Sớm đầu tư khai thác sân bay Biên Hòa để giảm tải cho Tân Sơn Nhất

Thứ Hai, 31/07/2023, 07:10

Theo Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TSN), mặc dù năng lực hành khách thông qua tại sân bay là 28 triệu hành khách/năm nhưng cao điểm vào thời điểm trước dịch bệnh, năm 2019 sân bay TSN đã phục vụ hơn 41 triệu hành khách. Năm nay sân bay TSN cũng sẽ phục vụ hơn 34 triệu lượt.

Công suất khai thác đã quá tải khiến sân bay TSN rất dễ xảy ra tình trạng chậm chuyến, nối đuôi chờ cất cánh hoặc bay lòng vòng trên bầu trời để chờ đến lượt hạ cánh, nhất là vào các dịp cao lễ, Tết. Dịp này, dù cao điểm đi lại dịp hè đã bớt nóng, nhưng lượng khách quốc nội, quốc tế tập trung về TSN vẫn khá đông khiến chỉ một nguyên nhân gây ảnh hưởng nhỏ tới sân bay, hành khách lập tức có thể bị trễ chuyến hoặc bị kéo dài thời gian bay.

Sớm đầu tư khai thác sân bay Biên Hòa để giảm tải cho Tân Sơn Nhất -0
Khách đi máy bay chờ làm thủ tục an ninh tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Gần đây nhất, chiều tối 27/7 vừa qua nhiều hành khách đi trên chuyến bay từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh đã phải ngồi 2,5 tiếng trên trời chờ máy bay hạ cánh. Nguyên nhân trong buổi sáng cùng ngày trời mưa lớn tại sân bay TSN khiến máy bay về đây không thể hạ cánh gây ảnh hưởng dây chuyền đến các chuyến bay sau đó.

Thời gian qua đơn vị khai thác sân bay TSN đã triển khai nhiều giải pháp như cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh phương án khai thác, đề xuất các giải pháp điều hành phù hợp, khai thác thêm cửa số 15 và 26, điều phối luồng tuyến các khách tại các sảnh A, B phù hợp và giám sát chặt chẽ việc thực hiện slot bay…

Đơn vị khai thác đã bỏ việc kiểm soát hành lý ký gửi đối với hành khách đến sân bay để giảm tải ùn ứ hành khách tại ga quốc nội. Thậm chí, lúc cao điểm việc kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách tại cửa ra máy bay cũng đã được bỏ, nhưng tình hình tắc nghẽn tại sân bay TSN vẫn diễn ra nghiêm trọng trong những dịp cao điểm hoặc vì nguyên nhân khách quan như thời tiết. Tắc nghẽn tại sân bay TSN đã và đang gây thiệt hại không nhỏ cho các hãng hàng không. Nhất là khi đến nay đã có tới 98% đường bay quốc nội đều có chuyến bay kết nối với sân bay TSN và chi phí cho hoạt động được tính bằng giờ khai thác máy bay.

Trong khi đó, thông tin Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó sân bay TSN tiếp tục được xác định là cảng hàng không quốc tế và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không lưỡng dụng đã được dư luận đón nhận. Phó GS.TS Nguyện Thiện Tống, một chuyên gia về hàng không cho rằng, sự phát triển về kinh tế, tài chính, thương mại, du lịch… của một đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh đã tạo ra nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.

Cụm sân bay TSN và Biên Hòa hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho khu vực TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khu vực phía Nam trong vài chục năm tới. Vấn đề còn lại chỉ là là đầu tư hoàn thiện hạ tầng và khai thác hai sân bay này ra sao để có thể nhanh chóng giảm bớt áp lực cho sân bay TSN.

TS Trương Thị Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và quản lý từng khẳng định, sân bay TSN còn nhiều khả năng cải tạo, nâng cấp để đạt tới con số 60-80 triệu hành khách. Nhất là khi tại đây đang còn sân golf diện tích gần 160ha.

Cựu chiến binh Lê Trọng Sành, nguyên Trưởng phòng Quản lý bay sân bay TSN cũng đã nhiều năm bảo lưu quan điểm khai thác lưỡng dụng sân bay Biên Hòa để giảm tải cho sân bay TSN. Bởi kết nối giữa 2 sân bay này không quá xa, lại đã có sẵn 2 tuyến đường bộ, tuyến đường sắt thống nhất và tuyến Metro số 1 của TP Hồ Chí Minh dự kiến sẽ được kéo dài tới TP Biên Hòa.

“Để lãng phí sân bay Biên Hòa trị giá khoảng 20 tỷ USD nhưng lại để cho sân bay TSN quá tải, tắc nghẽn là điều nghịch lý không thể chấp nhận. Nhanh chóng đưa sân bay Biên Hòa thành sân bay lưỡng dụng nhằm giảm tải cho sân bay TSN với số vốn đầu tư khá thấp là việc cần sớm được triển khai”, KTS Trần Đình Bá nêu quan điểm.

Bảo Sơn
.
.