Đầu xuân trò chuyện với hai vị tân Giáo sư của lực lượng Công an nhân dân:

Không ngừng thắp lửa đam mê

Thứ Năm, 19/02/2015, 09:11
Mùa xuân này, với họ, có lẽ là một trong những mùa xuân đẹp nhất, in dấu nhiều kỷ niệm, ký ức của một “hành trình” bền bỉ với nghề làm thầy giáo.

Với cả hai vị tân Giáo sư của lực lượng Công an nhân dân (CAND) mà chúng tôi viết trong bài viết nhỏ này thì dường như nghề giáo đã chọn họ, bởi ngay từ khi tuổi trẻ còn dào dạt hoài bão với biết bao khát vọng, có nhiều cơ hội mới thì nghề thầy giáo như một “duyên phận” cứ gắn bó với họ.

Để cho đến bây giờ, sau vài chục năm duyên nợ với các thế hệ học viên CAND ở mọi trình độ, với một tấm lòng thủy chung, yêu nghề tha thiết, họ đều nhận ra rằng, đó là sự “lựa chọn” đúng nhất và dường như với họ sinh ra chỉ để làm thầy, không thể làm nghề khác được…

Cứ yêu nghề, hết lòng vì nghề thì nghề sẽ không phụ…

Thiếu tướng Bùi Trung Thành, Phó Giám đốc Học viện ANND, một vị tân Giáo sư của lực lượng CAND tâm sự rằng, đón nhận chức danh cao nhất của nghề giáo, ông rất vui và thanh thản.

Có tâm thế thanh thản, theo cách nói dí dỏm của ông là vì cuộc đời ông là “một cuộc đời thi sát hạch” trước các hội đồng.

Chỉ riêng những bài thi, bài kiểm tra, những bài diễn thuyết của ông trước các hội đồng khoa học có khi lên đến hàng ngàn trang.

Nhưng ở đó cũng là bản lĩnh, trí tuệ và sự đam mê học hỏi, không ngừng cầu thị của Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Trung Thành. Nói về việc “nghề chọn người”, ông nhớ lại rằng, cuộc đời ông đúng là chỉ làm được nghề thầy giáo.

Thiếu tướng, GS.TS Bùi Trung Thành.

Ông không sinh ra trong một gia đình nhà giáo, bố mẹ ông chỉ làm nông thuần túy. Sau này, ông đi thi đại học, đăng ký vào 3 trường Sư phạm, Tổng hợp và Bách khoa, nhưng ông thi để mà thi vì lúc đó ông đã được chọn vào học trường Văn hóa Ngoại ngữ của Bộ Công an.

Ông yêu thích môi trường học ngoại ngữ, bản thân lại có khiếu học ngoại ngữ, thì bất ngờ ông lại được chọn sang học tại trường Công an Trung ương (C500) (khi đó, vì ông đã đỗ Sư phạm Thái Nguyên nên lãnh đạo Bộ chọn những học viên đã đỗ đại học dân sự sang học tại C500).

Ông đã trở thành sinh viên C500 như thế – một cái nôi đào tạo danh tiếng nhưng cũng đầy thử thách.

Đến giờ Thiếu tướng Bùi Trung Thành vẫn thầm cảm ơn những năm tháng học tập tại C500 với kỷ luật khắc nghiệt đã giúp ông rèn giũa bản lĩnh chính trị của một người lính, của một người thầy trong lực lượng.

Ông chiêm nghiệm ra rằng, môi trường càng khắc nghiệt thì con người càng trưởng thành. Bản lĩnh sẽ tạo ra sự kiên trì, có thế giới quan, nhân sinh quan đúng, không ngả nghiêng. Giàu bản lĩnh sẽ làm cho người thầy phải luôn phấn đấu, tự vượt qua những “kỳ sát hạch”.

Ông cảm ơn mái trường C500 đã giữ ông lại làm thầy giáo. Hơn 35 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy đại học và sau đại học, Giáo sư Bùi Trung Thành đã hướng dẫn chính 3 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và đang hướng dẫn 5 nghiên cứu sinh làm luận án tiến sỹ; đồng thời ông đã hướng dẫn 59 học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ.

Giáo sư còn chủ nhiệm 3 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 2 đề tài cấp sơ sở; tham gia nghiên cứu thành công 1 đề tài cấp Bộ, 1 đề tài nhánh cấp Nhà nước, trong đó có những vấn đề rất mới, lần đầu tiên được nghiên cứu trong lực lượng CAND.

Điển hình như đề tài cấp Bộ: “Bảo vệ an ninh kinh tế ở nước ta hiện nay – Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Đề tài này sau khi được nghiệm thu đã trở thành tài liệu dạy học quan trọng cho lực lượng bảo vệ An ninh kinh tế.

Ông tâm niệm, làm thầy ngoài bản lĩnh chính trị thì phải có thực tiễn. Dạy nghiệp vụ An ninh cho sinh viên CAND là dạy cái khôn, cái khéo nên thầy phải có thực tế thì mới truyền tải được lý luận vốn khô khan.

Muốn vậy, người thầy phải không ngừng đổi mới, cập nhật kiến thức, phải đào sâu suy nghĩ, đừng nghĩ đã làm thầy người khác thì không cần phải học. Có trình độ thì mới làm chủ được bài giảng, dạy cái sinh viên cần chứ không phải dạy cái thầy có.

Suy nghĩ về nghề thầy giáo, đặc biệt là thầy giáo trong lực lượng CAND với những đặc thù riêng, Thiếu tướng, Giáo sư.

Tiến sỹ Bùi Trung Thành chia sẻ, bất kỳ ở đâu cũng có niềm vui, có thể làm giàu, bất kể nghề nào cũng có vinh quang và nỗi buồn, nhưng với nghề thầy giáo thì anh không thể trở thành thầy tốt nếu như không biết phấn đấu, kiên tâm.

Làm nhà giáo trong lực lượng CAND càng cần phải kiên tâm, thắng không kiêu, bại không nản. Và phải không ngừng phấn đấu, cứ phấn đấu thì tổ chức sẽ biết, cứ yêu nghề, hết lòng vì nghề thì nghề sẽ “trả công”, sẽ không phụ.

Ông còn quan niệm, phải làm cho cái phức tạp trở nên đơn giản, làm cho người học dễ tiếp thu sau đó thầy mới tăng dần độ khó. Ngay cả học ngoại ngữ đối với sinh viên các trường CAND thì cũng nên bắt đầu từ nguyên lý này.

Vì quan niệm đó mà trong các công trình nghiên cứu, hướng dẫn học viên, thầy Thành bao giờ cũng “kết luận được vấn đề”, chỉ ra cho sinh viên cái họ làm được, cái họ không làm được.

Trăn trở của Giáo sư Bùi Trung Thành là hiện nay phương pháp nghiên cứu khoa học rất nhiều, nhưng sinh viên, học viên cao học ứng dụng vào nghiên cứu rất khó khăn, bởi chúng ta thiếu nghiên cứu chuyên sâu khái quát thành phương pháp, “cẩm nang”…

“Cuộc đời tôi chưa bao giờ mưu cầu điều gì ngoài sự tiến bộ của học trò”

Đại tá, Giáo sư, Tiến sỹ Đường Minh Giới, Trưởng khoa Sau Đại học và Bồi dưỡng nâng cao (Học viện Cảnh sát nhân dân) vinh dự là một trong bốn tân Giáo sư của lực lượng CAND vừa được nhận chức danh cao quý.

Ông chia sẻ với chúng tôi rằng, ông rất xúc động và tự hào, ông biết ơn Đảng và lực lượng CAND đã cho ông bao cơ hội để phấn đấu; cảm ơn nhà trường Học viện CSND là nơi đã thắp lửa đam mê cho ông từ thời sinh viên căng tràn khát vọng.

Hơn 32 năm đứng trên bục giảng cùng tham gia đào tạo 33 khóa sinh viên đại học, 18 khóa học viên cao học, với Giáo sư Đường Minh Giới đó là một cuộc sống “chất lượng”.

“Chất lượng” theo cắt nghĩa của ông là được thỏa sức cống hiến, thỏa sức nghiên cứu khoa học, miệt mài với giáo án, bài giảng và không ngừng đổi mới sáng tạo về phương pháp để cho ra lò những “mẻ thép” vừa giàu bản lĩnh, vừa tinh thông nghiệp vụ.

“Chất lượng” theo quan niệm của ông là được thấy học trò của mình ở mọi miền đất nước thành đạt, khi trở về thăm thầy họ đã mang chức danh, bậc hàm cao hơn.

Với Giáo sư Đường Minh Giới, hạnh phúc lớn nhất của nghề thầy giáo là được nhìn thấy sự tiến bộ của học trò. “Cuộc đời tôi luôn đặt mục tiêu phấn đấu và chưa bao giờ mưu cầu điều gì ngoài sự tiến bộ của học trò” – tân Giáo sư chia sẻ.

Đại tá, GS. TS Đường Minh Giới trong một giờ lên lớp.

Nhưng ở sâu trong tâm khảm của Giáo sư Đường Minh Giới còn có một niềm hạnh phúc là ông đã viết tiếp được truyền thống nhà giáo của gia đình mình.

Bố ông – cụ Đường Minh Thắng, một nhà giáo trường làng 67 năm tuổi Đảng, một chiến sỹ Cộng sản kiên trung, xung kích trên mặt trận chống giặc dốt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1948.

Chú ruột của Giáo sư Đường Minh Giới là cụ Đường Minh Tỵ cũng là một thầy giáo nổi tiếng (cụ Đường Minh Tỵ là cha đẻ của Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an – PV)…

Nhắc đến bố, đến người chú kính yêu, Giáo sư Đường Minh Giới thấy lòng xúc động da diết, kỷ niệm gia đình lại trở về êm dịu.

Dù chỉ là thầy giáo trường làng, dạy cấp 1 nhưng năm nào “ông đồ làng” cũng soạn lại giáo án, tự tay viết lại những trang giáo án mới vì ông quan niệm, có soạn lại giáo án thì mới biết chỗ nào thiếu còn sửa, còn bù đắp.

Giáo sư Đường Minh Giới đến giờ vẫn run run, mắt rơi lệ khi nhớ lại hình ảnh bố ngày nào cũng đến nhà những em học sinh yếu kém kèm cặp, ông kèm cho đến khi em đó đạt lên lớp thì thôi.

Nhà nghèo, cậu bé Đường Minh Giới ngày đó đến trường chỉ được ăn rau cháo, củ chuối, thậm chí còn ăn cả cám nấu, nhưng cậu luôn nhớ lời bố dặn là có nghèo mấy thì cũng phải giữ cái tâm trong sáng…

Tất cả những ký ức, kỷ niệm đó như một chất men say ngọt ngào cứ ngấm dần, ngấm dần vào học trò nghèo Đường Minh Giới.

Sau này, khi đã trở thành thầy giáo trong lực lượng CAND, ông càng sâu sắc nhận ra rằng, làm thầy là phải thương yêu học trò, không làm khó học trò sẽ khích lệ học trò học tốt hơn.

Giáo sư Đường Minh Giới đã noi gương cha, chú mình, nhưng ông cũng đã nêu gương tốt bằng một cái tâm trong sáng, bằng một thái độ sống an hòa, bao dung, vị tha.

Sống an hòa nhưng trong công việc chuyên môn ông lại vô cùng quyết liệt, say mê nghiên cứu để không ngừng đổi mới chính bản thân mình, đáp ứng công việc đào tạo ở trình độ cao.

Đại tá, Giáo sư, Tiến sỹ Đường Minh Giới cho hay, ngay từ khi mới vào lực lượng CAND cho đến nay, suốt quá trình học tập, nghiên cứu, giảng dạy, ông luôn trăn trở và quan tâm lựa chọn đầu tư nghiên cứu tổng kết về những vấn đề có tính quy luật trong diễn biến, phương thức, thủ đoạn, đặc biệt là những thủ đoạn mới của tội phạm.

Ông đã tham gia nghiên cứu, tổng kết góp phần phát triển những vấn đề lý luận về chiến lược, sách lược, về lực lượng, phương tiện, biện pháp trong công tác đấu tranh chống tội phạm, trong đó trọng tâm ông nghiên cứu, phát triển về Khoa học hình sự Việt Nam, tội phạm học Việt Nam, lý luận nghiệp vụ CAND Việt Nam.

Bên cạnh đó, Giáo sư Đường Minh Giới còn nghiên cứu huy động các nguồn lực, đặc biệt là các lực lượng xã hội trong công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

.
.