Nghiên cứu di sản phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế

Thứ Tư, 11/08/2021, 07:38

Việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên-Huế” được xác định là yêu cầu cấp thiết, nếu để muộn thì những nhân chứng sẽ không còn dẫn đến quá trình trao truyền di sản sẽ bị mai một và đứt gãy.

Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa giao trực tiếp đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn “Nghiên cứu, thống kê, sưu tầm các loại hình di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên-Huế” cho Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế chủ trì thực hiện và ThS. Lê Thùy Chi, Giám đốc Bảo tàng làm chủ nhiệm đề tài.

Đây là đề tài cấp tỉnh, được Bảo tàng Hồ Chí Minh đề xuất, thực hiện trong thời gian 2 năm (2021-2023), nhằm xác minh, thống kê, sưu tầm các di sản phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh. ThS. Lê Thùy Chi cho rằng, đây là đề tài tương đối mới; các công trình nghiên cứu sâu về đề tài này trên cả nước và trong tỉnh Thừa Thiên-Huế đến nay vẫn chưa có.

Nghiên cứu di sản phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên-Huế -0

Thế hệ trẻ tìm hiểu tại triển lãm họ Hồ ở miền Tây Thừa Thiên - Huế vào dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trong dòng chảy văn hóa, văn nghệ dân gian, cũng như trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm tại các bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn hóa phi vật thể lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được đặt ra và từng bước sưu tầm, tập hợp trong các tác phẩm đã xuất bản, hay các sưu tập tại bảo tàng. Đề tài sẽ được triển khai sâu vào các công trình nghiên cứu đã có trên các loại hình văn hóa phi vật thể như: Ngữ văn dân gian về Chủ tịch Hồ Chí Minh (bao gồm dân ca, tục ngữ, ca dao, hò vè, câu đối, hát ru…và các hình thức biểu đạt khác); truyện kể, hồi ký về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt tục đặt tên họ Hồ của đồng bào dân tộc ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đã mấy chục năm nay, trong những ngôi nhà của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tà Ôi, Pa Cô, Cơ Tu hay Pa Hy của huyện vùng cao A Lưới (Thừa Thiên - Huế) đều thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng tôn kính đặc biệt.

Ngày 3/9/1969, khi nghe tin Bác Hồ qua đời, bà con các dân tộc nơi đây đã lập bàn thờ Bác và đổi họ mình thành họ Hồ để tỏ lòng kính yêu. Ngày nay, đồng bào nơi đây vẫn duy trì nghi lễ đặt tên họ Hồ để tưởng nhớ công ơn của Bác và giáo dục truyền thống tốt đẹp đó cho các thế hệ tương lai.

Lãnh đạo Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên-Huế cho rằng, việc thực hiện đề tài được xác định là yêu cầu cấp thiết, những nhiệm vụ khoa học đề xuất trong đề tài cần được tiến hành ngay, nếu để muộn thì những nhân chứng sẽ không còn nữa dẫn đến quá trình trao truyền di sản sẽ bị mai một và đứt gãy. Đồng thời đây cũng là yêu cầu cấp bách của ngành Di sản trong quá trình kiểm kê, bảo tồn các giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở Thừa Thiên-Huế… ThS. Lê Thùy Chi cho biết thêm, những sản phẩm của đề tài có giá trí lý luận và thực tiễn, ứng dụng trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, nếu đề tài được thực hiện thành công sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở dữ liệu về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh tại địa phương, bảo lưu những giá trị văn hóa tinh thần đặc biệt về Người, phục vụ công tác quản lý di sản văn hóa; học tập, nghiên cứu về thân thế sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng như thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục di sản về Bác Hồ đến quần chúng nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ làm cơ sở dữ liệu khoa học cho các nhà khoa học nghiên cứu làm sáng tỏ ảnh hưởng to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần của nhân dân Thừa Thiên-Huế nói riêng và toàn quốc nói chung. Đồng thời đề cao những giá trị văn hóa, nhân văn trong thân thế, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần làm phong phú thêm nội dung trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hệ thống bảo tàng và di tích lưu niệm về Người; là cơ sở để xây dựng các tác phẩm sân khấu, chương trình nghệ thuật ca ngợi về Chủ tịch Hồ Chí Minh… Đề tài đã được Hội đồng đánh giá rất cao.

TS Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng khoa học cũng đánh giá, đây là một đề tài cấp thiết, có tính thiết thực, mang đậm giá trị văn hóa của Cố đô Huế gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi làm việc và sinh sống tại Thừa Thiên-Huế. Vì vậy, đơn vị chủ trì phải tiếp thu toàn diện các ý kiến góp ý của các thành viên trong Hội đồng, đồng thời cần hoàn chỉnh lại thuyết minh đề tài, xem xét, làm rõ hơn về bức tranh tổng quan các di sản văn hóa phi vật thể về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế.

Bên cạnh đó, cần bố cục lại nội dung nghiên cứu đảm bảo tính khoa học đúng với các quy định, văn bản pháp lý về di sản phi vật thể, cần mở rộng thêm các loại hình nghiên cứu hướng đến bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể này một cách hiệu quả và thiết thực hơn, góp phần làm dày thêm tính toàn diện của đề tài này.

Hải Lan
.
.