Trở lại Đầm Ròn

Chủ Nhật, 27/08/2023, 07:40

Theo chân Thiếu tá Vũ Hải Đăng, Đội trưởng Đội An ninh Công an huyện Đam Rông (Lâm Đồng) xuống cơ sở thăm hỏi bà con vùng Đầm Ròn, (gồm xã Đạ Tông, Đạ Long, Đạ M'Rông) mới thấu hiểu được công việc các anh thường ngày vất vả không kể hết.

Vùng đất Đầm Ròn được bao quanh bởi núi cao, rừng thẳm này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Công an huyện Đam Rông và Công an tỉnh Lâm Đồng. Trong quá khứ, Đầm Ròn là nơi hoạt động phức tạp của tổ chức FULRO. Sau năm 1975, tận dụng tối đa lợi thế về địa hình rừng núi, nơi giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk và thời bấy giờ gần 100% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, bọn FULRO đã biến khu vực Đầm Ròn thành căn cứ vững chắc để hoạt động, tiến hành chống phá nhằm thực hiện âm mưu chính trị lâu dài. Rất nhiều người dân thiếu hiểu biết đã bị tổ chức này lôi kéo, xúi giục chạy trốn vào rừng, vượt biên ra nước ngoài hoặc nổi dậy chống phá chính quyền dưới nhiều hình thức.

3-1.jpg -0
Ông Ha Xuyên là già làng, sống gương mẫu, vận động bà con chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Nhiều vụ tập kích vũ trang do tổ chức này thực hiện sau năm 1975 ở các tỉnh Tây Nguyên đã gây ra cái chết cho hàng trăm người dân vô tội, làm hàng nghìn người khác bị thương. Năm 1992, sau hàng loạt chiến công xuất sắc của lực lượng Công an các tỉnh Tây Nguyên, FULRO tan rã, kết thúc 17 năm gieo rắc tội ác trên cao nguyên phía Tây Tổ quốc.

Vùng Đầm Ròn, huyện Đam Rông ngày nay luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền và lực lượng Công an. Theo Thiếu tá Vũ Hải Đăng, trước đây trên địa bàn huyện Đam Rông có tới 154 người đi theo hoạt động FULRO. Được lực lượng Công an và các cấp chính quyền vận động, tất cả đã trở về và đều nhận được sự khoan hồng. Nay người cao tuổi nhất trong số đó đã bước sang tuổi 93, thấp nhất cũng đã 56 tuổi. Sau khi được cảm hóa, giáo dục, tất cả đều sống gương mẫu, chấp hành tốt các quy định của pháp luật và đoạn tuyệt với tổ chức FULRO.

Sau năm 1975, từng là FULRO, ông Kra Jăn Ha Xuyên (SN 1950) đã được tổ chức này phong cấp bậc Trung tá… Trò chuyện với chúng tôi trong căn nhà ở thôn Đa Tế, xã Đạ M'rông, huyện Đam Rông, ông Ha Xuyên còn nhớ như in một thời tội lỗi, tủi cực. Đó là lúc ông từ bỏ công việc của một giáo viên, dại dột đi theo FULRO, trốn vào rừng hoạt động và chạy sang Campuchia để đi theo tổ chức. Chức vụ, cấp bậc đầy mình nhưng không có một đồng lương nào, không có trợ cấp gì.

Ha Xuyên và những người đi theo FULRO sống chui lủi trong rừng, ăn đói mặc rét. Kiếm được thứ gì ăn thứ đó, chủ yếu là đi trộm cắp bắp, mì và các loại lương thực khác của bà con địa phương. "Cái tôi nhận được từ chúng suốt nhiều năm đi theo FULRO là một khẩu súng AK-47 với hàng trăm viên đạn!..", ông Ha Xuyên bắt đầu câu chuyện về quá khứ buồn bã bằng ngữ điệu nặng trĩu ưu tư.

Người đã "tái tạo" cuộc đời Ha Xuyên chính là cố Đại tá Vũ Linh (tên thật là Nguyễn Trọng Cảnh) khi đó giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Cụm trưởng Cụm An ninh Tây Nguyên, cũng là người trực tiếp chỉ đạo chuyên án F101, bắt giữ hơn 60 tên FULRO cộm cán, làm tan rã hoàn toàn trung ương FULRO ở Tây Nguyên.

Năm 1986, được chính quyền kêu gọi, vận động trở về đầu thú để nhận được khoan hồng, biết mình đã chọn sai đường khi đi theo FULRO suốt hơn 10 năm, ông Ha Xuyên cùng 8 người khác quyết định từ bỏ tổ chức, rời khu vực rừng núi Bidoup để về đầu thú. Hôm ấy, từ sáng sớm, Đại tá Vũ Linh đã rời nhiệm sở, vượt rừng vào khu vực xã Lát, huyện Lạc Dương để đón nhóm của Ha Xuyên trở về. Trên đường ra đầu thú, toán người do Ha Xuyên cầm đầu đã nghĩ tới việc sẽ bị đánh đập, hành hạ thể xác, bị phân biệt đối xử thậm tệ. Nhưng không! Hành động đầu tiên của Đại tá Vũ Linh khi gặp Ha Xuyên là ôm lấy ông, vỗ vai động viên từng người lạc lối sau 11 năm lẩn trốn trong rừng đi theo FULRO.

"Điều mà chưa bao giờ chúng tôi dám nghĩ tới. Đó là một đặc ân của chính quyền, của lực lượng Công an dành cho những người tội lỗi như tôi!..", ông Ha Xuyên kể lại. Lần đó, Ha Xuyên đã khóc rất nhiều vì nhận ra 11 năm qua ông đã mắc sai lầm rất lớn, góp phần làm dày thêm hồ sơ về một tổ chức tội ác.

Bây giờ, vùng Đầm Ròn và cả huyện Đam Rông đã khác xưa rất nhiều. Đời sống vật chất và tinh thần của bà con được nâng cao rõ rệt. Ký ức về một tổ chức man rợ đã rời xa nhường chỗ cho nhịp sống hối hả. Từ một huyện nghèo thuộc Chương trình 30A của Chính phủ, Đam Rông đã nỗ lực vươn lên và thoát khỏi danh sách 61 huyện nghèo nhất cả nước. Để đến hôm nay, ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, tự hào khoe rằng: "Trước đây, bà con người dân tộc thiểu số của huyện chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới mình sẽ có xe ôtô, chưa bao giờ dám mơ ước sẽ được sống trong căn nhà khang trang. Thời đó, bà con mặc định nghĩ rằng đó là những thứ xa xỉ mà chỉ có người Kinh biết buôn bán làm ăn mới có. Nhưng nay khác rồi, bà con đã thay đổi nhận thức, tu chí làm ăn, vươn lên làm giàu!..".

Khắc Lịch
.
.