Tăng giá vé buýt, người dân có “quay lưng” với phương tiện công cộng?

Thứ Tư, 18/10/2023, 07:52

Thời gian gầy đây, dịch vụ vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) tại Hà Nội tăng mạnh về số lượng và chất lượng, góp phần giải quyết một phần nhu cầu đi lại của người dân, giảm tai nạn, ùn tắc. Tuy nhiên, trong khi người dân đang có xu hướng dịch chuyển bằng xe buýt đông hơn vì chi phí rẻ thì Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã có đề xuất tăng giá vé. Điều này khiến không ít người lăn tăn, trong khi Nhà nước tìm nhiều cách hỗ trợ người dân tạo thói quen đi lại bằng VTHKCC thì việc tăng giá lúc này có là hợp lý? Liệu hành khách đi buýt có quay lưng?

Xe buýt Hà Nội ngày càng hút khách

Hà Nội hiện đang khai thác 154 tuyến buýt, trong đó có 132 tuyến buýt trợ giá, 8 tuyến buýt không trợ giá, 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến City tour. Tổng số xe buýt đang khai thác trên toàn mạng là 2.279 xe, trong đó có 277 xe sử dụng năng lượng sạch (139 xe CNG và 138 xe buýt điện); có trên 1.200 xe đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 4 trở lên. Mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt đã tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, đạt 100%; 192/286 trường đại học, cao đẳng, trung học phổ thông đạt 70%; 33/37 khu đô thị đạt 89%.

Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội, sản lượng vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, tăng 67,7% so với năm 2021. Trong khi đó, thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho biết, tổng lượng hành khách đi lại bằng xe buýt toàn thành phố 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 223,8 triệu lượt.

Chị Thu Cúc (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, tôi sử dụng xe máy, thậm chí cả ôtô để di chuyển vào quận Hoàn Kiếm làm việc, nhiều hôm tắc đường chờ đợi rất mệt mỏi. Nhưng một năm trở lại đây, tôi bỏ xe cá nhân để di chuyển bằng xe buýt. Trên xe có điều hòa mát lạnh vào mùa hè, đội ngũ nhân viên tận tình chu đáo. Giá vé hằng tháng cũng chỉ 200.000 đồng, rẻ hơn một nửa so với di chuyển bằng xe cá nhân. Ngồi trên xe lại không có cảm giác mệt mỏi. Cơ quan cũng có các đồng nghiệp chia sẻ về chất lượng các tuyến buýt nên ngày càng có nhiều người quyết định thay đổi thói quen, rủ nhau đi làm vé tháng để đi buýt cho tiện”.

Tăng giá vé buýt, người dân có “quay lưng” với phương tiện công cộng? -0
Hành khách đi xe buýt ngày một tăng.

Thực tế, lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Hà Nội cho biết, chất lượng VTHKCC bằng xe buýt ở Thủ đô đã có những chuyển biến đáng kể. Tình trạng tùy tiện bỏ điểm dừng đỗ, bỏ chuyến lượt, chạy sai biểu đồ vận hành đã giảm đáng kể so với trước. Đoàn phương tiện xe buýt Thủ đô được tăng cường về số lượng, chất lượng. Các xe cũ bị loại bỏ hoàn toàn, thay thế và bổ sung bằng các phương tiện có chất lượng, trên 90% số phương tiện có tuổi dưới 10 năm. Công tác bảo dưỡng, vệ sinh xe duy trì thường xuyên, đảm bảo chất lượng và mỹ quan khi đưa ra hoạt động. Nhà chờ xe buýt cũ xuống cấp cũng được duy tu sửa chữa và bổ sung nhằm phục vụ hành khách tốt nhất. Đáng chú ý, văn hóa xe buýt đã dần hình thành, những hình ảnh đẹp về văn minh, lịch sự như giúp đỡ, nhường ghế cho người già yếu, người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, trả lại tài sản cho hành khách... ngày càng phổ biến. Chiều ngược lại, thư góp ý, phản ánh về xe buýt ngày càng giảm.

Tuy nhiên, cũng theo vị lãnh đạo trên, việc phát triển hạ tầng phục vụ xe buýt hiện đang gặp nhiều khó khăn do hạn chế về quỹ đất và quy hoạch phát triển chưa đồng bộ. Trên mạng lưới rất khó tổ chức giao thông, tách làn hỗn hợp, tạo làn riêng cho xe buýt, không có quỹ đất để hình thành những điểm trung chuyển liên tuyến, nội mạng, điểm đầu cuối ổn định. Bên cạnh đó, tại các khu đô thị mới, các tuyến đường mới đầu tư xây dựng ngay từ khâu chuẩn bị dự án chưa dành quỹ đất cho hoạt động xe buýt. Thậm chí, hạ tầng trên tuyến thường xuyên bị chiếm dụng, xâm phạm.

Việc tăng giá không quan trọng bằng việc có thuận lợi, an toàn hơn không

Với lý do cần tăng doanh thu, mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã đề xuất tới UBND TP tăng giá xe buýt. Sở GTVT Hà Nội đề xuất, từ ngày 1/1/2024 sẽ tăng giá vé xe buýt thêm 1.000- 11.000 đồng so với hiện nay, tùy thuộc cự ly, loại vé và diện ưu tiên.

Lý giải cho đề xuất trên, Sở GTVT cho rằng từ năm 2014 đến nay thành phố đã không điều chỉnh nên giá vé đang rất thấp so với mặt bằng thu nhập người dân. Thu nhập bình quân của người Hà Nội năm 2022 khoảng 8,4 triệu đồng, tăng 75% so với năm 2014. Theo tính toán, chi phí đi lại chiếm khoảng 10% tổng thu nhập, tương ứng mỗi người chi 800.000 đồng "là chấp nhận được". Sở cũng nêu các lý do khác như chi phí cho hoạt động vận tải công cộng đã tăng gần 50% so với năm 2014. Tăng giá vé xe buýt giúp tăng thu, giảm mức trợ giá, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách của thành phố. Giai đoạn 2015- 2019, ngân sách thành phố trợ giá xe buýt trung bình 1.370 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2020-2022 khoảng 2.200 tỷ đồng/năm và năm 2023 dự kiến 2.750 tỷ đồng. Sở GTVT đề nghị UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì thẩm định phương án điều chỉnh giá vé xe buýt trong tháng 12, áp dụng từ 1/1/2024.

Nhìn nhận về đề xuất tăng giá vé xe buýt, ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC TP Hà Nội cho rằng, việc tăng thêm một vài nghìn trên mỗi vé không quá ảnh hưởng đối với người dân. Tuy nhiên, chỉ nên tăng với khách đi vé lượt, không nên tăng vào vé tháng. Mặt khác, quan trọng là việc tăng như thế, nhưng chất lượng dịch vụ, tính tiện ích của phương tiện công cộng có thật sự tăng lên hay không. VTHKCC không nên lấy lợi nhuận làm đầu, mà quan trọng là trật tự đô thị thông qua thói quen an toàn, giảm xe cá nhân, giảm ùn tắc. Khi anh đáp ứng được các chỉ tiêu này, người dân sẽ tự biết so sánh, tự biết chọn nên sử dụng xe cá nhân hay phương tiện công cộng rẻ hơn, an toàn hơn. Để thu hút người dân, cần đa dạng hóa loại hình xe buýt. Để mọi khu vực, người dân có thể tiếp cận được xe buýt, thì đường nhỏ nên có loại xe buýt nhỏ, đường trung bình có loại xe trung bình, đường lớn thì có xe buýt lớn. Về việc sử dụng nhiều loại hình xe buýt khác nhau, ở các nước phát triển đã áp dụng và rất thành công.

Tương tự, TS Phan Lê Bình, chuyên gia giao thông cho rằng, để xe buýt hoạt động thuận lợi, cần có cơ cấu đầu tư thích hợp vào các điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng đỗ dọc tuyến nhằm đảm bảo an toàn cho xe buýt dừng đỗ, ra vào đón trả khách thuận tiện và an ninh trật tự trên xe, trên tuyến. Điểm đầu cuối phải được thiết kế sao cho đảm bảo về mỹ quan đô thị, đảm bảo khả năng thông qua của xe buýt, đảm bảo quay trở đầu xe dễ dàng và có thể kết nối với các phương thức vận tải khác.

Hệ thống hạ tầng xe buýt trên địa bàn Hà Nội đến nay bao gồm 4.405 điểm dừng, 351 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, 127 điểm đầu cuối và 12,9km đường dành riêng cho xe buýt (12,6km làn đường dành riêng cho xe BRT và 0,3km làn đường dành riêng cho xe buýt trên đường Yên Phụ) đã góp phần cải thiện chất lượng phục vụ của mạng lưới, đảm bảo an toàn cho phương tiện và hành khách. Đến hết năm 2022, số phương tiện toàn mạng là 2.288 xe (buýt trợ giá là 2.033 xe), tất cả các xe đều trang bị hệ thống giám sát hành trình (GPS), camera giám sát trên xe, hệ thống tự động báo điểm dừng, đèn LED,...

Đặng Nhật
.
.