Maldives:

Bắt cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom

Thứ Bảy, 10/02/2018, 00:22
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi Chính phủ Maldives dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và đảm bảo an toàn cho công dân nước này, kể cả các thành viên thuộc bộ máy tư pháp.

Bởi ông Antonio Guterres vô cùng quan ngại về tình trạng leo thang tại Maldives, nhất là khi lực lượng cảnh sát xông vào trụ sở Tòa án Tối cao. Việc này diễn ra sau khi Tổng thống Maldives Abdulla Yameen ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 15 ngày (từ ngày 5-2), ra lệnh bắt cựu Tổng thống Maumoon Abdul Gayoom, Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và Thẩm phán Ali Hameed.

Theo Tổng thống Abdulla Yameen, các thẩm phán là một phần trong âm mưu lật đổ Chính phủ do ông lãnh đạo. Bởi ngày 1-2, Tòa án Tối cao ra phán quyết về việc thả các thủ lĩnh chính trị đối lập, trong đó có cựu Tổng thống Mohamed Nasheed và cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb.

Cảnh sát Maldives phong tỏa trụ sở đảng đối lập gần thủ đô Male.

Ông Ahmed Adeeb bị bắt (24-10-2015) với cáo buộc có liên quan đến vụ mưu sát bất thành Tổng thống Abdulla Yameen hôm 28-9-2015. Đồng thời yêu cầu Chính phủ phục chức cho 12 nghị sĩ bị bãi nhiệm do rời khỏi đảng của Tổng thống Abdulla Yameen.

Dư luận cho rằng, phán quyết của Tòa án Tối cao sẽ mở đường giúp cựu Tổng thống Mohamed Nasheed có thể về nước, để tham gia vào cuộc đua tranh chức Tổng thống sẽ diễn ra vào tháng 10-2018.

Ngày 6-2, cảnh sát đã bắt Chánh án Tòa án Tối cao Abdulla Saeed và Thẩm phán Ali Hameed chỉ ít giờ sau khi Chính phủ Maldives tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Cùng ngày 6-2, ông Mohamed Nasheed đã kêu gọi Mỹ và Ấn Độ trợ giúp cách chức Tổng thống Abdulla Yameen và coi việc ban bố tình trạng khẩn cấp là "bất hợp pháp".

Bộ Ngoại giao Mỹ đã bày tỏ sự thất vọng trước việc Maldives áp đặt tình trạng khẩn cấp, cũng như việc Tổng thống Abdulla Yameen, quân đội và cảnh sát không tuân thủ phán quyết của Tòa án Tối cao. Mạng Zee News đưa tin, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng hiện nay ở Maldives.

Tuy nắm quyền, nhưng do phe đối lập đang chiếm đa số ghế tại Quốc hội, nên Tổng thống Abdulla Yameen hoàn toàn có thể bị họ buộc tội. Bởi theo Hiến pháp Maldives, tuyên bố tình trạng khẩn cấp phải trình Quốc hội.

Nếu có tranh chấp, Tòa án Tối cao có quyền phán quyết về tính hiệu lực của nó. Ngày 4-2, Bộ trưởng Tư pháp Azima Shakoor đã yêu cầu các cơ quan thực thi pháp luật không tuân thủ bất cứ mệnh lệnh nào vi phạm Hiến pháp sau khi có thông tin cho rằng, Tòa án Tối cao có thể buộc tội Tổng thống Abdulla Yameen.

Theo giới truyền thông, Maldives rơi vào khủng hoảng chính trị sau khi Tổng thống dân chủ đầu tiên được bầu Mohamed Nasheed bị lật đổ sau cuộc binh biến của cảnh sát 6 năm trước (2012-2018), bị bắt với cáo buộc khủng bố, và được phép đến Anh chữa bệnh hồi tháng 1-2016 và hiện đang ở Sri Lanka.

Gần 7 tháng trước (25-7-2017), Chính phủ Maldives nêu rõ việc huy động quân đội phong tỏa tòa nhà Quốc hội là biện pháp an ninh để chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày Quốc khánh, cũng như một chuyến thăm cấp cao sắp tới. Nhưng theo đảng Dân chủ Maldives (MDP), hành động kể trên của Tổng thống Abdulla Yameen nhằm ngăn cản việc phế truất Chủ tịch Quốc hội Abdulla Maseeh Mohamed.

Động thái này diễn ra cho dù nỗ lực phế truất Chủ tịch Quốc hội Abdulla Maseeh Mohamed tại cuộc bỏ phiếu ở Quốc hội hôm 27-3-2017 đã thất bại. Hơn 2 năm trước (7-2-2016), cảnh sát đã bắt các đối tượng âm mưu lật đổ Tổng thống Abdulla Yameen bằng cách làm giả lệnh bắt giữ ông.

Sau đó (31-8-2016), Chính phủ Maldives thông báo muốn bắt ông Mohamed Nasheed do không trở về nước để thụ án 13 năm tù sau khi chữa bệnh tại Anh. Quyết định kể trên được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin ông Mohamed Nasheed đã gặp các nhóm đối lập ở Sri Lanka (26-8-2016) để lên kế hoạch lật đổ Tổng thống Abdulla Yameen.

Ông Abdulla Yameen trở thành Tổng thống thứ 6 của Maldives trong khi Tòa án Tối cao bị coi thiên vị và mâu thuẫn này kéo dài tới ngày nay. Gần 4 năm trước (9-3-2014), Tòa án Tối cao đã sa thải và kết án Chủ tịch Ủy ban bầu cử Fuwad Thowfeek 6 tháng tù giam, sau khi ông chỉ trích các thẩm phán trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2013.

Quốc hội đã phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao. Bởi ông Abdulla Yameen, lãnh đạo đảng Cấp tiến Maldives (PPM) được Tòa án Tối cao tuyên bố đắc cử trong cuộc bầu cử ngày 9-11-2013, trong khi chỉ giành được 29,73% phiếu bầu, còn cựu Tổng thống Mohamed Nasheed nhận được 46,93% số phiếu.

Theo giới truyền thông, sau khi ông Mohamed Nasheed bị tuyên 13 năm tù giam, Liên minh châu Âu và đảng MDP của cựu Tổng thống đã coi phán quyết của tòa là "bước thụt lùi" đối với nền dân chủ của Maldives.

Theo giới truyền thông, Maldives hiện đang có 2 phái riêng biệt - một trung thành với Tổng thống Abdulla Yameen và một trung thành với cựu Phó Tổng thống Ahmed Adeeb và cựu Tổng thống Mohamed Nasheed.

Phạm Huy Anh
.
.