Đà Nẵng chuẩn bị nguồn nhân lực để đón làn sóng đầu tư ngành vi mạch bán dẫn

Thứ Sáu, 26/01/2024, 14:22

Đánh giá cao và cho biết Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong nước tiên phong trong công nghiệp bán dẫn, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền Thông (TT&TT) cho rằng, việc thành lập Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng là hướng đi đúng đắn trong việc phát triển ngành này.

Ngày 26/1, TP Đà Nẵng công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC).

Theo đó, DSAC có chức năng đào tạo, bồi dưỡng lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; hỗ trợ thu hút đầu tư trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Đà Nẵng thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo -0
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Lễ công bố quyết định thành lập DSAC. 

DSAC sẽ tham mưu, tư vấn Sở TT&TT trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch của thành phố Đà Nẵng”; phối hợp xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng trên lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo; tham mưu và triển khai thực hiện các giải pháp thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và phát triển trí tuệ nhân tạo đến sinh sống, làm việc, đầu tư tại Đà Nẵng…

Tại lễ ra mắt Trung tâm DSAC, đánh giá cao và cho biết Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong nước tiên phong trong công nghiệp bán dẫn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho rằng việc thành lập Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng là hướng đi đúng đắn trong việc phát triển ngành này.

Đà Nẵng thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo -0
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh trao quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng.

Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 50.000 kỹ sư thiết kế chip, 200.000 kỹ sư điện tử về bán dẫn, 500.000 công nhân làm việc trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Việt Nam chọn 5 cơ sở đào tạo trọng điểm về nhân lực bán dẫn, bao gồm: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH FPT, ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Xây dựng, phát triển Mạng lưới Trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia đến năm 2030 gồm 3 Trung tâm đặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng phù hợp với thế mạnh và đặc thù từng vùng, đưa vào hoạt động muộn nhất vào năm 2025.

Mạng lưới trung tâm nghiên cứu, thiết kế và chế tạo bán dẫn quốc gia cung cấp một môi trường mở phục vụ nghiên cứu, thiết kế và chế tạo chip, phục vụ sản xuất mẫu, hỗ trợ ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp bán dẫn. Riêng với Đà Nẵng, Bộ TT&TT thông cam kết sẽ đồng hành cùng thành phố cũng như DSAC. Đồng thời mong muốn trung tâm sẽ sớm có các hoạt động cụ thể thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xã hội của địa phương...

Theo Chủ tịch UBND  TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh, Đà Nẵng kỳ vọng DSAC sẽ trở thành đầu mối tiếp nhận và mở ra các cơ hội hợp tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo giữa Đà Nẵng và các đối tác trong và ngoài nước. Từng bước tạo dựng hệ sinh thái đồng bộ và phát triển về vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo của thành phố.

Đà Nẵng thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo -1
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Ngay sau Lễ công bố là tọa đàm với chủ đề: “Đà Nẵng và Chính sách đón làn sóng đầu tư phát triển ngành thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo”. 

Với sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); Bộ TT&TT, Bộ KH&ĐT, đại diện Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia NIC, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng (DHPIZA) đã tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác 3 bên về đào tạo thiết kế vi mạch, bán dẫn giữa DHPIZA, Công ty CP giáo dục quốc tế Sun Edu và Trường Đại học Duy Tân.

Lễ ký kết đã tiếp tục khẳng định một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực vi mạch bán dẫn; góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực đang thiếu hụt ở lĩnh vực này cho thành phố trong tương lai; thúc đẩy hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn vào thành phố, đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế của thành phố.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, từ năm 2010, Bộ KH&CN được Thủ tướng Chính phủ giao tổ chức triển khai Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, trong đó sản phẩm vi mạch điện tử đã được xác định là sản phẩm quốc gia cần đầu tư phát triển tại Quyết định số 2441/QĐ-TTG ngày 31/12/2010; đến nay Bộ KH&CN đang trình Chính phủ tiếp tục hỗ trợ đầu tư phát triển vi mạch điện tử trong Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.

Lãnh đạo Bộ KH&CN cho biết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Đà Nẵng trong việc triển khai phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua việc triển khai sản phẩm quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. "Chúng tôi tin tưởng rằng, hoạt động hợp tác 3 bên được ký kết hôm nay sẽ mang lại nhiều lợi ích chung cho Đà Nẵng và đất nước; góp phần vào việc đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao", Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng.

Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 5 thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và công bố Quy hoạch thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Đà Nẵng triển khai các dự án. Đặc biệt là xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, vi mạch bán dẫn, công nghệ AI phát triển nhằm tạo nền tảng cho sự bứt phá của Thành phố.

TP Đà Nẵng có hạ tầng công nghệ thông tin tốt với các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, công viên phần mềm; kinh tế số chiếm hơn 20% GRDP. Hiện có 2.450 doanh nghiệp công nghệ số với nhân lực hơn 46.000 người, trong đó có 250 doanh nghiệp vi mạch, điện tử với 10.500 lao động với 550 kỹ sư thiết kế vi mạch. 

Hoài Thu
.
.