Những chiến sỹ “4 cùng” với dân

Thứ Năm, 04/08/2005, 14:34
Quả thực rất khó khăn khi muốn đưa cả bản thành tích rất dài vào một bài viết ngắn. Bởi gần 60 năm thành lập, những chiến công của họ không thể đếm đo, mà đã đi vào tiềm thức nhiều thế hệ, vào đời sống của biết bao bản làng, bao xứ đạo... 33 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã tự rèn cho mình một thói quen khắc kỷ: Phải biết hy sinh những niềm vui bé mọn của riêng mình cho niềm vui chung của bà con.

Nhìn từ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Phòng Bảo vệ chính trị IV đã triệt phá nhiều tổ chức phản động, truy quét nhiều vụ gián điệp biệt kích xâm nhập. Vụ xưng đón vua ở Pù Nhi năm 1957 có lẽ là một kỷ niệm đầy gian khó nhưng cũng rất đáng tự hào của đơn vị. Không những đã  ngăn chặn được hậu quả xấu của vụ việc mà các chiến sỹ đã hướng cụ Hơ Lão Tú tìm lại được con đường sáng theo cách mạng.

Năm 1999, chính cụ Hơ Lão Tú là người giúp các trinh sát trong một tình huống không dễ dàng. Ba đối tượng là Giàng A Pó, Gia Văn Hơ và Sùng Văn Hơ, ở bản Lốc Há - Pù Nhi đã lầm đường, nghe theo lời kẻ xấu, tìm cách kích động bà con. Phòng Bảo vệ chính trị IV đã lập kế hoạch đấu tranh ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, tên chủ mưu Sùng Văn Hơ sau khi thấy động đã mang theo khẩu súng bỏ trốn vào rừng, tìm đường chạy sang Lào.

Tổ công tác của đơn vị đã huy động lực lượng bao vây, phát hiện y đang ẩn náu trong hang núi Hin Phăng. Sùng Văn Hơ còn dọa sẽ nổ súng nếu Công an tới gần. Một mặt các trinh sát vẫn kiên trì bám sát đối tượng, mặt khác nhờ cụ Hơ Lão Tú thuyết phục Sùng Văn Hơ đi theo cái lý của người Mông hợp với cái lý của Nhà nước. Và cuối cùng, tới 3h sáng 26/1/1999, Sùng Văn Hơ đã ra hàng, giao nộp vũ khí và khai báo thành khẩn hành vi của mình.

Cũng năm 1999, các trinh sát phải giải quyết trường hợp một số đối tượng đã len vào trong dân bản phao lên tin đồn nhảm: "Năm 2000 là ngày tận thế, ai theo đạo sẽ không bị chết". Không dễ loại bỏ những thông tin hoang mang này nếu không kịp thời đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Bằng sự tận tâm, tận lực, bằng uy tín của mỗi người và đánh cược cả niềm tin của bà con với lực lượng Công an, các chiến sỹ đã kiên trì vận động, giúp đỡ bà con trong những công việc cụ thể, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những đối tượng xấu xuyên tạc sự thật.

Và cuối cùng, mùa xuân năm 2000 có lẽ là xuân vui nhất của bà con dân tộc Mông dọc miền biên giới Thanh Hóa, bởi không những họ thoát được cái bóng của hoang mang mà còn có thêm những người con tận tụy, gắn bó. Và giờ đây, trên 27 bản mới quy hoạch, với các chiến sỹ đã là chốn thân quen.

Ai đã từng đi qua Quan Hóa, Mường Lát của Thanh Hóa mới thấy đoạn trường gian khó. Vậy mà giống như những người leo núi chuyên nghiệp, các chiến sỹ đã mấy chục năm quần xắn, trèo núi, băng rừng đến với đồng bào. Trung tá Lữ Minh Dậu, Trưởng phòng Bảo vệ chính trị IV, người đã hơn ba chục năm thao thức với miền rừng này kể về những chuyến đi vào bản giống như tâm sự về thời trai trẻ của mình.

Anh vốn là người miền núi, đi lính rồi đi học, sau trở lại quê nhà anh nhìn thấy những cánh rừng đầu nguồn bị đốt chặt, anh chợt nhận ra mình phải có nghĩa vụ với mảnh đất này nhiều hơn, phải làm sao để bà con hiểu chuyện, bớt đi những hủ tục lâu ngày. Và anh cùng đồng đội đến từng nhà, đâu dân cần là đến, đâu dân khó khăn là giúp đỡ.

Hơn hai mươi năm, Thiếu tá Trịnh Văn Bẩy, Đội trưởng An ninh miền núi tự chia lịch làm việc cho mình, dành 20 ngày cùng đồng đội đi dọc 192 km biên giới Thanh Hoá - Hủa Phăn (Lào). Ngước mắt quen thấy núi với mây, chân quen cây rừng lấp lối, quen cả những bữa cơm chấm muối và những cơn lũ cuốn đầu nguồn bất chợt ập đến. Giọng của Trịnh Văn Bẩy giờ hệt như những người đàn ông Mông, với thổ âm nằng nặng và cách dùng từ… khác thường. Thuộc mọi thói quen, tập quán và biết cả những băn khoăn của đồng bào, thế nên, những cái dốc như dốc Bò Lết, người đi sau chỉ trông thấy chân người đi trước, những bản Đục, bản Vịn cheo leo giữa những sườn đá tai mèo cũng không khiến anh và đồng đội chồn chân.  

Có lẽ, không ai vất vả bằng anh em trinh sát bảo vệ chính trị, thời gian họ dành cho gia đình, cho riêng tư của mình thực sự eo hẹp. Trong khi cuộc sống bên ngoài thay đổi, giá cả leo thang thì đồng lương chiến sỹ không tăng là bao. Có những trinh sát gần cả đời gắn bó với đơn vị vẫn không đủ tiền để mua nổi một chiếc xe máy Trung Quốc.

Anh vẫn đi công tác dài ngày, dù vợ anh ở nhà chưa kiếm được việc làm. Trung tá Lữ Minh Dậu tâm sự, ở đây bọn mình lấy "liệu pháp tinh thần" làm trọng, chứ nghĩ đến chuyện thu nhập thì chẳng ai còn hào hứng nữa đâu. Ngay bản thân mình, mãi đến mấy năm gần đây mới có được cái xe Dream Trung Quốc để đi công tác. Thế nên càng phải động viên anh em trẻ, với cuộc sống bây giờ, để các em còn dám hy sinh, cống hiến là chuyện không đùa với bất cứ ai…

Có lẽ, chỉ ở Phòng Bảo vệ chính trị IV mới có khái niệm "4 cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng của đồng bào. Nhưng công việc của họ không chỉ là như vậy, bảo đảm an ninh chính trị cả vùng dân tộc, vùng giáo, không để xảy ra điểm nóng ở nông thôn và thành thị… những nhiệm vụ ấy vẫn dồn đều lên vai các cán bộ, chiến sỹ. Công việc là nhiệm vụ giao, dẫu biết vất vả, dẫu biết hy sinh nhưng họ đã quyết dấn thân. Để biết bao thế hệ đi qua và để lại, mỗi thế hệ là một trang sử hào hùng. Sự thật ấy hiển nhiên và đẹp hơn rất nhiều những lời ngợi ca

Dương Toàn
.
.