Hàng chục sáng kiến đảm bảo TTATGT đoạt giải được nghiên cứu ứng dụng vào thực tế

Thứ Năm, 09/11/2023, 17:56

Chiều 9/11, tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (TP Hồ Chí Minh), Cục CSGT, Bộ Công an phối hợp cùng báo Điện tử Dân trí và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam tổ chức Lễ tổng kết hai năm thực hiện Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022-2023...

Chương trình được phát động với mục đích nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông, tìm kiếm những ý tưởng, sản phẩm sáng tạo để đưa tình trạng giao thông Việt Nam dần ổn định hơn và giúp người tham gia giao thông hiểu đúng luật, tham gia giao thông an toàn, văn minh hơn.

Qua 2 năm tổ chức, Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022-2023 đã trở thành cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước về TTATGT với người dân, mở ra cơ hội để mỗi người, cùng các chuyên gia và lực lượng chức năng thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, bảo vệ tính mạng và sự an toàn của người dân.

Hàng chục sáng kiến đảm bảo TTATGT đoạt giải được nghiên cứu ứng dụng vào thực tế -0
Các đại biểu và hơn 400 sinh viên trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tham gia trong lễ tổng kết chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam.

Trong 2 năm thực hiện chương trình, hơn 1.400 bài dự thi của người dân, học sinh, sinh viên tham dự ở các hạng mục "Ý tưởng về an toàn giao thông"; "Giải pháp công nghệ an toàn giao thông";"Sáng kiến an toàn giao thông" và "Sáng kiến công nghệ về an toàn giao thông" .

Sau khi chắt lọc, Cục CSGT đã đề xuất đưa ba sáng kiến gồm: Hệ thống hỗ trợ điều chỉnh thời gian đèn tín hiệu giao thông; Hệ thống phát hiện và cảnh báo giao thông thông minh; Ứng dụng nguyên lý đèn giao thông trong quản trị giao thông hiệu quả tại Việt Nam áp dụng vào xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”… được áp dụng vào thực tế tại TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh (địa phương xây dựng mô hình “Tỉnh an toàn giao thông”).

Hàng chục sáng kiến đảm bảo TTATGT đoạt giải được nghiên cứu ứng dụng vào thực tế -0
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an phát hiểu tại buổi tổng kết.

Trong năm 2023, cuộc thi có 2 hạng mục dự thi chính là "Sáng kiến an toàn giao thông" và "Sáng kiến công nghệ về an toàn giao thông". Sau 6 tháng triển khai cuộc thi đã tìm ra các cá nhân, tập thể xuất sắc, có những ý tưởng mới, sản phẩm sáng tạo, ứng dụng công nghệ giải quyết thực trạng bất cập về giao thông đường bộ tại Việt Nam.

Phát biểu tại buổi tổng kết, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Trưởng Ban tổ chức Chương trình Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam năm 2022-2023 cho biết, nhiều sáng kiến đoạt giải được nghiên cứu và ứng dụng vào thực tế góp phần đảm bảo TTATGT trên một số địa phương. Điển hình như sáng kiến “Bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để không ùn tắc” hiện đang được áp dụng tại nhiều nút giao trên địa bàn TP Hà Nội.

Hàng chục sáng kiến đảm bảo TTATGT đoạt giải được nghiên cứu ứng dụng vào thực tế -0
Một số sinh viên góp ý kiến về giải pháp đảm bảo TTATGT tại buổi lễ tổng kết.

Trong đó, việc bỏ hẳn đèn đỏ, tổ chức phân luồng lại phương tiện tất cả các chiều đường được áp dụng tại ngã tư Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo - Mễ Trì, TP Hà Nội đang rất khả thi. Hay sáng kiến đưa ứng dụng vào mô hình “Tỉnh An toàn giao thông” triển khai ở Bắc Ninh. Cục CSGT đang nghiên cứu các sáng kiến đoạt giải khác như: “Hệ thống quản lý giao thông thông minh”; “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo phát hiện phương tiện lấn chiếm lòng đường”… để áp dụng vào thực tiễn.

Các sáng kiến dự thi phong phú, mới mẻ, tính thực tiễn của các giải pháp với tính ứng dụng, công nghệ cao. Một số sáng kiến không chỉ đưa ra giải pháp về các nền tảng công nghệ nói chung mà còn trình bày cả về phương án sử dụng, phương án tài chính khi các sáng kiến được ứng dụng vào thực tế, qua đó thấy được tính khả thi, thực tiễn cao của giải pháp.

Hàng chục sáng kiến đảm bảo TTATGT đoạt giải được nghiên cứu ứng dụng vào thực tế -0
Ban tổ chức chương trình chụp hình lưu niệm.

Tiêu biểu là sáng kiến “Giải pháp Cải tạo hệ thống hồ điều hòa, công viên hiện tại trở thành hồ đa năng, đa mục tiêu, bền vững tại Việt Nam” có tính ứng dụng cao tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác của Việt Nam, đồng thời vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường sinh thái, của không gian sinh sống cho người dân và tính hợp lý khi điều tiết giao thông hàng ngày. Hay sáng kiến móc khóa “Đã uống rượu bia thì không lái xe” của nhóm tác giả đến từ tỉnh Hậu Giang đã được hiện thực hóa và triển khai phát cho người điều khiển phương tiện.

Theo Thiếu tướng Lê Xuân Đức, trước thành công của chương trình, trong những năm tới, Cục CSGT sẽ tiếp tục là cầu nối phối hợp với các đơn vị liên quan sàng lọc, lựa chọn, hiện thực hóa các sáng kiến đạt giải có tính khả thi cao áp dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trên cả nước.

Anh Thư
.
.