“Điệp viên đến từ miền đất nóng”

Thứ Năm, 13/03/2008, 14:00
Ít ai biết rằng, một trong những chỉ huy của Cơ quan Phản gián Nam Phi hiện nay lại là một phụ nữ người da trắng tên Odile Harington, từng làm điệp viên nằm vùng của Cơ quan Tình báo quân đội (SADI) của chế độ Apácthai ở Nam Phi tại Zimbabwe vào thập niên  80 thế kỷ XX.

Nhiệm vụ của Harington là tìm cách thâm nhập Zimbabwe để thu thập thông tin về hoạt động của tổ chức Đại hội Dân tộc Phi (ANC) của nhà lãnh đạo Nelson Mandela. Năm 1989, Harington bí mật đầu thú với ANC và được ANC tuyển dụng làm điệp viên hai mang.

Eone Odile Harington sinh năm 1961 tại thành phố Johannesburg của Nam Phi trong một gia đình người Anh đến định cư tại Nam Phi từ thập niên 20. Tuy sinh ra trong một gia đình có cha là bác sĩ và mẹ là nghệ sĩ nhưng Harington lại đeo đuổi con đường binh nghiệp ngay sau khi vừa tốt nghiệp trung học vào năm 1978. Có tính kỷ luật, thông thạo nhiều ngoại ngữ và am hiểu phong tục tập quán của nhiều quốc gia châu Phi nên khi còn tại ngũ, Harington đã được SADI chú ý và sau đó tuyển dụng vào năm 1982.

Vào thời kỳ đó, để đối phó với sự trấn áp mạnh mẽ của chính quyền Apácthai ở Nam Phi, ANC quyết định chuyển các hoạt động và tổ chức đến thủ đô Hararé của Zimbabwe để điều hành cuộc kháng chiến trong nước. Vì vậy, SADI quyết định giao nhiệm vụ cho Harington thâm nhập vào Zimbabwe để thu thập các thông tin về hoạt động của ANC. Để hoàn thành nhiệm vụ, Harington không chỉ được huấn luyện nghiệp vụ tình báo của một điệp viên nằm vùng mà còn được trang bị các kiến thức về hoạt động và cơ cấu tổ chức của ANC. Khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, SADI dựng lên một kịch bản để hợp thức hóa việc đưa Harington đến Zimbabwe hoạt động.

Năm 1983, SADI bí mật đưa Harington đến thủ đô London của Anh để tham gia hoạt động trong một tổ chức phản đối chế độ Apácthai ở Nam Phi có tên gọi Quyền sống cho người dân Nam Phi. Chẳng bao lâu sau, nhờ hoạt động tích cực, Harington đã trở thành hạt nhân của tổ chức này. Phần tiếp theo của kịch bản là việc Harington, với tư cách là đại diện của tổ chức Quyền sống cho người dân Nam Phi, được cử đến thủ đô Hararé của Zimbabwe vào tháng 4/1984 tiếp xúc với ANC để triển khai các chương trình hợp tác hành động.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động nằm vùng của Harington, SADI đã bí mật tổ chức một đường dây điệp báo để tiếp nhận tài liệu từ Harington và chuyển giao mệnh lệnh cho điệp viên nằm vùng này. Chính thức đi vào hoạt động từ giữa năm 1984, đường dây điệp báo của Harington đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng của ANC về các hoạt động ngoại giao, quân sự và cả những trợ giúp về tài chính, vũ khí của một số quốc gia XHCN. Nhờ những thông tin được Harington chuyển giao mà chính quyền Apácthai ở Nam Phi đã tổ chức nhiều chiến dịch quân sự, có khi sang tận Zimbabwe để trấn áp các hoạt động của ANC đồng thời bắt giữ được nhiều thành viên ANC hoạt động bên trong lãnh thổ Nam Phi.

Năm 1988, sau sự kiện bà Dulcie September, một lãnh đạo ANC bị SADI sát hại ở thủ đô Paris của Pháp, ANC bắt đầu nghi vấn về sự hiện diện của một hay nhiều nội gián trong tổ chức nên bí mật phối hợp với Tổ chức Tình báo trung ương của Zimbabwe để điều tra.

Vào tháng 5/1989, nhân sự việc một hộp thư sống trong đường dây điệp báo của SADI bị bại lộ tại thủ đô Hararé, Harington bí mật đầu thú với ANC. Sau thời gian bị thẩm vấn, điều tra bổ sung, vì sự thành khẩn muốn lập công chuộc tội của Harington, ANC quyết định tuyển dụng điệp viên nằm vùng của SADI này làm điệp viên hai mang. Từ năm 1989 cho đến khi chế độ Apácthai ở Nam Phi chính thức cáo chung vào năm 1994, ANC, thông qua điệp viên hai mang Harington đã chuyển giao cho SADI vô số thông tin tình báo giả khiến chẳng bao lâu sau, SADI mất dần phương hướng trong cuộc đối đầu với ANC. Tuy nhiên SADI vẫn không hề phát hiện việc ANC đã tuyển dụng được Harington.

Năm 1994, khi chế độ Apácthai sụp đổ và ANC lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Nam Phi, Harington đã là một sĩ quan phản gián của ANC. Do tinh thông các nghiệp vụ phản gián và tình báo, Harington là một trong những người có công trong việc xây dựng mạng lưới phản gián toàn quốc của ANC. Từ năm 1994 đến năm 1999, ngành phản gián Nam Phi đã phá được nhiều âm mưu nổi dậy của các thế lực phản động thân Apácthai, nhằm phá hoại chế độ mới ở Nam Phi do ANC lãnh đạo, trong đó có công lao đáng kể của Harington.

Vào tháng 3/2001, Harington bị một nhóm người lạ mặt phục kích bắn bị thương khi đến công tác tại thành phố Joahnnesburg. Các cuộc điều tra sau đó cho biết, thủ phạm đều là cựu nhân viên của SADI. Những tên này quyết định sát hại Harington vì tội phản bội lại SADI đã đầu thú với ANC khi còn hoạt động nằm vùng tại Zimbabwe vào cuối thập niên 80. Sau sự kiện này, Cơ quan Phản gián Nam Phi quyết định không để Harington hoạt động công khai để bảo toàn sinh mạng của nữ chỉ huy phản gián này.

Cuộc đời hoạt động tình báo đặc biệt của Harington đã được nhà văn người Anh  John Le Caré, từng là một điệp viên nằm vùng của Cơ quan Tình báo hải ngoại Anh (MI6), viết thành sách có tựa đề “Điệp viên đến từ miền đất nóng”

Văn Hòa (theo Woman in Espionage)
.
.