Từ "Công an mới" đến chiến khu Việt Bắc

Thứ Hai, 31/10/2016, 10:18
Trải qua 70 năm, từ một ấn phẩm non trẻ ban đầu ấy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên, Báo CAND đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc trên mọi phương diện, xứng đáng là cơ quan của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an cũng như niềm tin yêu kỳ vọng của bạn đọc...


Thư chúc mừng

Hà Nội, ngày 26 tháng 10 năm 2016

Các đồng chí thân mến!

Nhân kỷ niệm 70 năm Báo Công an nhân dân phát hành số đầu (1-11-1946 - 1-11-2016), tôi thân ái gửi tới các thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên, công nhân viên và cộng tác viên Báo Công an nhân dân lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Trong suốt 70 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, cùng với báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Công an nhân dân ngày càng lớn mạnh về mọi mặt, từ một bản tin nội bộ nay đã trở thành một tờ nhật báo được đông đảo độc giả trong và ngoài nước yêu mến. Báo đã tuyên truyền có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phản ánh sinh động thực tiễn công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân. Cùng với việc chủ động phát hiện, cổ vũ gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự, đã chú trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận trong xã hội, giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đặc biệt, Báo Công an nhân dân còn là cầu nối giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân, đã chủ động kết nối các cơ quan, doanh nghiệp, nhà hảo tâm với người nghèo, qua đó phát huy truyền thống tương thân, tương ái cao đẹp của dân tộc, nối nhịp cầu nhân ái giữa lực lượng Công an với nhân dân bằng những việc làm thiết thực, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, biên tập viên, phóng viên, công nhân viên Báo Công an nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân, tích cực học tập và làm theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giữ vững “tâm sáng, bút sắc”, thực sự là lực lượng tiên phong, xung kích trên mặt trận chính trị, văn hóa, tư tưởng, phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an nhân dân.

Tôi tin tưởng và mong muốn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Báo Công an nhân dân sẽ lập được nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

                                           Chào thân ái và quyết thắng!

Đại tướng TRẦN ĐẠI QUANG

CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XHCN VIỆT NAM


Cách đây 70 năm, ngày 1-11-1946, tại nhà số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, Báo Công an mới - tiền thân của Báo Công an nhân dân ngày nay chính thức phát hành số đầu tiên.

Trải qua 70 năm, từ một ấn phẩm non trẻ ban đầu ấy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và lực lượng Công an, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, phóng viên, công nhân viên, Báo CAND đã có những bước trưởng thành, phát triển vượt bậc trên mọi phương diện, xứng đáng là cơ quan của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an cũng như niềm tin yêu kỳ vọng của bạn đọc.

Ngày 19-8-1945, Cách mạng tháng Tám thành công, lực lượng CAND Việt Nam ra đời cùng với chính quyền cách mạng. Tổ chức bộ máy Công an sau khi ra đời chưa thống nhất thành một lực lượng. Trình độ chính trị và nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên công an nói chung còn hạn chế. Thù trong, giặc ngoài câu kết nhau, tìm mọi cách thực hiện âm mưu chống phá nhằm lật đổ chính quyền cách mạng. Chính quyền non trẻ của ta khi đó trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc".

Đại tướng Mai Chí Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thăm, làm việc với Báo CAND (năm 1989).

Ngày 21-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 23/SL hợp nhất các Sở Cảnh sát, Liêm phóng thành Việt Nam Công an vụ. Ở Trung ương có Nha Công an Việt Nam, ở các thành phố có Sở Công an, các tỉnh có Ty Công an. Sự kiện này tạo cho lực lượng CAND Việt Nam sức mạnh tổng hợp để bảo vệ chính quyền cách mạng, trấn áp mọi hoạt động phản cách mạng của kẻ thù.

Công tác tuyên truyền trên mặt trận giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn này là một vấn đề cấp thiết, đòi hỏi lực lượng Công an Việt Nam phải sớm thành lập một cơ quan ngôn luận công khai để giải quyết.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Tài (1926-2016), Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) là một trong những người sáng lập ra tờ Công an mới. Sinh hoạt trong tổ chức Đoàn Công an cứu quốc, thoạt đầu ông và các cộng sự coi việc ra báo như việc của Đoàn chứ không phải của lực lượng Công an.

Khi giấy phép Báo Công an mới đã được Sở Kiểm duyệt Bắc Bộ cấp, do ông đứng tên (với danh nghĩa Bí thư Đoàn Công an cứu quốc), đồng chí Lê Giản (1913-2003) - Giám đốc Việt Nam Công an vụ lúc bấy giờ - đã hỏi ông về nội dung, về người viết, về việc quản lý...

Sau khi nắm rõ tình hình nhân lực, vật lực, đồng chí Lê Giản kết luận: Với giấy phép đã được cấp, nên để Nha Công an lo việc này. 

Chỉ sau 3 tháng chuẩn bị, ngày 1-11-1946, tờ Công an mới số 1 chính thức ra mắt bạn đọc, bán rộng rãi trên toàn quốc với tư cách là tờ báo của lực lượng Công an, đặt dưới sự chỉ đạo, phụ trách của Nha Công an Việt Nam.

Tòa soạn Báo Công an mới đặt tại nhà số 11 phố Trần Bình Trọng, Hà Nội, là cơ quan của Bộ Công an bây giờ. Công an mới ra 1 tháng 2 số, vào ngày 1 và 15. Số 1 dày 16 trang; từ số 2 tăng lên 20 trang, khuôn khổ 20x25cm, bìa in màu. Số lượng phát hành trong 3 số đầu là 3.000 bản/kỳ. Số 4 in 5.000 bản nhưng chưa kịp phát hành.

Tuy mới ra được 3 số thì cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ vào đêm 19-12-1946 nhưng Công an mới đã thực hiện xuất sắc vai trò của người chiến sĩ xung kích trên mặt trận chính trị tư tưởng của Đảng, của lực lượng Công an trong thời kỳ mới thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), Nha Công an Việt Nam và các cơ quan khác của Chính phủ đã phải di chuyển lên Việt Bắc để cùng toàn quân, toàn dân làm cuộc kháng chiến trường kỳ.

Năm 1947, đi đôi với việc di chuyển cơ quan, ổn định nơi đóng cơ quan tại khu căn cứ địa Việt Bắc, Nha Công an Việt Nam phải tập trung thực hiện công tác bảo vệ công cuộc kháng chiến, chống âm mưu địch lập chính phủ bù nhìn, chống phá cách mạng. Đi đôi với công tác bảo vệ, đấu tranh chống địch thì công tác huấn luyện nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ công an là một yêu cầu cấp bách.
Đồng chí Lê Minh Hương, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thăm gian trưng bày báo chí CAND tại Hội Báo Xuân Đinh Sửu (1997).

Nha Công an Việt Nam đã phát động phong trào thi đua lập công phá tề, trừ gian. Tiếp đó, sang đầu năm 1948, Nha Công an Việt Nam phát động phong trào "Luyện cán bộ, lập chiến công". Phong trào này mang đầy đủ hai nội dung vừa xây dựng lực lượng, vừa chiến đấu và công tác, đã thôi thúc Nha Công an Việt Nam xúc tiến việc ra tờ báo nội bộ để phục vụ huấn luyện, giáo dục cán bộ, chiến sĩ công an và động viên khí thế lập công trên mọi lĩnh vực hoạt động của lực lượng Công an.

Bằng sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thử thách trong hoàn cảnh kháng chiến, Nha Công an Việt Nam đã tiếp tục công việc xuất bản báo, trước mắt là xuất bản Nội san Rèn luyện. Số 1 Rèn luyện ra đời trong hoàn cảnh thật nghèo nàn về cơ sở vật chất, kỹ thuật.

“Vốn liếng” của Rèn luyện lúc đó chỉ là trí tuệ, là nhiệt tình cách mạng và lòng yêu nghề của nhóm cán bộ được đồng chí Lê Giản chọn lọc, tập hợp giao nhiệm vụ làm báo theo chế độ bán chuyên trách. Trong nhóm này có non nửa số cán bộ từng làm Báo Công an mới. 

Chỉ sau vài tuần tích cực tổ chức, đúng ngày 21-2-1948 - ngày kỷ niệm lần thứ 2 thành lập Việt Nam Công an vụ, Nội san Rèn luyện với dáng dấp khiêm tốn đã ra số đầu tiên tại căn cứ địa Việt Bắc. Bốn tháng đầu (từ số 1 đến số 4 - ra mỗi tháng 1 số), Rèn luyện phải nhân bản bằng máy chữ không có dấu tiếng Việt. Đánh máy xong phải đánh dấu bằng bút viết tay và kẻ tít, vẽ tranh mỗi lần được 1 “táp” 5 tờ. Tên báo được viết bằng thuốc đỏ của y tế.

Tuy là tờ báo của lực lượng Công an, nhưng vì nhân bản bằng máy chữ nên số lượng phát hành của Rèn luyện còn hạn chế (4 số đầu mỗi số chỉ vài chục bản), phạm vi phát hành rất hẹp. Để khắc phục, Nha Công an Việt Nam (lúc này đã đổi tên thành Nha Công an Trung ương; tên gọi Việt Nam Công an vụ cũng không còn được sử dụng) đã gửi công văn cho những nơi nhận Nội san Rèn luyện, chỉ đạo việc tổ chức đọc và bảo quản nội san một cách khoa học, sao cho việc truyền tay nhau đọc được nhiều hơn.

Từ số 5 (21-6-1948), Nha Công an đã xuất bản Rèn luyện bằng cách in đá, chấm dứt thời kỳ nhân bản bằng máy chữ. Số lượng in nhờ đó đã nâng lên 200 rồi 500 bản mỗi kỳ. Rèn luyện đã phát hành đến khắp các Khu, Sở, Ty Công an, vào đến cả Sở Công an Nam Bộ.

Tháng 1-1950, Nha Công an Trung ương tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 5. Hội nghị đã thông qua đề án xây dựng CAND Việt Nam và chương trình công tác phục vụ giai đoạn mới của cuộc kháng chiến - giai đoạn chuẩn bị tổng phản công.

Sau hội nghị này, bộ máy tổ chức của Rèn luyện được tăng cường. Nha Công an đã thành lập Bộ Biên tập Rèn luyện gồm 19 người, trong đó có một số cán bộ lãnh đạo ở Nha Công an, một vài Khu, Sở Công an và một số cán bộ có trình độ năng lực làm báo.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an trao Cờ Thi đua của Chính phủ tặng Báo CAND (tháng 1-2007).

Nha Công an Trung ương bấy giờ trực thuộc Bộ Nội vụ nên đứng đầu Bộ Biên tập Nội san Rèn luyện là đồng chí Trần Duy Hưng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Chủ nhiệm Báo là đồng chí Lê Giản. Đồng chí Đào Văn Bảo làm chủ bút. Trợ bút là các đồng chí: Hoàng Mai, Khúc Huề, Nguyễn Hữu Mỹ.

Đồng chí Mạc Kính Huyền (tức Vũ Đức Nghiêm), nguyên Trưởng ty Công an Bắc Ninh về Nha Công an làm cán bộ nghiên cứu kiêm Thư ký Tòa soạn. Sau đó 4 tháng, đồng chí Mai Khôi từ Cục Tình báo, Bộ Quốc phòng chuyển sang Nha Công an làm Thư ký tòa soạn thay đồng chí Mạc Kính Huyền.

Tháng 2-1951, đúng ngày Rèn luyện tròn 3 năm, Rèn luyện đã bắt đầu được in bằng máy in typô. Số lượng in đã nâng lên 1.200 rồi 1.500 bản mỗi kỳ. Rèn luyện đã đến tay cán bộ, chiến sĩ công an ở các đồn, trạm.

Thời gian này, Bộ Nội vụ đã ra quyết định công nhận Nội san Rèn luyện là "Cơ quan nghiên cứu kỹ thuật, huấn luyện, giáo dục cán bộ và hướng dẫn công tác công an, là tờ báo chính thức của lực lượng Công an".

Ngày 16-2-1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141/SL đổi Nha Công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an. Đến tháng 8-1953, Hội đồng Chính phủ quyết định đổi Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đồng chí Trần Quốc Hoàn, Ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức Bộ trưởng.

Về mặt tổ chức, Rèn luyện đã được cải tổ lại sau khi Bộ tiến hành xong đợt giản chính nội bộ, cải tiến tổ chức. Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn trực tiếp lãnh đạo Nội san Rèn luyện. Giúp việc cho đồng chí Bộ trưởng về quản lý công tác xuất bản nội san là các đồng chí: Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Minh Tiến, Viễn Chi. Đồng chí Hoàng Mai trực tiếp phụ trách các công việc của Ban Biên tập và Tòa soạn.

Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, lãnh đạo Tổng cục Chính trị CAND và cán bộ, phóng viên Báo CAND. (Tháng 10-2013). Ảnh: Trang Dũng

Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, Rèn luyện đã kịp thời chuyển hướng tuyên truyền, phục vụ tích cực nhiệm vụ chính trị của lực lượng Công an trong giai đoạn mới của Cách mạng. Khi về tiếp quản Thủ đô, đích thân đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã sang Nhà máy in Tiến Bộ xin về chiếc máy in Tứ Khai còn mới nguyên, chạy điện để in Rèn luyện và các tài liệu mật của Bộ. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của đồng chí Bộ trưởng đối với các ấn phẩm báo chí của Lực lượng Công an. Nhờ đó, Nội san Rèn luyện cũng được in đẹp hơn, số lượng tăng và phần trình bày đã có nhiều tiến bộ hơn trước.

Ra đời trong những hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” thiếu thốn đủ thứ, tuy nhiên ngay từ những số đầu tiên của tờ Công an mới, dáng dấp của một tờ báo chính thức của lực lượng Công an đã được định hình và khẳng định.

Nội dung “Công an mới” số đầu tiên

Trong lời ra mắt bạn đọc dưới đầu đề “Mới”, hồi đó số báo đầu tiên của “Công an mới” viết: “…Để phổ cập trong quần chúng tinh thần mới của Công an, để thắt chặt tình liên hệ giữa anh em cùng một ngành hoạt động trong toàn quốc, Ủy ban viên chức Sở Công an Bắc Kỳ cho xuất bản tờ “Công an mới”.

Mặc dù mới ra đời, mọi cái đều mới mẻ nhưng ngay từ những số đầu “Công an mới” đã có những mục điều tra phóng sự, tường thuật vụ án theo tài liệu xác thực gợi tò mò của độc giả, phổ cập những thường thức về các vấn đề xã hội, luật pháp, chuyên nghiệp của Công an…”.

Nội dung của nó rất đa dạng, có tin trong nước, chẳng hạn tin Hồ Chủ tịch đến thăm trường huấn luyện Công an trung cấp ngày 23-10-1946, tin về cuộc lạc quyên trong Công an để giúp đỡ đồng bào Lạng Sơn, Hồng Gai, Bắc Ninh bị nạn do quân Pháp gây ra, tin về phong trào làm thêm trợ giúp nước của cán bộ công nhân Hà Nội, tin về cuộc phỏng vấn cấp tốc của phóng viên Báo “Công an mới” đối với nhiều tầng lớp xã hội ở Hà Nội, Hải Phòng, ở Nam Trung Bộ về hoạt động của lực lượng Công an…

Mảng khoa học nghiệp vụ tuy chưa hình thành hẳn một chuyên mục nhất định, nhưng là phần rất đáng quan tâm. Ở đây có bài về dấu vết vân tay (điểm chỉ), về nhận dạng, các bài viết về thư nặc danh, về hỏi cung, về căn cước. Rồi còn cả bài viết về luật pháp, về lệnh giới nghiêm, thiết quân luật.

Trong mục “những điều thông thường cần biết”, tác giả Phan Mạnh Hân đề cập đến khía cạnh pháp luật của công tác điều tra, lập biên bản và xử lý tài liệu... Trong “Công an mới” có lẽ thu hút bạn đọc hơn cả là chiến công khám phá các vụ án như “con quỷ xanh” hoặc “cuộc thử gươm giữa hai ban do thám Nhật – Mỹ”.

Trong các vụ án mà “Công an mới” đã tường thuật, có lẽ lớn nhất là vụ “Ôn Như Hầu”. Vụ này xảy ra tại số nhà 7 phố Ôn Như Hầu (nay là phố Nguyễn Gia Thiều), được phát hiện và khám phá từ ngày 12-7-1946.

Tại đây, bọn “Quốc dân đảng” giả danh cách mạng đã tổ chức in bạc giả để phá hoại nền kinh tế của ta. Đây cũng là nơi bọn phản động bắt cóc để tống tiền và giết hại nhiều người rồi quăng xác xuống hồ Thiền Quang hoặc chôn ngay ở trong vườn.

Lực lượng Công an đã thu được nhiều dụng cụ tra tấn như máy phát điện, kìm búa, đã kịp thời giải thoát cho một số người mà bọn phản động đã bắc cóc, nhưng chưa kịp thủ tiêu. Vụ án này được khám phá, đã đánh dấu một bước trưởng thành mau lẹ của lực lượng CAND.

Báo “Công an mới” số 2 ra ngày 15-11-1946, thì ngày 16-11-1946, quân đội Pháp gây hấn, đánh chiếm một số nơi ở Hải Phòng và khủng bố dã man đồng bào ta ở Lạng Sơn. Báo số 3 ra ngày 1-12-1946 thì từ 7 đến 15-12-1946, quân Pháp liên tục quấy rối, tiến công ta ở Tiên Yên, Đình Lập (thuộc Quảng Ninh ngày nay) và khiêu khích quân sự ở Hải Phòng.

Sau đó từ 15-12-1946 đến 19-12-1946, quân đội Pháp đã liên tiếp gây ra 4 vụ thảm sát đồng bào ta ở phố Hàng Bún và phố Yên Ninh rồi trắng trợn đánh chiếm Bộ Tài chính của ta. Chính vì chiến sự xảy ra nên số 4 số báo “Công an mới” đã không phát hành được. Ban lãnh đạo Báo “Công an mới” sau đó đã được lệnh rời Thủ đô để lên chiến khu Việt Bắc chuẩn bị xuất bản tờ Báo Công an nhân dân mới mang tên “Rèn luyện”.

Ra đời trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài, lại phải chiến đấu trong những hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo đó quả là một cố gắng phi thường của Nha Công an Trung ương, của Sở Công an Bắc Bộ và của cả tập thể ban lãnh đạo Báo “Công an mới”.

KH (S.T)

Xuân Luận (lược ghi)
.
.