10 năm cuộc không kích Nam Tư cũ: Vết thương không bao giờ lành!

Thứ Năm, 09/04/2009, 10:00
Ngày 24/3 vừa qua chính là mốc thời điểm tròn 10 năm ngày không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ồ ạt tấn công vào đất nước Nam Tư cũ.

Chiến dịch quân sự lớn nhất trong lịch sử của liên minh này đã gây ra những thiệt hại to lớn cả về người và của cho người dân Nam Tư cũ, chia tách vùng đất Kosovo ra khỏi Serbia, kéo theo một loạt những hệ lụy và hậu quả phức tạp khác trên phạm vi khu vực cũng như thế giới.

Trong khi Brussels hoàn toàn im lặng thì người dân Serbia rầm rộ xuống đường để tưởng nhớ về các nạn nhân và nhắc nhở nhau về một vết thương có lẽ sẽ không bao giờ lành trong lịch sử của dân tộc mình...

Những phản ứng trái ngược

Thời điểm tròn 10 năm ngày NATO mở đầu chiến dịch không kích ồ ạt - bắt đầu từ ngày 24/3/1999 với những trận ném bom vào Belgrade - đã được người dân Serbia kỷ niệm với nhiều hình thức: những cuộc míttinh tưởng nhớ, một phút mặc niệm, đặt vòng hoa tại những điểm tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bom đạn tại Belgrade và một loạt các thành phố khác v.v...

Đúng vào giữa trưa ngày 24/3/2009, trên khắp đất nước Serbia đã vang lên nhiều tiếng còi hú, nhắc nhở mọi người nhớ về những tiếng còi báo động phòng không từ 10 năm về trước, những âm thanh gợi nên sự lo lắng và chết chóc thường nghe thấy suốt 78 ngày đêm đen tối trong lịch sử đất nước. 

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại New York ngay trước lễ kỷ niệm, Tổng thống Serbia Boris Tadic đã gọi chiến dịch của NATO là "một chiến dịch quân sự mang đầy bi kịch", đồng thời nhắc nhở tới những con số hàng chục ngàn dân thường bị chết và bị thương.

Tại Belgrade, ngày tưởng niệm các nạn nhân trong thảm kịch quân sự trên tại Nam Tư cũ được bắt đầu với một phiên họp của Chính phủ Serbia với sự chủ trì của Thủ tướng Mirko Svetkovic.

Phát biểu trong phiên họp, người đứng đầu Chính phủ Serbia khẳng định rằng: "Việc tấn công vào đất nước chúng ta là một hành vi trái phép, vi phạm quyền quốc tế và không có sự cho phép của LHQ. Những vụ ném bom trong quá khứ này vẫn đang gây ra những hậu quả sâu xa đối với Serbia, đối với khu vực và đối với cả những mối quan hệ tương tác chính trị trên toàn thế giới. Serbia sẽ không bao giờ quên cái ngày bi kịch này".

Còn tại Kosovo, lễ kỷ niệm này được nhắc tới với những quan điểm hoàn toàn trái ngược. Đối với cộng đồng người gốc Albani tại Kosovo - khu vực 10 năm về trước còn là một tỉnh tự trị của Serbia, vào tháng 2 năm ngoái đã chính thức tuyên bố độc lập - thì đây là "một ngày lịch sử vĩ đại giúp mở ra một chương mới trong lịch sử Kosovo" (theo như người đứng đầu chính quyền Kosovo Hashim Thaci).

Ở một khía cạnh hoàn toàn khác, hàng ngàn người Serbia tại Kosovo đã cùng nhau tuần hành trên các đường phố ở Mitrovica để tưởng nhớ các nạn nhân của chiến dịch không kích. May mắn là không có vụ xung đột đáng kể nào giữa hai cộng đồng ủng hộ và chống lại nền độc lập của Kosovo.

Trên phạm vi quốc tế, hai "đối tác" hàng đầu trên chính trường vào thời điểm đó là phương Tây và Nga cũng có những phản ứng khác nhau. Tại Brussels - là nơi đưa ra quyết định về chiến dịch không kích mang mật danh "Allied Force" - các quan chức đều giữ thái độ hoàn toàn im lặng. Còn Moskva nhân sự kiện này đã lên tiếng nhắc nhở công luận về "hành động xâm lược, vi phạm các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế" của NATO.

Theo phía Nga, bài học về chiến dịch quân sự của NATO đã cho thấy nhu cầu cần thiết về việc xây dựng một hệ thống an ninh chung của cả châu Âu.

10 năm nhìn lại

Chiến dịch có mật danh "Allied Force" của NATO chống lại Nam Tư cũ đã kéo dài trong suốt 78 ngày, với sự tham gia của tổng cộng 19 quốc gia thành viên trong liên minh này dù ở mức độ này hay mức độ khác.

Trong chiến dịch trên, NATO đã thực hiện 35.000 chuyến bay ném bom, huy động gần 1.000 máy bay và trực thăng các loại, ném xuống Nam Tư 79.000 tấn thuốc nổ (trong đó có tổng cộng 37.400 quả bom chùm, loại phương tiện chiến tranh bị các công ước quốc tế ngăn cấm). Tổng số thiệt hại đối với các cơ sở công nghiệp, giao thông vận tải và dân sự của Nam Tư theo các đánh giá dao động từ 60 đến 100 tỉ USD.  Ước tính có gần 2.500 dân thường bị thiệt mạng (trong đó có 89 trẻ em), chưa kể gần 12.500 người bị thương.

Đài tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong chiến dịch ném bom của NATO tại Mitrovica.

Chiến dịch xâm lược này được nhìn nhận như một đòn trừng phạt nặng nề của phương Tây đối với một Nam Tư "cứng đầu", không muốn người ngoài giải quyết những vấn đề nội bộ của mình. Nguyên cớ của vụ tấn công bắt đầu từ sự phản đối của Belgrade với đề nghị của Mỹ triển khai một lực lượng quân đội nước ngoài tại Kosovo, là nơi quân đội và cảnh sát Nam Tư đang mở một cuộc chiến chống lại các tay súng gốc Albani đòi độc lập cho Kosovo.

Theo nhiều nhà quan sát, cuộc chiến tại Nam Tư xảy ra trước tiên xuất phát từ những lợi ích riêng của nước Mỹ. Một mặt, Washington lần đầu tiên đã công khai "qua mặt" LHQ, tìm cách khẳng định có thể tự giải quyết những vấn đề khủng hoảng trên thế giới mà không cần có sự tham gia của tổ chức này.

Nói cách khác, cuộc chiến đã đánh dấu một học thuyết chính trị mới của phương Tây với sự thống trị của chiến thuật sử dụng sức mạnh để giải quyết mọi vấn đề. Mỹ cũng lợi dụng cuộc chiến này để khẳng định "vai trò lãnh đạo" đối với châu Âu, nhất là trong bối cảnh sau khi Liên Xô tan rã, các đồng minh tại cựu lục địa bắt đầu tính đến việc thoát khỏi bóng của "chiếc ô ảnh hưởng của Mỹ", triển khai những chính sách độc lập hơn với "ông anh cả" bên kia Đại Tây Dương.

Cuộc chiến tại Nam Tư cũng là bước đi đầu tiên của Mỹ nhằm biến NATO trở thành một tổ chức có ảnh hưởng trên toàn cầu, có thể tự mình thực thi các sứ mạng an ninh trên khắp thế giới trên cơ sở tính toán đến các lợi ích của Washington.

Thực tế sau này đã cho thấy, Nam Tư chỉ là điểm khởi đầu cho hàng loạt các chiến dịch quân sự với quy mô và tính chất khác nhau mà NATO đã triển khai tại Địa Trung Hải, Afghanistan, Iraq, châu Phi v.v... những khu vực từ trước đó nằm cách xa "phạm vi trách nhiệm" ban đầu của tổ chức này.

Đến năm 2006, ý tưởng này đã trở thành một trong những đề tài tranh luận chính tại Hội nghị Thượng đỉnh của NATO, khi Mỹ đề xuất mở rộng cơ cấu liên minh bằng cách kết nạp thêm các quốc gia như Nhật, Australia và Hàn Quốc.

Sự kiện bi kịch 10 năm trước đây đã dẫn tới những thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại của Serbia - những thế lực thân phương Tây lên nắm quyền thay thế cho những chính trị gia theo đường lối dân tộc chủ nghĩa.

Sau biến cố này, Belgrade bắt đầu các chính sách theo xu hướng gia nhập EU, hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia trong NATO. Khi đã bị lâm vào đường cùng, Tổng thống Slobodan Milosevic của Nam Tư vào ngày 10/6/1999 đã buộc phải tuân theo các điều kiện của phương Tây, cho phép quân đội NATO triển khai tại Kosovo.

Câu hỏi nhiều người quan tâm hiện nay là: Bằng việc chính thức công nhận độc lập của Kosovo vào năm 2008, phương Tây thực ra đã gieo trồng trên vùng đất này những "hạt giống dân chủ" gì?

Người ta chỉ biết rằng, sau thời điểm NATO đổ quân vào đây, các tay súng Albani đã triển khai những chiến dịch thanh trừng sắc tộc, truy đuổi người gốc Serbia, khiến không ít người trong số này buộc phải rời bỏ quê hương đi di tản.

Không chỉ chia cắt Kosovo khỏi Serbia, NATO đã biến vùng đất này trở thành một vết thương không bao giờ liền da, là nơi xuất phát của những tệ nạn và tội phạm nghiêm trọng, gây ảnh hưởng hàng ngày tới những địa phương giáp ranh trong thành phần Serbia.

Dù đã tuyên bố độc lập, nhưng các cơ cấu chính quyền cũng như kinh tế của Kosovo vẫn lệ thuộc gần như hoàn toàn vào phương Tây. Kosovo còn được coi là một thiên đường thực sự đối với những tên tội phạm chiến tranh, buôn bán ma túy, rửa tiền, những thành phần Hồi giáo cực đoan v.v...

Đó là lý do khiến Tổng thống Boris Tadic của Serbia dù là người có quan điểm thân phương Tây vẫn cương quyết khẳng định, Belgrade sẽ không bao giờ công nhận nền độc lập của Kosovo dù là trực tiếp hay gián tiếp

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.