Xe chở gỗ “băm nát” đường biên giới

Thứ Năm, 17/03/2016, 08:27
Do không được đầu tư, nâng cấp đồng bộ cộng với việc gần đây với lưu lượng hàng trăm xe chở gỗ quá khổ, quá tải nối đuôi nhau đã khiến nhiều tuyến đường độc đạo biên giới Việt - Lào bị “băm nát”, xuống cấp trầm trọng.


Tại địa bàn huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), nhiều lối mở, cửa phụ qua biên giới được mở ra đã tạo điều kiện thông thương cho các doanh nghiệp của hai nước Việt - Lào trong việc trao đổi, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa. Tuy nhiên, do không được đầu tư, nâng cấp đồng bộ cộng với việc gần đây với lưu lượng hàng trăm xe chở gỗ quá khổ, quá tải nối đuôi nhau đã khiến nhiều tuyến đường độc đạo bị “băm nát”, xuống cấp trầm trọng.

Tại huyện Kỳ Sơn, từ năm 2004 đến nay, đã có 4 lối mở qua biên giới để triển khai hoạt động XNK hàng hóa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp giữa hai tỉnh Nghệ An và Xiêng Khoảng (Lào) phát triển, giao thương. Các lối mở Tha Đo tại xã Mường Típ, lối mở Buộc Mú tại xã Na Ngoi và lối mở Xiềng Trên ở xã Mỹ Lý hoạt động từ nhiều năm nay, riêng lối mở Keng Đu tại xã Keng Đu bắt đầu triển khai từ cuối năm 2015.

Đường từ Lưu Kiền vào Na Ngoi bị “cày nát”.

Trên thực tế, việc mở lối mở và cửa khẩu phụ đã tạo điều kiện cho cư dân biên giới trao đổi hàng hoá góp phần phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống, thúc đẩy giao lưu kinh tế, dịch vụ, thương mại khu vực nông thôn, củng cố quốc phòng, an ninh vùng biên và tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng kéo theo những bất cập khi cơ sở hạ tầng không được nâng cấp đồng bộ dẫn đến những hệ lụy dân sinh.

Tuyến đường từ thị trấn Mường Xén đến lối mở Keng Đu có độ dài khoảng 80km, trong đó có khoảng 50km đoạn bắt đầu từ ngã ba Huồi Tụ đến trung tâm xã nền địa chất vốn đã rất yếu.

Trước đó, khi chưa mở lối Keng Đu để XNK hàng hóa, đoạn đường này luôn là nỗi khiếp sợ đối với người dân và thầy cô giáo cắm bản ở các xã Huồi Tụ, Na Loi, Đoọc Mạy và Keng Đu mỗi lần mưa xuống bởi một bên là núi cao, bên kia là vực sâu, giữa lòng đường trơn trượt, có những quãng sình lầy ngập ngang bánh xe.

Để vào trung tâm xã, không thể độc hành mà phải đi từng nhóm để “hợp tác”, người trước, kẻ sau “vần” xe qua những cung đường chết. Từ cuối năm 2015, khi lối mở Keng Đu đi vào hoạt động, theo người dân bản địa, hàng chục xe tải lưu thông trên tuyến đường này mỗi ngày đã “cày nát” con đường khiến việc đi lại của người dân và các đoàn công tác có dịp vào đây gặp rất nhiều khó khăn.

Cũng dịp này, chúng tôi đã có chuyến thực tế, trải nghiệm khi vào Keng Đu công tác và quả thực, so với trước đây, tuyến đường giờ đã xuống cấp trầm trọng. Đặc biệt là đoạn giáp ranh giữa hai xã Huồi Tụ và Na Loi, nhiều đoạn xe trơn trượt, xoay ngang giữa đường khiến mọi người ngồi trên phải xắn quần lội bùn “tăng bo” đẩy xe vượt dốc và sau gần 4 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vào đến trung tâm xã Keng Đu.

Tương tự, tuyến đường nối từ xã Lưu Kiền (Tương Dương) đi Na Ngoi (Kỳ Sơn) mặc dù mới được đầu tư, nâng cấp song gần đây, nhiều phương tiện giao thương hàng hóa giữa hai nước Việt Nam – Lào làm thủ tục XNK hàng hóa qua lối mở Buộc Mú cũng đã “cày nát” khiến việc đi lại gặp vô vàn khó khăn. Tuyến đường này có chiều dài khoảng 50km, đi qua các xã Nậm Càn và Na Ngoi của huyện Kỳ Sơn, được đầu tư xây dựng và hoàn thành để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con nơi đây.

Thế nhưng hiện nay, toàn tuyến đã bị hư hỏng, xuống cấp, nhiều đoạn hình thành nhiều điểm sụt lún, ổ gà, ổ voi. Mặc dù nền của tuyến đường này rất yếu, trọng tải cho phép thấp từ 10 đến 13 tấn, nhưng mỗi ngày đường phải chịu tải cho hàng chục xe siêu tải trọng vận chuyển gỗ từ huyện Mường Mọc, tỉnh Xiêng Khoảng – Lào về Việt Nam.

Ông Ngô Sỹ Mơ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Na Ngoi cho biết: “Tuyến đường này mới sửa chỉ mang tính chất tạm thời cho người dân đi lại, nhưng do một số phương tiện vận chuyển gỗ từ hướng cửa mở về đã làm sụt lún, lở đường. Vào thời điểm mưa to, tuyến đường này gần như bị cô lập hoàn toàn”.

Về vấn đề này, Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn cho biết, sau khi nhận được phản ánh, Công an huyện đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 13 trường hợp xe chở gỗ Lào cơi nới, quá khổ. Đồng thời, tiến hành xử lý đối với lái xe vi phạm, phạt hành chính từ 3 đến 3,7 triệu đồng và đồng thời tước bằng lái xe 1 tháng. Theo số liệu của Công an huyện Kỳ Sơn, tổng số xe quá khổ đã bị phát hiện và xử lý trên cung đường này trong thời gian qua là 45 chiếc, với số tiền xử phạt nộp kho bạc Nhà nước là 135 triệu đồng.

Liên quan đến tuyến đường này, từ năm 2010 đến nay, UBND huyện Kỳ Sơn đã nhiều lần triệu tập các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vận chuyển gỗ qua tuyến đường này đến làm việc nhằm gắn trách nhiệm trong việc làm hư hỏng hạ tầng giao thông.

Đầu tháng 3-2016, Công an huyện Kỳ Sơn cũng đã đình chỉ toàn bộ phương tiện của 3 doanh nghiệp tham gia chở gỗ từ mốc L10 về Việt Nam. Kiên quyết xử lý xe quá khổ phá đường thì mới có thể “cứu” được những con đường này.

Thiên Thảo
.
.