Dư luận đồng tình đề xuất cấm lái xe khi có nồng độ cồn

Thứ Hai, 04/03/2024, 08:27

Vừa qua, tại dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã đề xuất cấm người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn tham gia giao thông để có chế tài xử lý nghiêm khắc, dần hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu, bia không lái xe”. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn của người dân, các chuyên gia về y tế và giao thông.

Không quy định “ngưỡng” nồng độ cồn

Liên quan đến đề xuất cấm lái xe khi có nồng độ cồn, tại dự thảo báo cáo, Bộ Công an đã đưa ra nhiều thông tin, số liệu về những tác hại mà việc sử dụng rượu bia mang lại không chỉ trong lĩnh vực giao thông. Theo Bộ Công an, từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ liên quan đến rượu, bia chiếm 20% tổng số người chết và bị thương do TNGT đường bộ gây ra, trong số đó, 80% là lỗi do người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu, bia gây ra.

Từ năm 2018 đến năm 2023, tổng số lượt nạn nhân đến cấp cứu, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do TNGT đường bộ gây ra là 2.742.395 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 381.269 lượt người (chiếm 13,9%). Trong đó, số nạn nhân có liên quan đến rượu, bia là 425.619 lượt người, số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não là 70.522 lượt người (chiếm 16,6%). Như vậy, tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não vì TNGT đường bộ do có liên quan đến rượu, bia cao hơn tỷ lệ số lượt nạn nhân bị chấn thương sọ não nói chung.

Dư luận đồng tình đề xuất cấm lái xe khi có nồng độ cồn -0
Lực lượng Cảnh sát giao thông lập chốt kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh CTV.

Theo thống kê, điều tra xã hội học đối với 43.765 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam của Bộ Công an thì có 22.442 phạm nhân trước khi phạm tội đã sử dụng rượu, bia (chiếm 51,28%, đối với 7 nhóm tội danh như: Giết người, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ, vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ và vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thuỷ).

Việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu, bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết, 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát nồng độ cồn, xử lý quyết liệt, phát huy hiệu quả hơn nữa chủ trương này.

Lý giải về việc không quy định ngưỡng nồng độ cồn, tại dự thảo báo cáo, Bộ Công an cho biết, hiện các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn và chia làm 2 nhóm. Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối vi phạm nồng độ cồn và nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng. Tuy nhiên, văn hóa ẩm thực của Việt Nam có nhiều điểm đặc thù. Theo Bộ Công an, nếu quy định nồng độ bằng 0 thì không uống nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe. Việc lái xe trong trạng thái thiếu tỉnh táo có thể gây ra thảm họa với những người vô tội như một số trường hợp lái xe say rượu gây tai nạn liên hoàn thời gian qua.

Dư luận đồng tình đề xuất cấm lái xe khi có nồng độ cồn -0
Lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn.

Đã cấm phải cấm tuyệt đối

Chị Hoài Anh, trú tại quận Long Biên, Hà Nội chia sẻ, văn hóa “Đã uống rượu, bia không lái xe” hiện đã và đang trở thành nét đẹp của người tham gia giao thông.  Đề xuất của Bộ Công an không hề cấm người dân uống rượu, bia mà điều cần cấm ở đây chính là đã uống rượu, bia thì không lái xe. Người dân vẫn có thể đi taxi, đi xe ôm sau khi uống rượu bia. Anh Phan Văn Hưng, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cũng cho biết, uống rượu bia rồi không điều khiển phương tiện là tự bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho chính mình và cho cả những người xung quanh. “Tôi nghĩ rằng mọi người cần ủng hộ đề xuất này của Bộ Công an”, anh Phan Văn Hưng nhấn mạnh.

Đứng từ góc độ các chuyên gia, theo BSCKII Mạch Thọ Thái, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện 19-8, kể từ khi Bộ Công an triển khai quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, tỷ lệ bệnh nhân bị TNGT do rượu bia vào nhập viện cấp cứu giảm hơn một nửa so với trước.

BS Thái cho biết: “Tôi làm nghề y rất đồng tình với quy định người điều khiển phương tiện giao thông trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn thì không lái xe. Quy định cấm uống rượu bia không lái xe là đúng, tôi đồng tình cấm tuyệt đối 100%, không nên quy định uống bao nhiêu thì bị phạt, mà cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Người đã uống rượu bia thì không lái xe, mà đi taxi, xe ôm để không gây nguy hiểm cho mình và người tham gia giao thông, đồng thời để cho ngành nghề taxi, xe ôm phát triển. Đã là quy định của pháp luật phải chấp hành, ai vi phạm thì phạt tiền, thu ngân sách cho Nhà nước”.

Là bác sĩ cấp cứu rất nhiều ca TNGT do rượu bia, BS Thái phân tích: “Những ca TNGT do uống rượu bia vào viện hầu hết đều trong tình trạng nặng, việc cấp cứu cũng gặp rất nhiều khó khăn do có nồng độ cồn trong máu. Uống rượu làm mạch máu giãn ra, nếu bị chấn thương sọ não sẽ làm chảy máu não nhiều, gây xuất huyết nhiều nếu vỡ mạch, kích thích làm huyết áp tăng, điều trị khó khăn, ảnh hưởng đến tác dụng phụ của thuốc. Với người say rượu bia vào viện mà suy hô hấp, rất dễ hít phải dị vật, gây viêm phổi do dị vật tắc nghẽn. Suy hô hấp do sặc dị vật càng làm tổn thương não nặng hơn, gây phù não, nhanh chóng hôn mê và tử vong”. 

Hơn thế nữa, BS Thái còn cho biết, khi uống rượu bia, tính cách của con người dễ thay đổi, thần kinh không bình thường, dễ gây ra mâu thuẫn đánh nhau, đâm chém… Bên cạnh đó, uống rượu bia còn gây tác hại cho sức khỏe, gây nhiều bệnh tật như xơ gan và suy đa tạng, dễ dẫn đến tử vong. Tác hại của uống rượu bia đến sức khoẻ là rất lớn, gây tốn kém tiền của nhân dân, làm cho nhà nhà nghèo đi vì phải chữa bệnh.

Đồng tình với quan điểm này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai rất trăn trở làm thế nào để hiệu quả tuyên truyền và cảnh báo của bác sĩ đi vào cuộc sống, được người dân tiếp nhận, giảm mắc bệnh tử vong vì rượu.

“Nghị định 100 của Chính phủ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, đặc biệt sự ra quân quyết liệt xử lý nồng độ cồn của lực lượng Công an trên cả nước đã có hiệu quả cực kỳ rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân ngộ độc rượu phải vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu giảm 50% so với trước. Kết quả này mang lại lợi ích to lớn cho người dân, cho đất nước. Lợi ích mang lại gấp hàng trăm lần so với tốn kém, thiệt hại do TNGT gây ra, so với chi phí điều trị tổn hại sức khoẻ. Tôi đồng tình với việc tiếp tục duy trì xử lý vi phạm nồng độ cồn như hiện nay. Nếu kiểm soát tốt việc sử dụng rượu bia, hiệu quả mang lại cho sức khoẻ người dân sẽ là rất lớn trong thời gian tới”.

Đồng tình với đề xuất của Bộ Công an, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cũng cho biết, nhiều nước trên thế giới quy định uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện giao thông là xử phạt, vượt quá ngưỡng xử phạt hành chính sẽ trở thành một loại tội phạm, phải xử phạt nghiêm minh.

Theo ông Nguyễn Công Hùng, không nên quy định “ngưỡng” nồng độ cồn bởi cơ địa của mỗi người rất khác nhau, người uống được 1 chén, người uống được 1 lít. Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải, ông Hùng cũng nhấn mạnh quan điểm đã uống rượu, bia thì không lái xe. Việc quy định cấm nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe mang lại lợi ích cho người dân, cho cả xã hội. “Chúng ta cần được bình yên từ sáng khi ra khỏi nhà tham gia giao thông cho đến tối khi trở về nhà”, ông Hùng chia sẻ.

N.Hương-T.Hằng
.
.