Lá chắn giữ bình yên vùng cao

Thứ Sáu, 28/01/2022, 15:01

Để ngăn chặn tình trạng phụ nữ mang thai vượt biên trái phép sang bên kia biên giới sinh con rồi bán, Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã có sáng kiến phân công mỗi đồng chí Công an chính quy bám từng nhà để theo dõi, quan tâm và động viên sản phụ trong thời gian mang thai.

Kiên trì với cách làm này, gần đây nạn mua bán bào thai trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đang dần chấm dứt. Đồng nghĩa với việc, Tết này những đứa trẻ sinh ra được đón chào năm mới bên chính người mẹ của mình. 

Cán bộ bám bà bầu ở miền biên viễn

Cứ đều đặn 2 ngày một lần, kể từ khi nhận nhiệm vụ quan tâm, giám sát các bà bầu ở 3 bản nhức nhối nhất về tệ nạn mua bán người, mua bán bào thai của xã là Huồi Thợ, Đỉnh Sơn 1 và Đỉnh Sơn 2, Thiếu úy Chích Văn Phươn, cán bộ Công an xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lại thoăn thoắt rảo bước chân hướng về với bản.

DBCAND16-Lá chắn giữ bình yên vùng cao -0
Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) được phân công “bám” một bà bầu trên địa bàn để ngăn tình trạng bán bào thai qua biên giới.

Phươn không bao giờ rảnh tay, ngoài cặp tài liệu cùng cuốn sổ ghi chép và bản cam kết luôn thường trực, lúc thì anh mua túi kẹo, khi thì hộp sữa để động viên những mẹ bầu đang chuẩn bị vượt cạn, hoặc những đứa trẻ mới sinh ra đang đói ăn, thiếu sữa. “Những bản này em phụ trách, đều là 100% đồng bào dân tộc Khơ Mú, cuộc sống khó khăn lắm. Em cũng là người của bản, là con em Khơ Mú nên rất thấu hiểu”, Thiếu úy Phươn vừa đi vừa chia sẻ.

Theo hồ sơ quản lý, tính đến thời điểm này bản Huồi Thợ có 14 phụ nữ đang mang thai, nằm trong diện theo dõi đặc biệt của cơ quan Công an. Tính chung địa bàn toàn xã Hữu Kiệm là hơn 100 người. Từ trước đến nay, cùng với Chiêu Lưu thì Hữu Kiệm là 1 trong 2 điểm nóng” về mua bán người, bán bào thai của huyện biên giới Kỳ Sơn. Chỉ tính riêng từ năm 2018 đến nay, toàn xã xảy ra 29 trường hợp bán bào thai và 7 vụ, 8 đối tượng liên quan đến mua bán người.

Con số này của toàn huyện Kỳ Sơn là 15 vụ việc với 26 đối tượng liên quan. Cũng tại thời điểm này, toàn huyện có 39 đối tượng có tiền án về tội mua bán người, trong đó 3 trường hợp đang trốn truy nã về tội danh này đã đặt ra không ít thách thức, khó khăn cho lực lượng chức năng trong nỗ lực ngăn chặn.

Trở lại với câu chuyện bám bản, bám các bà bầu của Trung úy Chích Văn Phươn. Một ngày theo chân Phươn về với bản Huồi Thợ, chúng tôi đã ngộ ra được những cách làm sáng tạo, độc đáo của Công an Kỳ Sơn trong nỗ lực ngăn chặn tệ nạn mua bán người, bán bào thai qua biên giới ở huyện miền biên viễn này.

Sau khi cẩn trọng rà soát lại danh sách, phát hiện trường hợp của Xeo Thị Nhi (17 tuổi), trú tại bản Đỉnh Sơn 2 mang thai nhưng chưa ký cam kết không mua bán người, bán bào thai và xuất cảnh trái phép, Thiếu úy Phươn đã vội vàng vượt núi, tìm đến tận nhà của bà bầu này và sau quá trình làm công tác tư tưởng, kết hợp tuyên truyền, phổ  biến pháp luật, Xeo Thị Nhi đã vui vẻ ký vào bản cam kết.

Trong quá trình đó, nhận được tin báo tố giác tội phạm từ quần chúng nhân dân về việc có trường hợp Moong Thị Thơ (SN 2000), vừa từ Trung Quốc trở về địa phương. Thiếu úy Phươn đã ngay lập tức rời bản Đỉnh Sơn 2 để đến bản Đỉnh Sơn 1, nơi Thơ đang tá túc để nắm tình hình.

Theo lời kể của Thơ, hơn 10 năm trước, thiếu nữ này bị 2 người phụ nữ trong xã lừa bán qua biên giới, sau đó làm vợ của một người đàn ông bản địa. Suốt từng ấy năm, Thơ có cuộc sống khá êm đềm nơi xứ người. Chuyến hồi hương này, mục đích chính là về thăm quê hương bản xứ rồi sẽ trở về bên kia để sinh sống.

“Ngoài việc tiếp cận nắm tình hình, yêu cầu ký cam kết, cơ quan Công an cũng sẽ làm rõ những lời khai ban đầu của đối tượng này”, Phươn giải thích.

Những việc làm như thế của Thiếu úy Chích Văn Phươn cũng là mẫu số chung của nhiều đồng chí Công an chính quy về xã khác trên địa bàn huyện Kỳ Sơn nói riêng, các huyện miền núi, biên giới của miền Tây Nghệ An nói riêng. Nhiệm vụ ngoài hồ sơ, nhưng các anh chị vẫn hoàn thành nhiệm vụ với thái độ niềm nở, ân cần và coi đây là việc nên làm, dù không ít lần có những sự việc phát sinh ngoài kế hoạch công tác.

Nỗ lực vì sự bình yên

Thiếu tá Nguyễn Văn Trường, Trưởng Công an xã Hữu Kiệm cho biết: Thủ đoạn của loại tội phạm này, trước đây chủ yếu thông qua những người đã từng đi Trung Quốc, trong đó có những trường hợp đã từng là nạn nhân, về địa bàn để tìm hiểu, làm quen với các chị em phụ nữ, trẻ vị thành niên nhẹ dạ, phụ nữ mang thai có hoàn cảnh khó khăn để thỏa thuận sang bên kia biên giới bán. Gần đây, tinh vi hơn, các đối tượng sử dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Wechat… để liên lạc, móc nối, dụ dỗ và trao đổi phương thức, cách thức vượt biên.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tội phạm này, trong những năm qua, Công an huyện Kỳ Sơn đã có những giải pháp quyết liệt, đồng bộ để đẩy lùi, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Trong đó, công tác tuyên truyền được xem là mũi nhọn, tùy theo điều kiện từng địa bàn và tình hình dịch giã từng thời điểm mà tiến hành tuyên truyền tập trung hay tuyên truyền cá biệt.

Những ngày này, đi đến bất cứ thôn, bản nào của các xã trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, cũng dễ dàng nhận ra, có rất nhiều băng rôn, áp phích tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người được phổ biến rộng rãi, đặc biệt là ở những địa bàn tập trung người đồng bào dân tộc Khơ Mú. Một số xã trên địa bàn, Ban Công an đã xây dựng các bài tuyên truyền để phát trên phương tiện truyền thông, đều đặn với thời lượng 3 lần mỗi tuần.

Đồng thời, phối hợp tổ chức ký cam kết không tham gia mua bán người, mua bán bào thai đối với số phụ nữ đang mang thai và các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Song song với việc tập trung đấu tranh mạnh với tội phạm mua bán người, Công an huyện Kỳ Sơn cũng chú trọng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể làm tốt công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trong việc chăm sóc sức khỏe, xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.     

Với cách làm hay, sáng tạo mang tính đột phá như vậy, trong hai năm trở lại đây, tình trạng mua bán người, đặc biệt là bán bào thai qua biên giới trên địa bàn huyện Kỳ Sơn giảm hẳn, trong đó riêng 2 địa bàn nhức nhối nhất là các xã Hữu Kiệm, Chiêu Lưu không có trường hợp nào bán bào thai xảy ra. Sự gần gũi, bám địa bàn thường xuyên của các đồng chí Công an chính quy về xã cũng đã tạo được sự thiện cảm, tin yêu nhất định trong mắt đồng bào, quần chúng nhân dân.

Bằng chứng là gần đây, lực lượng Công an đã nhận được không ít tin báo tố giác tội phạm nói chung và tội phạm về tệ nạn mua bán người nói riêng, đã tạo nên sự gắn kết giữa Công an nhân dân với quần chúng nhân dân, qua đó tạo nên thế trận an ninh nhân dân vững chắc, làm nên những tấm “lá chắn” vững vàng từ cơ sở. Tệ nạn mua bán người, mua bán bào thai cũng vì thế mà từng bước được đẩy lùi, trả lại cuộc sống bình yên cho bà con dân bản, trả lại tiếng cười hạnh phúc dưới những nếp nhà sàn sau những thăng trầm bão giông và biến cố của phận người.

Một trong những giải pháp có hiệu quả trong công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người, bán bào thai qua biên giới trong những năm gần đây là sáng kiến phân công cán bộ phụ trách chuyên đề thường xuyên bám địa bàn, bám cơ sở. Trong đó, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ Công an chính quy kết hợp với Công an viên thường trực ở các thôn, bản nắm tình hình, đối tượng đến tội phạm mua bán người. Định kỳ hằng tháng báo cáo tình hình, số liệu về các vấn đề liên quan. Nhất là số phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai, các đồng chí Công an phụ trách phải tiếp cận thường xuyên, kết hợp công tác tuyên truyền và ký cam kết, cùng với đó áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, theo dõi gần và theo dõi từ xa để nắm bắt tình hình, khi có biểu hiện bất bình thường để có phương án phối hợp xử lý tình huống.

Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn.

Thiên Thảo
.
.