Lực lượng Cảnh sát PCCC: Luôn thấm nhuần những điều căn dặn của Bác

Thứ Hai, 12/03/2018, 17:39
Khắc ghi lời căn dặn quý báu của Người, lực lượng Cảnh sát PCCC luôn thường trực, ghi nhớ những điều Bác dạy, coi đó là mục tiêu, phương hướng, kim chỉ nam cho mọi hành động, vận dụng sáng tạo, nghiên cứu triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý nghiệp vụ và tổ chức tốt công tác phòng ngừa cháy nổ.


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác PCCC và lực lượng Cảnh sát PCCC. Kỷ niệm đầu tiên và cũng là kỷ niệm thật sâu sắc, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát PCCC về ý thức trong nhiệm vụ PCCC, đó là vào ngày 1-1-1955, khi Đại đội Chữa cháy Hà Nội được cử một Tiểu đội 7 người, do đồng chí Lục Văn Giỏi chỉ huy tham gia bảo vệ lễ đài trên Quảng trường Ba Đình nhân dịp mít tinh chào mừng Đảng và Chính phủ sau 9 năm kháng chiến trường kỳ trở về Thủ đô.

Cuộc mít tinh diễn ra an toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi từ lễ đài xuống, rẽ qua thăm đơn vị chữa cháy đang làm nhiệm vụ. Bác ân cần bắt tay từng người và chúc:“Nhân dịp năm mới, Bác chúc các chú thất nghiệp”. Đối với lực lượng Cảnh sát PCCC, lời chúc vui vẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lời động viên vừa là mục tiêu, nhiệm vụ thiêng liêng mà Người tin tưởng giao cho lực lượng Công an trong công tác PCCC: Làm sao để không có cháy nổ, để Công an không phải chữa cháy, để tài sản của Nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân được an toàn.

Một câu chuyện khác, tuy nhỏ nhưng thể hiện sự quan tâm đặc biệt và sự đánh giá đúng mức của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đối với công tác PCCC. Chuyện xảy ra vào năm 1958, người đứng đầu cơ quan Cảnh sát PCCC được triệu tập đến Phủ Chủ tịch. Khó có thể diễn tả hết được tâm trạng của người cán bộ PCCC trước lúc vào nơi Người lãnh đạo cao nhất của đất nước sống và làm việc. Đến nơi mới hay, trong Phủ Chủ tịch có một bể nước, nay do yêu cầu nhiệm vụ mới nên có người đề nghị phá bỏ.

Mọi người hỏi ý kiến Bác, Bác yêu cầu: “Phải hỏi các chú PCCC nếu không cần bể nước để chữa cháy thì hãy phá đi”… Từ câu chuyện rất đỗi giản dị ấy đã cho thấy được sự quan tâm đặc biệt sâu sắc và nhận định, đánh giá tinh tế của Bác Hồ đối với tính chất, tầm quan trọng của công tác PCCC.

Bay qua lửa đỏ. Ảnh: Bùi Văn Nghiệp.

Năm 1961, tình hình kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, cơ sở vật chất được xây dựng càng nhiều, vì vậy cần phải có những biện pháp tăng cường công tác PCCC, đặc biệt là trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá miền Bắc. Ngày 4-10-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 53/SL ban hành “Pháp lệnh quy định việc quản lý Nhà nước đối với công tác PCCC”, đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thông qua ngày 27-9-1961.

Trong giai đoạn này, Bác Hồ đã đổi cụm từ “Phòng hỏa, cứu hỏa” thành cụm từ “Phòng cháy, chữa cháy” khi Pháp lệnh này được trình lên Người. Sau 35 năm, ngày 2-6-1996, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 369/TTg lấy ngày 4-10 hằng năm là “Ngày PCCC toàn dân” và đó cũng là Ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, lực lượng Cảnh sát PCCC luôn dành được sự quan tâm sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Cùng với Sáu điều Bác Hồ dạy lực lượng CAND, trong Thư khen gửi CBCS Đội PCCC thuộc Công an Hà Nội ngày 3-8-1966, sau thành tích chiến đấu dũng cảm dập tắt đám cháy ở kho xăng dầu Đức Giang (Hà Nội) bị trúng bom giặc, Bác đã căn dặn lực lượng Cảnh sát PCCC 4 điều:

Thư khen Đội phòng cháy, chữa cháy Sở Công an Hà Nội (3-8-1966)

Thân ái gửi cán bộ và chiến sĩ Đội phòng cháy, chữa cháy Công an Hà Nội.

Trong việc phòng cháy, chữa cháy, các đồng chí đã bình tĩnh, tích cực và dũng cảm. Các đồng chí đã phối hợp tốt với lực lượng quần chúng. Do đó các đồng chí luôn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, dù trong những điều kiện khó khăn.

Bác rất vui lòng khen ngợi tất cả cán bộ và chiến sĩ. Nhân đây, Bác dặn thêm mấy điều này:

- Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn.

- Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân.

- Phải không ngừng học tập, nghiên cứu, phát huy sáng kiến, tổng kết kinh nghiệm để tiến bộ hơn nữa trong công việc phòng cháy, chữa cháy.

- Phải thường xuyên hướng dẫn và bồi dưỡng về nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng ngày càng tiến bộ, để họ trở thành người giúp việc thật đắc lực cho các đồng chí”.                                                               

Đối với lực lượng CAND nói chung, Bác Hồ dạy: “Đối với địch phải cương quyết, khôn khéo” thì với lực lượng Cảnh sát PCCC, Người dạy “Phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, chớ chủ quan, tự mãn”. Đặc biệt, trong thời điểm đất nước ta đang trong giai đoạn chuyển mình vươn lên, nền kinh tế đất nước phát triển một cách mạnh mẽ, nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp được xây dựng với quy mô lớn, nhiều công trình cao tầng, siêu cao tầng, trung tâm thương mại với công năng phức hợp, mật độ dân cư đông đúc xuất hiện ngày càng nhiều, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo đảm an toàn PCCC và tổ chức chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra thì những điều Bác dạy đối với lực lượng Cảnh sát PCCC càng thể hiện giá trị quý báu, cốt lõi, giúp cho lực lượng Cảnh sát PCCC phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Khắc ghi lời căn dặn quý báu của Người, lực lượng Cảnh sát PCCC luôn thường trực, ghi nhớ những điều Bác dạy, coi đó là mục tiêu, phương hướng, kim chỉ nam cho mọi hành động, vận dụng sáng tạo, nghiên cứu triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý nghiệp vụ và tổ chức tốt công tác phòng ngừa cháy nổ.

Các lực lượng tham gia phương án chữa cháy, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ nhà cao tầng tại tòa nhà Diamond Plaza.

Qua 56 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và Bộ Công an, công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ đã có những chuyển biến rõ rệt và đạt được nhiều kết quả quan trọng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường; ý thức, kiến thức của người dân về PCCC và cứu nạn, cứu hộ được nâng lên; cơ sở hạ tầng phục vụ công tác PCCC được quan tâm đầu tư xây dựng từng bước đáp ứng yêu cầu công tác.

Với những kết quả công tác nổi bật nêu trên, trải qua 56 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển, lực lượng Cảnh sát PCCC được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: 2 Huân chương Hồ Chí Minh, 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất, 3 Huân chương Quân công hạng Nhất, 4 Huân chương Quân công hạng Nhì, 5 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, 15 đơn vị Cảnh sát PCCC được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC (4-10-1961 – 4-10-2016) và 15 năm Ngày toàn dân PCCC (4-10-2001 – 4-10-2016), lực lượng Cảnh sát PCCC đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ. Qua đó, đã tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn lực lượng, đồng thời giúp cho lực lượng Cảnh sát PCCC gắn bó, đoàn kết hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đã 49 năm trôi qua kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đi xa, những câu chuyện nhỏ, giản dị, những chỉ dạy ân cần nhưng sâu sắc, gần gũi, thiêng liêng mà Bác dành cho CBCS lực lượng PCCC sẽ luôn và mãi là nguồn động viên, cổ vũ để lực lượng Cảnh sát PCCC khắc phục khó khăn, không ngừng rèn luyện bản lĩnh chiến đấu chống giặc lửa, sẵn sàng hi sinh vì sự an toàn, hạnh phúc của nhân dân.

Thiếu tướng, TS Đoàn Việt Mạnh – Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ
.
.