Báo động vấn nạn buôn bán nội tạng người

Thứ Năm, 31/12/2015, 08:00
Ngày 24-12, hãng Reuters dẫn một tài liệu của cái gọi là "Ủy ban Fatwa và nghiên cứu" thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, do chính phủ Mỹ công bố cho biết, IS cho phép lấy nội tạng từ tù nhân còn sống để cứu người Hồi giáo bất chấp việc gây tử vong cho nạn nhân. Và đây còn là một trong những biện pháp trừng phạt tù nhân của IS. 

Tài liệu này được quân đội Mỹ tìm thấy khi truy quét IS ở miền Đông Syria hồi hạ tuần tháng 1. Và trong cuộc đột kích tại Syria hồi tháng 5, đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt kẻ phụ trách tài chính của IS Abu Sayyaf, bắt vợ tên này và thu 7 terabyte dữ liệu liên quan tới vấn đề này.

Theo ông Brett McGurk, đặc phái viên của Tổng thống Barack Obama cho biết, "Ủy ban Fatwa và nghiên cứu" đã báo cáo trực tiếp với thủ lĩnh tối cao IS là Abu Bakr al-Baghdadi về vấn đề này. Và những tài liệu kể trên cũng cho thấy, IS đang buôn bán nội tạng người để lấy tiền nuôi quân, phục vụ chiến tranh. Đại sứ Iraq tại Liên hợp quốc Mohammed Ali Alhakim từng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc xem xét lại bằng chứng IS buôn nội tạng người.

Người bán thận tố cáo bọn buôn bán nội tạng.

Hãng Reuters và tờ Sputnik cũng từng dẫn tuyên bố của ông Said Mamuzini, đại diện chính thức của Đảng Dân chủ người Kurd ở thành phố Mosul tại miền Bắc Iraq cho biết, IS đang buôn bán nội tạng người ở nước này. Sau khi IS chiếm Mosul, chúng đã mở một phòng khám đặc biệt và các ca phẫu thuật đều do bác sỹ của chúng tiến hành, để lấy nội tạng của dân địa phương bán cho các khách hàng giàu có. Theo ông Said Mamuzini, IS lấy nội tạng của tất cả mọi người, kể cả phụ nữ, trẻ em và người già, còn đối với những tù nhân, chúng hứa thả sớm nếu chịu nộp một bộ phận cơ thể nào đó.

Hơn 7 tháng trước (13-5), các công tố viên Israel từng khởi tố đường dây buôn bán nội tạng người xuyên quốc gia. 7 đối tượng bị bắt đã tổ chức hoặc tiến hành các ca cấy ghép tại Azerbaijan, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và Kosovo cho người Israel và đường dây này tồn tại trong nhiều năm qua. Trong số những người bị bắt đáng chú ý có Moshe Harel, đối tượng từng bị toà án do Liên minh châu Âu đứng đầu tại Kosovo xét xử năm 2013 vì tội buôn bán nội tạng tại Trung tâm Y tế Pristina.

Trước đó (26-5-2012), cảnh sát Israel từng bắt 10 người trong đường dây chuyên buôn bán nội tạng người. Giám đốc Bệnh viện Lutfi Dervishi và 6 người bị giam tại Pristina vì tội buôn lậu nội tạng. Sau đó (tháng 11-2012), Bệnh viện Erasmus ở Hà Lan đã kêu gọi các bệnh viện tại châu Âu hợp tác để chống lại nạn buôn bán nội tạng người trái phép. Theo đó, các bệnh viện sẽ thu thập thông tin về hoạt động này và cung cấp cho cơ quan cảnh sát châu Âu Europol.

14 nước châu Âu, trong đó có Anh, Tây Ban Nha, Italia, Thổ Nhĩ Kỳ... muốn ký một hiệp định quốc tế đầu tiên trên thế giới trong lĩnh vực chống buôn lậu nội tạng người. Bởi theo dự luật của Hội đồng châu Âu, mọi hành động lấy nội tạng khỏi cơ thể con người, khi còn sống cũng như khi đã chết mà không có sự cho phép của người đó, đều là bất hợp pháp; đồng thời cấm kinh doanh từ hoạt động cấy ghép nội tạng. Tổng thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjoern Jagland nhấn mạnh, buôn bán nội tạng người đang là vấn nạn nhức nhối của thế giới.

Trước đó (9-7-2014), Hội đồng châu Âu từng thông qua một công ước quốc tế coi buôn bán nội tạng người là phạm tội, tạo hành lang pháp lý để cảnh sát truy bắt các băng đảng xuyên quốc gia tham gia vào hoạt động này. Theo thống kê, mỗi ngày có thêm 12 người châu Âu chờ được ghép tạng do thiếu nội tạng đã tạo ra thị trường hấp dẫn đối với bọn buôn lậu.

Hơn 3 năm trước (10-5-2012), với 127/140 phiếu thuận, Quốc hội Albania đã cho phép Liên minh châu Âu điều tra độc lập cáo buộc cho rằng, các chiến binh sắc tộc Albania đã bán nội tạng của những người Serbia bị bắt giữ trong cuộc xung đột ở Kosovo năm 1999.

Gần 5 năm trước (16-2-2011), Ngoại trưởng Serbia Vuk Jeremic từng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở cuộc điều tra độc lập xung quanh cáo buộc Thủ hiến Kosovo Hashim Thaci đứng sau các vụ buôn nội tạng người năm 1999. Trước đó (26-1-2011), Hội đồng châu Âu cũng yêu cầu Kosovo, Albania và phái bộ Liên minh châu Âu tại Kosovo điều tra các cáo buộc cho rằng, Thủ tướng Kosovo cầm đầu một đường dây buôn nội tạng.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trung bình mỗi năm có khoảng 10.000 ca ghép nội tạng được thực hiện trái phép trên thế giới, trong đó có sự tham gia của bọn tội phạm quốc tế. Vẫn theo WHO, 1 trái tim có thể được bán với giá khoảng 1,5 triệu USD trên thị trường chợ đen, tuyến tụy hoặc gan có giá gần 750.000USD, 1 quả thận mua của nạn nhân chỉ với giá hơn 18.500USD, nhưng được bán với giá khoảng 125.000USD trên thị trường chợ đen.
Lư Tuấn Nghĩa
.
.