Thay đổi thói quen lái xe của đồng bào vùng cao khi đã uống rượu, bia

Thứ Năm, 26/10/2023, 07:45

Tỉnh Quảng Ninh có điều kiện địa lý đặc thù với toàn bộ 13 đơn vị hành chính cấp huyện đều là miền núi và có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm gần đây, do hạ tầng giao thông phát triển, người dân vùng cao ngày càng mua sắm nhiều phương tiện giao thông, khi nhiều thói quen chưa dễ bỏ như việc uống rượu, bia, tiềm ẩn nguy cơ khi tham gia giao thông.

Là huyện miền núi nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, người dân huyện Tiên Yên từ lâu thói quen uống rượu đã thấm sâu vào sinh hoạt cộng đồng của đồng bào vùng cao, được xem như một nét văn hóa tồn tại nhiều đời nay. Vì vậy dường như nhà nào cũng có thể tự nấu hay ủ rượu, trong nhà lúc nào cũng có cả can rượu để sử dụng hằng ngày và mời bạn bè, họ hàng.

Bất kể trong thôn, bản có việc gì, từ lễ hội, hiếu hỉ đến cúng giỗ, nhà mới, xe mới, thậm chí chỉ ngẫu hứng mổ gà, giết lợn là người ta gọi nhau đến tập trung uống rượu. Nguy hiểm nhất là khi đã ăn uống no say, nhiều người dân vô tư điều khiển xe máy đi khắp làng trên, xóm dưới ra quốc lộ…

Thay đổi thói quen lái xe của đồng bào vùng cao khi đã uống rượu, bia -0
Công an huyện Đầm Hà kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông.

Anh Chíu Chắn L., ở xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên) đã từng phải nằm viện điều trị thương tích cả tháng do điều khiển xe máy trong lúc say rượu. Đến giờ đã thấu hiểu tác hại của việc uống rượu, bia khi lái xe, anh L. thừa nhận việc này nguy hiểm lắm! "Tôi bị ngã xe đa chấn thương, đã không làm việc để nuôi gia đình được, còn phải tốn nhiều tiền để mua thuốc và chữa trị", anh L. nói thêm.

Chị Lê Thị Phương, ở xã Bình Minh (huyện Tiên Yên) cũng thừa nhận việc uống rượu mà lái xe máy là rất nguy hiểm. Trong xã có nhiều người gặp tai nạn rồi, bản thân chồng chị cũng từng bị ngã gãy chân phải nằm viện nhiều tháng. "Nhưng thời gian gần đây khác rồi, chẳng hạn nếu mai mà đi đâu thì hôm nay cũng không dám uống nữa. Bởi vì bây giờ hành vi vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt rất cao nên mọi người không dám uống như trước", chị Phương nói.

Cụ thể, trong thời gian qua lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh mà chủ công là Công an các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn giao thông, góp phần nâng cao dân trí cũng như ý thức trách nhiệm xã hội cho đồng bào vùng cao. Với tinh thần "đi từng ngõ, gõ từng nhà", lực lượng Công an đã đến từng thôn bản vận động, tổ chức các buổi tuyên truyền tại các tụ điểm cộng đồng, hỗ trợ đồng bào các dân tộc hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ và tác hại của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Điển hình như tại huyện Ba Chẽ, Trung tá Phạm Thanh Hải, Đội trưởng Đội CSGT cho biết đã thành lập tổ công tác về tận các bản, làng đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao để thực hiện công tác tuyên truyền. Trước mỗi buổi tuyên truyền, cán bộ, chiến sĩ Công an đều tìm tòi nghiên cứu để tìm ra những nội dung cần tuyên truyền, cách tuyên truyền làm sao phải dễ nghe, dễ hiểu, mang tính trực quan sinh động nhằm tạo điều kiện cho bà con dễ nắm bắt. Nội dung tuyên truyền phải gắn với thực tiễn trong quá trình tham gia giao thông của bà con, như: Đội mũ bảo hiểm, không chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện không lạng lách, đánh võng, đặc biệt trong các dịp lễ đã uống rượu, bia là không được lái xe...

Hay như tại huyện Hải Hà, Trung tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó đội trưởng Đội CSGT-TT cho biết, dù thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, nhưng bên cạnh cũng phải kết hợp việc tuyên truyền, khi phát hiện vi phạm, đôi khi chỉ nghiêm túc nhắc nhở để bà con nắm rõ quy định…

Theo Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội CSGT đường bộ số 3 (Phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Ninh) cho biết, giải pháp chính là phải tuyên truyền sâu rộng để bà con ý thức rõ đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông. "Đặc biệt, những hình ảnh trực quan về hậu quả đau thương của các vụ TNGT trên địa bàn Quảng Ninh và cả nước đã đem đến những hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi nhận thức của bà con", Trung tá Nguyễn Văn Cường nói.

Song song với việc đổi mới các hình thức tuyên truyền, Công an các đơn vị, địa phương thuộc Công an tỉnh Quảng Ninh cũng thực hiện nghiêm việc xử lý các vi phạm giao thông để đảm bảo tính răn đe; tổ chức tuần tra khép kín với tinh thần kiên quyết, triệt để, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Cũng theo Trung tá Nguyễn Văn Cường, Đội CSGT đường bộ số 3 thực thi nhiệm vụ ở các huyện miền Đông của tỉnh Quảng Ninh, chỉ tính trong 2 tháng qua đã phát hiện xử lý gần 150 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn. Nhiều trường hợp bị phát hiện xử lý ở mức vi phạm cao, có dấu hiệu không tỉnh táo khi điều khiển phương tiện.

Vẫn biết việc thay đổi thói quen mang tính văn hóa ở vùng cao của Quảng Ninh cũng như nhiều tỉnh, thành khác là một việc khó khăn, cần thời gian dài. Tuy nhiên, những chuyển biến bước đầu thực sự là điều đáng khích lệ đối với Công an tỉnh, nhất là lực lượng CSGT và Công an các địa phương đặc thù, góp phần xây dựng nếp sống mới "đã uống rượu bia thì không lái xe", nâng cao ý thức pháp luật và quan trọng hơn để giảm thiểu những tai nạn thương tâm cho người dân.

V. Huy - NG. Khánh
.
.