Đảm bảo vận tải khách hợp lý sau di dời Bến xe miền Đông

Thứ Sáu, 28/10/2022, 08:05

Theo một đại diện Bến xe miền Đông (BXMĐ) mới, từ ngày 11/10 - ngày thực hiện di dời giai đoạn 2 đến nay, BXMĐ mới chỉ đạt bình quân 2.600 khách và 206 đầu xe xuất bến mỗi ngày.

Trong khi đó, chưa kể số đầu xe của 29 tuyến từ Quảng Trị trở ra phía Bắc đã di dời từ BXMĐ cũ ra bến mới trong giai đoạn 1, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2 đã có đến 75 tuyến phải di dời ra BXMĐ mới với số lượng dự kiến ở mức 1.010 chuyến/ngày, chiếm khoảng 66% số chuyến xe xuất bến tại BXMĐ cũ. Tổng số lượng phương tiện di dời trong giai đoạn 2 cũng lên đến 1.689 đầu xe của 89 đơn vị vận tải khách liên tỉnh.

hon loan.jpg -0
Xe nằm chờ khách ở Bến xe miền Đông mới.

Ngày 15/7 vừa qua Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã công bố danh mục chi tiết mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc đến năm 2025 định hướng đến năm 2030. Trong đó Bộ GTVT dã cho phép Bến xe miền Tây được bổ sung các tuyến đường mới như Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum… mà những tuyến đường trên đều là những tuyến đường năm trong danh sách phải di dời từ BXMĐ cũ ra bến mới.

Việc này đã tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải từ BXMĐ cũ không chịu ra bến mới, mà chạy đến các bến xe khác trên địa bàn hoặc bỏ ra ngoài hoạt động. Đại diện một đơn vị vận tải khách phân tích, dù rằng quy định “đi xe miền Đông thì về miền Tây và ngược lại ” như vậy là để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi xe. Nhưng như vậy đã gây rối loạn trật tự vận tải khách tại TP Hồ Chí Minh khi xe khách từ các tuyến miền Trung, phía Bắc và Tây Nguyên đồng loạt chạy trên các tuyến xuyên tâm như quốc lộ 1A để về các bến xe liên tỉnh khác như Bến xe miền Tây, Bến xe Ngã tư Ga, Bến xe An Sương.

Khi đó, mục tiêu di dời BXMĐ cũ ra bến mới để giảm tải lưu lượng xe khách vào nội thành, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông đã không đạt được. Đại diện doanh nghiệp vận tải này cho rằng chỉ cần làm như trước đây để doanh nghiệp dùng xe từ 16 chỗ trở xuống đưa đón, trung chuyển khách từ trung tâm ra bến, yêu cầu toàn bộ xe khách phải vào bến là được.

Trước thực trạng trên, ngày 7/9 bà Tăng Thị Thu Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), đơn vị chủ đầu tư BXMĐ mới đã có văn bản gửi Sở GTVT TP Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ một loạt vấn đề. Khi đó, bà Lý đã cho biết, theo thông tin Samco nhận được thì đa số các đơn vị vận tải đang hoạt động tại BXMĐ cũ phải di dời trong giai đoạn 2 sẽ chuyển về hoạt động trong các bến xe khác tại thành phố chứ không chuyển về BXMĐ mới hoặc điều chỉnh lộ trình đi qua quốc lộ 14 để tránh phải vào bến mới.

Vì vậy, đại diện Samco đề nghị Sở GTVT khi cho mở mới hoặc tăng chuyến trên các tuyến đường đến các tỉnh, thành nằm trong danh sách di dời, cần xem xét năng lực của BXMĐ mới. Chỉ khi nào BXMĐ mới không đáp ứng được mới xem xét việc mở mới hoặc tăng chuyến ở những bến xe khác trên địa bàn. Sở GTVT cần xem xét những tuyến đường các đơn vị vận tải đã đăng ký nhưng không hoạt động trên 60 ngày để không gia hạn và đề nghị Bộ GTVT xóa khỏi danh sách tuyến đường công bố.

 Để tổ chức hợp lý các tuyến vận tải liên tỉnh với vận tải khách công cộng trong đô thị, Samco cũng đề nghị Sở GTVT phân luồng các tuyến vận tải khách tại các bến xe trên địa bàn. Cụ thể Bến xe miền Tây chỉ được phép tiếp nhận các tuyến đi đến các tỉnh, thành thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bến xe Ngã tư Ga, BXMĐ cũ chỉ tiếp nhận các tuyến đi đến khu vực Tây Nguyên, còn lại đưa về BXMĐ mới. Đối với các tuyến xe khách đi ngang TP Hồ Chí Minh, cần phân luồng cho sử dụng các tuyến đường vành đai. Đặc biệt, để tăng cường đảm bảo ANTT, hạn chế tình trạng kẹt xe ở khu vực trung tâm thành phố, lãnh đạo Samco đã đề nghị Sở GTVT ban hành quy định hạn chế xe giường nằm và xe có sức chở lớn đăng lý hoạt động trên các tuyến cố định vào trung tâm. Song những kiến nghị trên đã không được Sở GTVT xem xét rốt ráo, khiến BXMĐ mới dù được đầu tư xây dựng hiện đại, rộng rãi nhất cả nước đến nay vẫn “vắng như cùa bà Đanh”.

Để xảy ra tình trạng BXMĐ mới vắng khách còn có nguyên nhân khác như BXMĐ cũ đề nghị được phối hợp với đơn vị vận tải sử dụng xe nhỏ để trung chuyển khách từ bến cũ ra bến mới nhằm hỗ trợ những nhà xe nhỏ lẻ, không có điều kiện đầu tư thêm phương tiện nhưng chưa được đáp ứng. Đã vậy, đối với số đầu xe khách chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu có lộ trình lưu thông trên cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, việc di dời ra BXMĐ mới cũng không ổn khi nhà xe phải chạy ngược, chạy xuôi từ cao tốc về bến xe mới trong khi giao thông kết nối vào BXMĐ mới chưa thuận tiện.

Trước đó, sau khi xem xét báo cáo của Sở GTVT và Samco về tình hình hoạt động của BXMĐ mới, ngay từ đầu tháng 8, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, ông Phan Văn Mãi cũng đã giao cho Sở GTVT chủ trì, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét đề xuất của Samco để bảo đảm phát huy hiệu quả khai thác, hoạt động của BXMĐ mới.

Trường hợp có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất UBND thành phố giải quyết kịp thời. BXMĐ mới là trọng điểm cung cấp khách cho tuyến Metro số 1 sắp đưa vào hoạt động. Nhưng để cả nghìn đầu xe khách trong 2 đợt di dời chạy khỏi BXMĐ mới gây hỗn loạn trật tự vận tải khách tại thành phố thì rõ ràng trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tình trạng trên thuộc về Sở GTVT.

Đ.Thắng
.
.