Nên hay không nên cho môtô phân khối lớn lên đường cao tốc?

Thứ Năm, 21/05/2015, 09:12
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính từ năm 2014 đến hết tháng 4/2015, cả nước có 8.682 xe môtô có dung tích xi-lanh trên 175 cm³ được nhập khẩu vào Việt Nam. Số lượng môtô phân khối lớn này đã cho thấy xu hướng giới trẻ nhiều tiền đang chạy theo thị hiếu hưởng thụ cảm giác mạnh, đam mê tốc độ và đang có khuynh hướng bạo lực như dân cao bồi miền viễn tây Hoa Kỳ.

Tại Việt Nam, việc sở hữu một chiếc xe phân khối lớn nhiều tỷ đồng rất dễ dàng, chỉ cần có đầy đủ năng lực hành vi và có bằng lái xe A2 là đủ. Thực tế cho thấy, trong vài năm gần đây, trên nhiều tuyến đường tại TP Hồ Chí Minh và quốc lộ 1A xuất hiện rất nhiều các loại môtô “khủng” “siêu khủng” lưu thông. Do người điều khiển môtô phân khối lớn cố tình nén tốc độ, rồ mạnh ga, động cơ nổ lớn gây bức xúc cho người dân và người tham gia giao thông.

Cần một giải pháp thích hợp cho “bài toán” xe môtô phân khối lớn.

Chính vì nhiều bạn trẻ có lắm tiền là dễ dàng mua được môtô phân khối lớn để chạy, nên lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam tăng cao, không tương xứng với mật độ lưu thông, điều kiện về mặt đường, tiêu chuẩn lưu thông cho loại xe đặc biệt này. Ai cũng nghĩ như nhiều quốc gia trên phim ảnh, xe môtô phân khối lớn chạy tưng bừng với xe ôtô trên xa lộ, cao tốc trong khi cơ quan quản lý giao thông của Việt Nam còn nhiều lúng túng trong việc xử lý và chế tài xử lý về trường hợp này theo pháp luật giao thông của Việt Nam.

Những rủi ro tiềm ẩn hiện nay khá phổ biến và từng gây ra hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản con người đang là một thực tế. Tình trạng số đông tài xế ôtô, môtô các loại không tuân thủ chấp hành Luật Giao thông, gây mất an toàn TTATGT, điều khiển xe có nồng độ cồn khá cao, chạy quá tốc độ, tâm lý háo thắng “ăn thua” kèn cựa nhau, công tác đăng kiểm ôtô còn sơ sài, qua loa và thậm chí có tiêu cực vẫn còn nhiều, các loại xe độ, các dòng xe quá cổ lỗ, phụ tùng thiết bị thay thế không chính hãng…

Trên cao tốc hiện hữu ở Việt Nam, các loại ôtô được phép chạy với tốc độ từ 80 đến 120 km/h, nếu cho môtô phân khối lớn cùng lưu thông nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao. Thử hình dung với 5-7 chiếc ôtô 1.000 phân khối trở lên được phép chạy trên cao tốc, luồn lách, vượt qua hai, ba làn ôtô đang lưu thông với tốc cao, chắc chắn chỉ vài km là có thể xảy ra tai nạn.

Ngược với sự việc nêu trên, còn có luồng dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Anh Nguyễn Văn T., dân chơi môtô phân khối lớn hơn 30 năm qua cho rằng: Việc để môtô phân khối lớn chạy chung với làn xe gắn máy thông thường, hạn chế tốc độ tối đa 40km/h là phản tác dụng và sai thiết kế của loại xe này. Môtô phân khối lớn chạy chậm hàng giờ với tốc độ 40km/h không chỉ làm hao tốn nhiều nhiên liệu, mà còn rất dễ dẫn đến hư hỏng máy vì không sạc đủ điện… Xe môtô phân khối lớn nếu chạy cùng làn đường với xe hai bánh thông thường cũng rất dễ gây nguy hiểm cho người khác vì loại xe này có tốc độ lớn.

Thượng tá Trần Hữu Toán, Phó Trưởng phòng Tuần tra kiểm soát, Cục CSGT (C67, Bộ Công an) cho rằng: Một số nước trên thế giới cho phép môtô phân khối lớn chạy vào làn đường dành cho ôtô. Còn nước ta, môtô phân khối lớn vẫn phải chạy chung với làn xe hai bánh, làn xe hỗn hợp gây ra nhiều hệ lụy.

Phải tìm ra một giải pháp thích hợp nhất về việc nên hay không nên để xe mô tô phân khối lớn lưu thông cùng làn ôtô trên đường cao tốc như hiện nay Bộ GTVT đang cho thử nghiệm. Nhưng trước mắt vẫn còn quá nhiều yếu tố mất an toàn nếu môtô phân khối lớn và ôtô cùng lưu thông trên cao tốc. Luật Giao thông đường bộ VN cấm môtô, xe máy và xe thô sơ lưu thông vào cao tốc. Người vi phạm bị phạt 200.000 - 400.000 đồng (Điều 6, Nghị định 171/2013) và nếu gây tai nạn còn bị tước bằng lái hai tháng. Ngoài ra, tiêu chuẩn Việt Nam cũng xác định cao tốc là loại đường chuyên dùng cho ôtô. Do vậy, muốn cho môtô vào cao tốc thì phải sửa đổi nhiều quy định, kể cả hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn… hiện hành.

Theo ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, Luật Giao thông đường bộ cấm môtô (kể cả phân khối lớn), xe máy đi vào đường cao tốc. Theo quy định, môtô là loại từ 50 cc trở lên nên nếu chấp nhận xe môtô đi vào đường cao tốc, thì đường cao tốc sẽ trở thành đường làng.

Nam Yên
.
.