Afghnistan: Taliban gia tăng hoạt động

Thứ Năm, 06/09/2007, 12:00
Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 ở New York và Washington, cuộc chiến chống lực lượng khủng bố ở Afghanistan vẫn diễn ra quyết liệt và còn nhiều phức tạp. Tàn quân Taliban đang dần dần khôi phục lực lượng và gây ra nhiều vụ khủng bố, giết chóc, bắt bớ hàng trăm người dân vô tội.

Phát hành sách “Đào tạo quân sự Mujahideen”

Lần đầu tiên Taliban đã cho công bố những bài học về hoạt động khủng bố, trong đó hướng dẫn cách thức bao vây, phục kích, tổ chức mạng lưới gián điệp, tiến hành cuộc chiến chống lại quân đội liên minh ở Afghanistan. Cuốn sách mang tên “Đào tạo quân sự Mujahideen”.

Về thực chất nó giống như cuốn sách tự học để trở thành khủng bố, trong đó đề cập tới những vấn đề rất khác nhau, từ chiến thuật và vũ khí, đến những vấn đề tổ chức các trại huấn luyện và công tác tình báo...

Cuốn sách dày 144 trang, gồm 10 chương, ngoài bìa trình bày 2 thanh kiếm đặt chéo lên nhau, trên nền kinh Koran và Quốc huy của Chính phủ của Thủ tướng Islamic Emirate, thuộc phe cánh Taliban đã bị lật đổ ở Afghanistan.

Sách được viết bằng ngôn ngữ Pashtoon, bởi vì tất cả các chỉ huy chiến trường ở Afghanistan và các bộ lạc ở vùng biên giới Pakistan liền kề với Afghanistan đều sử dụng ngôn ngữ này.

Taliban đã phát hành sách “Đào tạo quân sự Mujahideen” tới vùng bộ lạc Bajaur ở biên giới Pakistan, nơi mà thứ tiếng Pashtoon là ngôn ngữ phổ thông.

Bình luận về việc lần đầu tiên Taliban cho phát hành cuốn sách “Đào tạo quân sự Mujahideen” ra cả vùng lãnh thổ rộng lớn ở biên giới Pakistan, ông Mahmood Shah, cựu sĩ quan tình báo Pakistan chịu trách nhiệm về an ninh ở vùng lãnh thổ các bộ lạc, cho rằng “Việc này chứng tỏ Taliban đã bắt đầu khôi phục được lực lượng, kể từ sau 6 năm chế độ của chúng bị lật đổ trong cuộc tấn công của quân đội Mỹ”.

Ông Mahmood Shah đổ lỗi cho chính sách của Chính phủ Pakistan “quá mềm mỏng” đối với các chiến binh Taliban, đã cho phép chúng được cư trú và tự do hoạt động ở vùng lãnh thổ thuộc bộ lạc Pashtoon trên biên giới Pakistan - Afghanistan.

Còn ông Maulana Nek Zaman, đại biểu Quốc hội của bắc Wajiristan, nơi thường xuyên xảy ra những cuộc đụng độ giữa các lực lượng an ninh với các chiến binh địa phương được Taliban ủng hộ, thì cảnh báo rằng số bạn đọc tiềm ẩn của cuốn “Đào tạo quân sự Mujahideen” sẽ rất lớn.

Theo ông Nek Zaman, không phải chỉ các lực lượng Taliban sử dụng cuốn sách đó, mà cư dân một số các bộ lạc ở vùng biên giới liền kề với Afghanistan cũng sẽ tìm đọc, bởi họ cũng đang tiến hành cuộc chiến, mỗi khi bị tấn công.

Năm 2006, Taliban cũng đã cho xuất bản cuốn sách bỏ túi quy định về các hành vi ứng xử của các môn đồ, trong đó các phần tử khủng bố liều chết được mệnh danh là “Những quả rocket của Omar” (Mullah Omar được coi là thủ lĩnh tinh thần của Taliban). Cuốn sách nhỏ này nêu ra những nguyên tắc cần phải được duy trì trong cuộc sống hàng ngày.

Nhìn toàn diện, cuốn sách này là kết quả phối hợp giữa các nhà thần học và các "chuyên gia khủng bố", bảo đảm hậu phương và tình báo. Sách nêu ra những công thức không phức tạp lắm để tạo bom, những hình vẽ và biểu đồ mô tả các loại súng và vũ khí hạng nặng, quân trang quân dụng và phương tiện thông tin liên lạc.

Phần lớn cuốn sách nói về những thói quen cơ bản tiến hành trận đánh, chẳng hạn như chọn vị trí bắn, sử dụng các loại vũ khí khác nhau, cách thức tiến hành đánh phương tiện giao thông bằng bom điều khiển từ xa, bắn máy bay hoặc xe thiết giáp bằng cách nhằm vào những điểm yếu.

Những biểu đồ chỉ dẫn nên nhằm bắn như thế nào vào xe cơ giới đang chạy với tốc độ chậm, sử dụng thước ngắm và những vật chuẩn, chẳng hạn như thân cây, để tính khoảng cách tới mục tiêu. Sách cũng hướng dẫn các phương pháp nổ bom phá cầu, phá đường sắt, các đường dây tải điện và thông tin liên lạc...

Lời nói đầu của cuốn sách còn biện bạch cho cuộc chiến tranh mà Taliban đang tiến hành, trong đó nhấn mạnh: “Một khi còn những kẻ không đáng tin cậy và tay sai của chúng điều hành thế giới, thì nhiệm vụ trước tiên của bất cứ người Hồi giáo nào cũng phải là cầm lấy vũ khí và chiến đấu với tất cả những kẻ nào muốn tiêu diệt Hồi giáo trên toàn thế giới...

Hiện nay là thời cơ thuận lợi nhất để quét sạch những kẻ tiếm quyền và bọn xâm lược ra khỏi mảnh đất thần thánh của chúng ta. Cần phải bắn, giết, tiêu diệt tất cả bọn chúng!”. Cuốn sách còn lợi dụng Kinh Koran để âm mưu lôi kéo cả phụ nữ và trẻ em tham gia Taliban.

Chẳng hạn, trong sách viết: “Trong tình hình hiện nay trẻ em không nhất thiết phải xin phép cha mẹ, phụ nữ không cần phải xin phép chồng, người giúp việc không cần phải xin phép gia chủ, học trò không cần phải xin phép thầy giáo, tất cả đều có thể gia nhập Taliban”.--PageBreak--

 Bắt cóc con tin - chiêu bài của bọn khủng bố

Trong vòng hai năm gần đây, quân Taliban đã tiến hành hàng loạt vụ bắt cóc con tin, trong đó quy mô lớn nhất là vụ bắt cóc 23 con tin người Hàn Quốc hôm 19/7. (Đến 30/8, chúng đã thả hết).

Mục tiêu chủ yếu của chúng là yêu cầu quân đội các nước phải rút khỏi Afghanistan, đòi các lực lượng liên quân và Chính phủ Kabul phải trả tự do cho các phần tử Taliban đã bị bắt làm tù binh.

Một mục tiêu khác cũng không kém phần quan trọng là bắt chuộc con tin bằng những khoản tiền rất lớn. Với việc bắt con tin rõ ràng các lực lượng khủng bố Taliban đang tấn công vào lòng nhân đạo của xã hội loài người nói chung, cũng như muốn hạ uy tín của chính phủ các nước có người bị chúng bắt con tin, nói riêng.

Không một gia đình nào muốn người thân của mình đến làm công tác nhân đạo ở Afghanistan bị rơi vào tay các phần tử khủng bố Taliban, để rồi chúng biến sinh mệnh của họ thành điều kiện trao đổi chính trị, hoặc ngã giá “mua bán”.

Thế nhưng thực tế cho thấy hàng chục người Italia, người Anh, người Đức, người Ấn Độ... rồi người Hàn Quốc đã rơi vào tay các phần tử Taliban. Chúng đã giết và đe dọa sẽ còn giết nhiều con tin nữa.

Khó ai tính hết! Giới lãnh đạo các nước cũng đã hoạch địch các chương trình, kế hoạch, biện pháp và ném vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế hàng chục tỉ, nếu không muốn nói là hàng trăm tỉ USD. Nhưng để rồi 6 năm sau vụ khủng bố kinh hoàng ở nước Mỹ, hôm nay nhìn lại, chắc chắn chưa một ai thấy yên tâm.

Ngay như Tổng thống Mỹ G.Bush, cho đến nay cũng chỉ mong muốn có thể tuyên bố với công dân của ông rằng “Mối nguy hiểm khủng bố đã chấm dứt”, nhưng chưa thực hiện được.

Bởi thế, ông chỉ có thể hứa là, chính phủ của ông sẽ sử dụng mọi công cụ thích hợp và đúng luật như: tình báo, ngoại giao, thực thi pháp luật và các hoạt động quân sự để tìm và tiêu diệt các lực lượng khủng bố, bảo vệ nhân dân Mỹ. Theo lời ông, cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn khó khăn hơn nhiều, so với cuộc xung đột vũ trang và sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Khủng bố nhằm vào quân Mỹ

Để tiêu diệt được tàn quân Taliban, những năm vừa qua Mỹ đã không ngừng tăng quân ở Afghanistan. Đến mùa hè năm nay đã lên tới 26 nghìn quân, con số cao nhất từ khi Mỹ mở cuộc chiến chống khủng bố ở đất nước Trung Á này vào cuối năm 2001.

Nếu tính chung quân số của cả các nước đồng minh của Mỹ, thì hiện nay có gần 50 nghìn quân nước ngoài đang giúp Chính phủ Afghanistan tái thiết hòa bình, lập lại trật tự và chống quân khủng bố.

Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, Tổng thống G.Bush đang cố gắng thuyết phục Quốc hội cho phép tăng quân số và bổ sung ngân sách cho cuộc chiến ở AfghanistanIraq.

Cụ thể tướng John Graddock, Tư lệnh mới của NATO, muốn Tổng thống G.Bush gửi thêm ít nhất 1.500 - 2.000 quân tới Afghanistan để đối phó với các lực lượng Taliban đang hồi phục.

Suốt từ thượng tuần tháng 8 đến nay, các lực lượng Taliban đang tăng mạnh các hoạt động tập kích và thậm chí mở cả những cuộc tấn công trực diện vào căn cứ quân sự Anaconza của Mỹ ở tỉnh Uruzgan, thuộc miền Nam Afghanistan.

Đến nỗi, Đại úy Vanessa Bowman, người phát ngôn liên quân phải tuyên bố rằng: “Cuộc tiến công này chứng tỏ Taliban đang liều lĩnh muốn lật đổ chính quyền Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan”.

Tỉnh Uruzgan là một trong những sào huyệt chủ yếu của các lực lượng Taliban, tại đây thường xảy ra những cuộc giao tranh giữa liên quân với quân Taliban và dường như các cuộc tập kích của quân Taliban vào quân Mỹ càng ngày càng gia tăng

G.S (tổng hợp)
.
.