Lực lượng Pháp chế CAND phục vụ đắc lực sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc

Thứ Sáu, 29/04/2016, 08:58
Nhân kỉ niệm 41 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, Báo CAND trao đổi với Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) về những đóng góp của lực lượng pháp chế CAND trong thời kỳ cách mạng và quá trình đổi mới.

PV: Đồng chí cho biết những đóng góp của công tác Pháp chế CAND trong giai đoạn đất nước ta tiến hành cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, để có cơ sở pháp lý phòng ngừa và trừng trị những hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản của công dân, bảo vệ thành quả của cách mạng, phục vụ kháng chiến cứu quốc, Bộ Công an đã cùng với các bộ, ngành có liên quan tham mưu cho Hội đồng Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30-10-1967, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21-10-1970.

Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng ký Thông tư liên ngành số 427 ngày 28-6-1963 để phân công trách nhiệm cụ thể giữa Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan Công an trong khởi tố vụ án, bắt khẩn cấp đối tượng có hành vi phạm tội.

Đồng thời, để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, Bộ Công an tham mưu cho Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 32/CP ngày 22-2-1973 sửa đổi các quy định về tổ chức bộ máy Bộ Công an.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh. Ảnh: Nguyễn Hưng.

Theo đó, Cục Cảnh sát hình sự có trách nhiệm hỏi cung, lập hồ sơ truy tố các loại tội phạm hình sự (về trị an xã hội); cơ quan chấp pháp thụ lý, điều tra các vụ án xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, tội phạm kinh tế phức tạp, nghiêm trọng; đơn vị trinh sát kinh tế thụ lý điều tra án đơn giản, ít nghiêm trọng. Những văn bản  pháp quy trên là công cụ không thể thiếu để bảo vệ chế độ trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, có thể coi đó là những đóng góp của công tác Pháp chế CAND vào sự nghiệp kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc.

PV: Từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, lực lượng Pháp chế CAND tiếp tục có những thành tích nổi bật gì?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Từ năm 1986 đến nay, được sự quan tâm của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy Đảng và lãnh đạo Công an các cấp, công tác Pháp chế Công an nhân dân có nhiều thành tích nổi bật, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Chỉ tính trong 10 năm trở lại đây, lực lượng Pháp chế CAND đã tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 11 luật, 8 pháp lệnh; tham gia xây dựng Hiến pháp và hàng trăm luật, pháp lệnh khác.

Lực lượng Pháp chế CAND cũng giúp Bộ Công an xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 94 nghị định, 64 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 92 thông tư liên tịch, 566 thông tư và 163 quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, tạo cơ sở pháp lý để tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước an ninh, trật tự và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của CAND; góp phần cụ thể hóa các quyền của con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Hiến pháp.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, tư pháp, lực lượng Pháp chế đã giúp Bộ Công an chủ trì, đề xuất Chính phủ, Chủ tịch nước ký kết, gia nhập 05 điều ước quốc tế đa phương; hoàn thành việc ký kết 37 hiệp định và trên 100 thỏa thuận quốc tế, tạo hành lang pháp lý để thiết lập, mở rộng hợp tác quốc tế về tương trợ tư pháp hình sự, chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ, phòng, chống tội phạm giữa Việt Nam với nước ngoài. 

Bên cạnh đó, lực lượng Pháp chế tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Xây dựng hàng chục đề án, dự án về cải cách hành chính, tư pháp, cung cấp những luận cứ khoa học để xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động điều tra, xử lý tội phạm, giảm án oan, sai, rút ngắn thời gian điều tra vụ án hình sự, thay đổi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc đúng mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và lộ trình cải cách hành chính, tư pháp của Đảng, Nhà nước.

Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ mới được giao, lực lượng Pháp chế Công an nhân dân đã tham mưu cho Bộ tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các quy định của pháp luật có liên quan đến an ninh, trật tự được đến cán bộ, chiến sĩ và nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả, tạo điều kiện cho mọi người tiếp cận và sử dụng pháp luật để thi hành công vụ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình; tham mưu với lãnh đạo Bộ công bố 2 Bộ thủ tục hành chính; đơn giản hóa, hủy bỏ nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý cư trú, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phòng cháy, chữa cháy,... được các tổ chức và nhân dân hoan nghênh, ủng hộ.

Lực lượng Pháp chế cũng giúp lãnh đạo Bộ duy trì thường xuyên công tác theo dõi, kiểm tra việc thi hành pháp luật, thực hiện các quy định về thực hiện quy chế dân chủ. Qua kiểm tra đã đồng thời yêu cầu, kiến nghị Thủ trưởng Công an các cấp có biện pháp phòng ngừa, khắc phục, chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật.

PV: Đồng chí cho biết các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm lực lượng Pháp chế sẽ tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an thực hiện trong thời gian tới để góp phần vào công tác giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh: Để góp phần cùng với lực lượng Công an nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đề ra, trong thời gian tới, Cục Pháp chế và Cải cách hành chính, tư pháp sẽ tham mưu với Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an triển khai thi hành hiệu quả các bộ luật, luật liên quan đến an ninh, trật tự mới được Quốc hội khóa XIII thông qua, đặc biệt là: Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Căn cước công dân năm 2014...

Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các dự án luật khác để thi hành Hiến pháp năm 2013 như: Luật Cảnh vệ; Luật Công an xã; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước; đề xuất cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng dự án Luật An ninh mạng; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án hình sự, Luật Đặc xá... để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Bên cạnh việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật phải duy trì thường xuyên các đoàn kiểm tra, theo dõi việc thi hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân; kiên quyết xử lý các trường hợp lợi dụng việc thực thi pháp luật xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân.

Một nhiệm vụ trọng tâm khác đó là tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính trong đăng ký, quản lý hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng; xuất cảnh, nhập cảnh; cấp thẻ căn cước công dân cấp; hộ chiếu; giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện; giấy chứng nhận đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy... đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Hưng (thực hiện)
.
.