Trăn trở cùng ngư dân

Thứ Năm, 07/04/2016, 08:24
Cuối tháng 3/2016, cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Nam Triệu nhận được bản photo copy một bài báo phản ánh hai tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 bị ngư dân trả lại nhà sản xuất vì nhiều lỗi; hai tàu cá này được đóng bởi một Công ty tại Nha Trang.

Cuối tháng 3/2016, cán bộ, công nhân viên Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật; đơn vị duy nhất của Bộ Công an có chức năng đóng xuồng, tàu có tải trọng đến 5.000 tấn) nhận được bản photo copy một bài báo phản ánh hai tàu cá vỏ thép Hoàng Anh 01 và Sang Fish 01 bị ngư dân trả lại nhà sản xuất vì nhiều lỗi; hai tàu cá này được đóng bởi một Công ty tại Nha Trang. 

Kèm theo bản photo bài báo có dòng chữ: “Đọc để rút kinh nghiệm”. Người photo và gửi bài báo đó là Đại tá Đặng Ngọc Oanh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Nam Triệu.

Đại tá Đặng Ngọc Oanh kiểm tra một con tàu đang được đóng mới theo Nghị định 67/CP.

Khi chúng tôi hỏi Đại tá Đặng Ngọc Oanh về việc này, ông cho biết: “Hôm tôi đi máy bay vào TP Hồ Chí Minh, trên chuyến bay có phát miễn phí một số tờ báo; đọc đến bài này, tôi rất buồn và đem về photo gửi cho anh em trong Công ty Nam Triệu đọc để rút kinh nghiệm”.

Là người có thâm niên trong nghề đóng tàu, xuồng, ông Oanh phân tích về những lỗi thiết kế, thi công hai con tàu trên: Đó là những con tàu đóng theo thiết kế cũ không bám sát nhu cầu và thực tế hoạt động của ngư dân. Tàu lắp máy kém chất lượng nên hay hỏng hóc. Cần cẩu và mạn tàu có nhiều điểm không hợp lí nên khi kéo lưới lên khoang, cá bị rơi ra phía ngoài mạn tàu. Những lỗi này khiến ngư dân bị thua lỗ sau mỗi chuyến đi biển và buộc phải trả lại tàu. 

Được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Nam Triệu từ tháng 5/2000, Đại tá Đặng Ngọc Oanh đã có gần 20 năm gắn bó với cán bộ, công nhân viên công ty. Ngày ông về Nam Triệu, doanh nghiệp này đang ở thời điểm chồng chất khó khăn, thiếu vốn, máy móc, thiết bị lạc hậu và đặc biệt là thiếu cán bộ giỏi, công nhân lành nghề.

Tàu hậu cần nghề cá Trường Hải 09 được Công ty Nam Triệu hạ thủy (tháng 12/2015).

Với bản lĩnh của người cán bộ Công an và sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám, ông đã cùng ban lãnh đạo công ty quyết liệt chỉ đạo, điều hành đưa công ty vượt qua khó khăn, làm ăn ngày càng hiệu quả. Trước đây Công ty chỉ có 2 ngành nghề thì nay đã đa dạng hóa từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ với chức năng đóng mới, sửa chữa tàu, xuồng; sản xuất biển xe cơ giới và biển báo giao thông đường bộ; kinh doanh xăng dầu ga hóa lỏng; xây dựng các công trình, san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật…

Hiện nay, Công ty Nam Triệu là doanh nghiệp hàng đầu của Bộ Công an vừa phục vụ tốt công tác, chiến đấu, vừa tham gia thị trường phục vụ dân sinh.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, một cán bộ của Công ty hiện đang nghỉ chờ hưu, là người đã có nhiều năm gắn bó và chứng kiến những thăng trầm của Công ty Nam Triệu, tâm sự: “Hồi trước, Công ty khó khăn lắm. Công nhân ít việc làm, đời sống bấp bênh...

Khi lãnh đạo Công ty mở rộng sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đóng xuồng, tàu, sản xuất biển số phương tiện và biển báo giao thông thì việc làm có đều, đời sống và thu nhập của chúng tôi ổn định”.

Thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an về đóng tàu vỏ sắt giúp ngư dân vươn khơi bám biển, đến nay Công ty Nam Triệu đã ký được gần 50 hợp đồng đóng tàu. Đây là con số rất có ý nghĩa, bởi 48 con tàu được đóng với giá mỗi tàu trên dưới 20 tỷ (xấp xỉ 1 triệu USD).

Để giành được sự tín nhiệm của ngư dân, sự tin tưởng của ngân hàng khi “mở hầu bao”, đích thân Đại tá Đặng Ngọc Oanh đã có nhiều chuyến đi ba cùng với ngư dân các tỉnh miền Trung. Đại tá Oanh tâm sự: “Phải nắm bắt được nhu cầu thực tế, tập quán đánh bắt của ngư dân.

Ngoài tôi, còn nhiều lãnh đạo Công ty, trong đó 1 đồng chí phó giám đốc có 6 tháng thực hiện “ba cùng” với ngư dân. Mỗi con tàu trước khi hoàn thiện bản thiết kế đều có sự góp ý, chỉnh sửa theo yêu cầu hợp lí của ngư dân. Quá trình thi công, đóng tàu, chúng tôi bảo đảm tuyệt đối yêu cầu về kết cấu, độ bền, còn ngư dân (chủ của tàu theo hợp đồng đã kí) được giám sát và yêu cầu chỉnh sửa để khi đưa vào khai thác, con tàu phát huy tốt nhất hiệu quả.

Phần ngư lưới cụ, ngư dân tự tìm mua và công ty thanh toán theo thỏa thuận nhằm giúp bà con chủ động và phù hợp với nhu cầu thực tế đánh bắt trên biển. Đến nay, hầu hết ngư dân đồng ý với bản thiết kế mẫu tàu năm 2015. Riêng huyện Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), chúng tôi kí được 20 tàu, dự kiến trong tháng 4 và tháng 5/2016 này sẽ hoàn hành và bàn giao được 11 tàu”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Nghị định 67/CP quy định rất rõ về chủng loại thiết bị, máy móc, vật tư đóng tàu. Tàu cá và tàu hậu cần nghề cá đóng theo Nghị định 67 tại Công ty Nam Triệu đều sử dụng sắt thép của Nhật Bản, Hàn Quốc; máy mới nhập nguyên chiếc của Nhật.

Sau khi hạ thủy, tàu được các chuyên gia từ Nhật sang căn chỉnh, chạy thử đảm bảo vận hành tốt mới bàn giao cho ngư dân. Theo hợp đồng, nếu máy móc trục trặc ở thời điểm chạy thử, phía Nhật Bản sẽ thay mới miễn phí toàn bộ... 

Một trong những con tàu mới được Công ty Nam Triệu hạ thủy (tháng 12/2015) là tàu hậu cần nghề cá Trường Hải 09 của ông Nguyễn Xiêm (ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ tàu). Tàu Trường Hải 09  có chiều dài 34,86m; chiều rộng 7,2m; chiều cao mạn 3,5m; thuyền viên 12 người; công suất máy 940/BHP/701 KW, máy của hãng Mitshubishi, Nhật Bản; trọng tải tàu là 275 tấn…

Hôm con tàu được hạ thủy, ông Nguyễn Xiêm tần ngần ngắm chiếc chân vịt bằng đồng sáng choang rồi xúc động nói với chúng tôi: “Có con tàu này, thời gian đi biển của anh em tôi sẽ dài hơn. Tàu lớn để chứa nước ngọt, đá, dầu và ngăn lạnh chứa cá cung cấp cho các tàu cá đánh bắt cá trên biển. Người dân Lý Sơn chúng tôi có nghề truyền thống là trồng tỏi và đi biển. Được vay vốn đóng con tàu vỏ sắt này, chúng tôi thêm tự tin và quyết tâm vươn khơi bám biển”… 

Sáng 6/4, trao đổi với PV qua điện thoại, ông Xiêm khoe: “Tàu Trường Hải 09 của tôi đang neo tại đảo Lý Sơn để hoàn thiện nốt một số trang bị. Tôi hài lòng về con tàu, máy khỏe, thiết kế phù hợp”.

An Khang – Nhật Quang
.
.