văn, vì họ viết về chính con mình, cháu mình và những đứa trẻ khác. Trái tim yêu thương mà nhà văn viết cho thiếu nhi dành cho trẻ em là điều kiện rất quan trọng. Nếu không có tình yêu thương, nếu không nghĩ về những đứa trẻ, không nghĩ về những công dân tương lai của một dân tộc thì họ sẽ không thể làm được điều gì cả. Nhưng nếu có nhiều tình cảm đó, những người cầm bút chỉ cần ngồi xuống và tìm chọn, mang lại những câu chuyện một cách sống động nhất, chia sẻ cho những đứa trẻ, dẫn chúng đi trong giấc mơ và cách thức của mình.

Về phía Hội Nhà văn Việt Nam, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc vận động, toạ đàm, giao lưu, sáng tác và sẽ có những đầu tư đặc biệt cho các nhà văn có những đề cương tốt nhất cho văn học thiếu nhi. Chúng tôi sẽ cùng nhau thúc đẩy sáng tạo, vừa bằng tinh thần, trách nhiệm, vừa bằng tình yêu thương dành cho trẻ, để những nhà văn có đề cương tốt, dự án tốt sẽ thuận lợi hơn, được động viên nhiều hơn viết nên những cuốn sách của mình.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

N.Nguyễn (thực hiện)
.
.