Cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin trong chuyển đổi số

Thứ Tư, 07/11/2018, 16:40
Đó là khuyến cáo được các chuyên gia đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Đảm bảo an toàn thông tin trong doanh nghiệp thời chuyển đổi số: Chính sách và giải pháp”  do Báo điện tử ICTnews đã phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức tại Hà Nội chiều 7-11.


Lĩnh vực càng trọng yếu, nguy cơ mất an toàn không tin càng cao

Theo nhận định của các chuyên gia về An ninh mạng, Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các quốc gia có mức độ bị tấn công mạng cao trên thế giới bởi đặc thù có nhiều yếu tố nhạy cảm về kinh tế, chính trị, chủ quyền lãnh thổ. Do đó, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tại Việt Nam khi thực hiện chuyển đổi số sẽ gặp nhiều khó khăn về vấn đề bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống của mình. 

Ông Trần Minh Quảng, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Trung tâm An ninh mạng Viettel cho biết: Hiện nay nguy cơ về an toàn thông tin là nguy cơ toàn cầu, không riêng cho bất cứ ngành, lĩnh vực nào. Đặc biệt là các lĩnh vực trọng yếu như tài chính, ngân hàng, điện lực, viễn thông… 

Theo thống kê của Fireeye thì năm 2017, các lĩnh vực ghi nhận nhiều cuộc tấn công mạng nhất tại khu vực APAC đó là Tài chính (39%), Công nghệ cao (10%), Chính phủ (7%)…

Ngân hàng, viễn thông, tài chính được dự báo là những lĩnh vực dễ bị tấn công nhất trong quá trình chuyển đổi số.

Còn Bùi Quang Minh - CEO Công ty Security Box cho rằng: Những ngành nghề được cho là liên quan đến dữ liệu trọng yếu của quốc gia sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất trong quá trình chuyển đối số sẽ bao gồm ngân hàng, an ninh, điện lực, viễn thông. Kế tiếp là các hệ thống liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia như bảo hiểm, kinh doanh, bệnh viện...

Để đảm bảo an toàn thông tin trong quá trình chuyển đổi số, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cần có sự nghiên cứu, thử nghiệm, lựa chọn các sản phẩm, giải pháp bảo mật sao cho phù hợp, tối ưu với nhu cầu, ngân sách của mình. Đó có thể là sản phẩm nhập ngoại, cũng có thể là sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu và sản xuất. 

Đồng thời, rất cần một đơn vị thứ ba để kiểm định tính an toàn của các sản phẩm an ninh mạng cả nước ngoài và trong nước. Đơn vị này có thể là nhà nước hoặc tư nhân được nhà nước cấp phép, nhưng phải có năng lực chuyên sâu.

Cần chủ động chuyển đổi phương thức bảo vệ dữ liệu

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thách thức mới về an toàn thông tin, đó là việc đảm bảo các hệ thống dịch vụ hoạt động ổn định, chính xác đồng thời đảm bảo an ninh trên môi trường mạng, là một môi trường mở, không có biên giới rõ ràng, có thể được truy cập bởi tất cả mọi người trên thế giới. 

Do đây là một lĩnh vực mới nên chuyên gia khuyến cáo các doanh nghiệp nên chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về các vấn đề bảo mật trong lĩnh vực của mình, đồng thời có sự chuẩn bị chu đáo về trang thiết bị, giải pháp, quy trình và đặc biệt là con người trong việc đảm bảo an ninh thông tin.

Ông Hà Thế Phương - Phó Tổng Giám đốc CMC InfoSec chia sẻ: Khi chuyển đổi số các dữ liệu thường chuyển từ giấy sang dạng số hóa. Các dữ liệu số hóa liên quan đến vấn đề truyền tải, lưu trữ, xử lý thì vấn đề bảo mật đều nằm trong tất cả các khâu này. 

Do đó, khi chuyển đổi số sẽ phải chuyển đổi phương thức bảo vệ dữ liệu của mình. Doanh nghiệp cần chuẩn bị về kiến thức và nhân sự để có thể định hướng, quản trị quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình. Nguồn lực để thực hiện các công việc bảo mật này doanh nghiệp có thể đầu tư hoặc thuê ngoài tùy vào định hướng và ngành nghề của doanh nghiệp...

Hùng Quân
.
.