Vì sao liên tục xảy ra tai nạn đường sắt?

Thứ Năm, 14/03/2024, 08:03

Thời gian gần đây, tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ xảy ra ở đường bộ mà còn liên tục xảy ra ở đường sắt, nhất là các đoạn đường có lối đi tự mở. Trong khi đó, hầu hết dự án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt chưa được triển khai…

Liên tiếp tai nạn

Khoảng 12 giờ 15 phút ngày 11/3, một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại đoạn qua xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Vụ tai nạn khiến đầu kéo tàu hỏa biến dạng, xe đầu kéo hư hỏng nặng, rất may không có thương vong về người.

Vì sao liên tục xảy ra tai nạn đường sắt? -0
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại Hải Phòng ngày 7/3/2024.

Theo các nhân chứng tại hiện trường, vào thời điểm trên, khi xe đầu kéo 37H 056.76 kéo theo rơ-móoc 37R 047.39 (chưa rõ danh tính người điều khiển) chở cát, cố băng qua đường tàu thì xảy ra va chạm với đoàn tàu số hiệu VNR-D19E-921 đang lưu thông theo hướng Nam-Bắc. Cú đâm mạnh khiến đầu xe tải biến dạng. Đầu kéo tàu hỏa cũng bị biến dạng, một số toa lệch khỏi ray. Ngay khi nhận tin báo, cơ quan chức năng huyện Nghi Lộc, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Nghệ An đã có mặt tại hiện trường để điều tra nguyên nhân vụ việc. Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đã điều một đầu máy đến để thay cho đầu máy bị hư hỏng.

Lực lượng chức năng huy động xe cẩu loại 100 tấn để di dời xe đầu kéo ra khỏi khu vực xảy ra tai nạn, tuy nhiên, công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Sau hơn 3 giờ bị tê liệt, đường sắt Bắc-Nam mới có thể lưu thông trở lại. Điều đáng chú ý là nhiều người dân địa phương phản ánh, từ đầu năm đến nay, tại vị trí này đã xảy ra 4 vụ tai nạn đường sắt. Khu vực trên chỉ có biển báo chứ không có rào chắn. Tại địa điểm giao nhau này, lực lượng chức năng đã cắm biển cấm xe ôtô từ 9 chỗ và xe tải từ 2,5 tấn lưu thông.

Trước đó, rạng sáng 7/3, tàu hỏa mang số hiệu H2114 kéo theo 24 toa hàng di chuyển trên đường sắt Hải Phòng–Hà Nội. Đến nút giao với đường dân sinh tại km87+400, thuộc địa phận xã An Hưng (huyện An Dương, TP Hải Phòng), tàu hỏa va chạm với xe tải mang BKS 29H-805.xx do Đ.V.D (SN 1999, quê Thái Nguyên) điều khiển. Cú va chạm mạnh cũng khiến xe tải gãy đôi trên đường ray. Rất may, tài xế xe tải chỉ bị thương nhẹ.

Cũng trong đầu tháng 3, tại lối đi tự mở Km 94+570 địa bàn phường Hùng Vương, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng xảy ra vụ TNGT đường sắt giữa tàu hỏa HP1 đầu tàu số hiệu 925 kéo theo 18 toa chở khách. Trưởng tàu là Cao Tô Ng, lái tàu Lê Đỗ Q điều khiển tàu đi theo hướng Hà Nội-Hải Phòng đến địa điểm trên đã va chạm với xe máy BKS 15K1-487.2X do ông Phạm Văn M (sinh năm 1953, trú huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) điều khiển, đi theo hướng từ đường Hùng Vương sang quốc lộ 5 mới. Cú va chạm đã khiến ông M tử vong tại chỗ.

Hầu hết dự án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt chưa được triển khai

Dù chưa có một thống kê cụ thể nào số vụ TNGT đường sắt từ đầu năm đến nay tăng hay giảm, song chỉ nhìn từ đầu tháng 3 đến nay, tai nạn đường sắt liên tiếp xảy ra cho thấy cần cấp bách có các giải pháp cảnh báo, đẩy mạnh tuyên truyền, xử phạt và xử lý nghiêm minh những hành vi lấn chiếm, vi phạm an toàn hành lang, an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.

Mới đây, theo báo cáo của Bộ GTVT về việc triển khai Quyết định số 994/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt thì giai đoạn từ năm 2014-2020, do khó khăn về vốn, ngân sách Nhà nước không bố trí cho các công trình, dự án như: Công tác đền bù giải tỏa hành lang an toàn đường sắt; cắm mốc hành lang ATGT đường sắt; xây dựng đường gom, hàng rào cách ly giữa đường bộ và đường sắt; xây dựng cầu đường bộ tách khỏi cầu chung đường sắt; xây dựng các cầu trên quốc lộ vượt đường sắt quốc gia. Vì vậy, hầu hết các dự án công trình ATGT đường sắt theo Quyết định 994 chưa được triển khai.

Về các dự án nâng cấp, cải tạo, sửa chữa đường ngang, từ năm 2015 đến năm 2023, kinh phí để thực hiện nâng cấp cải tạo đường ngang là 1.634 tỷ đồng. Trong đó, năm 2015 là 170 tỷ đồng; năm 2017 là 110 tỷ đồng; năm 2018 là 170 tỷ đồng; năm 2019 là 480 tỷ đồng; năm 2022 là 304 tỷ đồng; năm 2023 là 400 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, cơ quan chức năng đã thực hiện hoàn thành được 1.060 đường ngang; hoàn thành nâng cấp, cải tạo 452 đường ngang phòng vệ bằng biển báo thành đường ngang cảnh báo tự động lắp cần chắn tự động và đường ngang có người gác; hoàn thành 382/566 đường ngang với kinh phí được cấp 600 tỷ đồng.

Với 184 đường ngang còn lại, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Kế hoạch lập lại trật tự hành lang ATGT đường sắt theo Quyết định số 994 đến hết năm 2025 và bố trí kinh phí để tiếp tục triển khai hoàn thành việc sửa chữa, bổ sung đầy đủ hệ thống thông tin, tín hiệu trong Kế hoạch.

Theo Bộ GTVT, các hạng mục công trình đường sắt chưa được thực hiện theo Quyết định 994 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo Quyết định số 358/2020.

Vì vậy, để đảm bảo tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác lập lại trật tự hành lang an toàn đường sắt giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ban hành chỉ thị hoặc công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án. Về kinh phí thực hiện, đề nghị các địa phương có đường sắt đi qua ưu tiên bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để xây dựng đường gom, hàng rào nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn hoặc từ nguồn ngân sách Trung ương phân bổ cho địa phương theo từng dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đặng Nhật
.
.