977 ngày trong tay cướp biển Somali: Những cuộc đàm phán vô vọng

Thứ Ba, 18/10/2016, 20:45
Moore kể: "Người đàm phán không hề cho tôi biết ông là ai nhưng tôi cảm nhận ông ta là người lạc quan, vui tính. Nghe ông nói, tôi cứ nghĩ tôi sẽ được tự do chỉ trong nay mai mặc dù Garfanji đã ra giá số tiền chuộc tôi là 20 triệu USD, số tiền mà gia đình tôi chẳng tài nào kham nổi"…

Tù đày

Đêm hôm đó, Moore ngủ khá ngon giấc nhờ cái cổ tay gãy đã được nẹp cố định. Nhưng gần sáng, anh và Tambara bị lôi dậy, ấn vào trong chiếc Land Rover. Tài xế chạy thục mạng, lao qua những bụi cây, những mô đất còn nhóm cướp biển trên xe thì vẻ mặt rất căng thẳng.

Moore nôn mửa vì phải uống nước bẩn.

Qua lời bọn chúng trao đổi với nhau bằng thổ ngữ - được Tambara thì thào dịch lại thì mới hồi nửa đêm, một nhóm đặc nhiệm SEALs của Hải quân Mỹ đã nhảy xuống thị trấn Galkacyo từ trực thăng, bắn chết 9 tên cướp biển - trong đó có một tên là cháu ruột của trùm cướp biển Mohammed Garfanji, giải cứu thành công 2 con tin gồm một người Mỹ là Jessica Buchanan và một người Đan Mạch là Poul Thisted. Cả hai đều là tình nguyện viên của một tổ chức cứu trợ thuộc Liên Hiệp Quốc.

Một trong số những tên cướp biển áp giải Moore - được gọi là Ahmed Dirie, có hàm răng màu nâu xỉn, hơi thở nặng mùi, tay cầm khẩu trung liên RPD với dây đạn vàng chóe đeo quanh bụng, thỉnh thoảng lại nhìn chằm chặp vào Moore với sự kích động chưa từng thấy.

Moore kể: "Hắn và gã lái xe tên Muse tra hỏi tôi, rằng tôi có phải là người Mỹ không. Tôi trả lời tôi là công dân Đức nhưng qua nét mặt của Ahmed Dirie, tôi biết hắn không tin".  Một lúc nào đó, Muse bỗng la lên bằng thứ tiếng Anh giả cầy: "Máy bay trực thăng. Người Mỹ". Câu nói ấy khiến Moore hiểu rằng theo suy nghĩ của bọn cướp biển, việc giải cứu thành công con tin Jessica Buchanan chắc cũng sẽ được biệt kích Mỹ tiến hành với Moore.

Khoảng 9 giờ, chiếc Land Rover dừng lại ở một thung lũng được che phủ bởi những loại cây rừng và vô số các bụi rậm. Lần này, chúng trải tấm vải mỏng cạnh một bụi cây rồi ra lệnh cho Moore cùng Tambara ngồi xuống. Do lúc bắt Tambara, bọn cướp biển nhìn thấy dòng chữ "Aride - Victoria" viết trên mũi thuyền của ông nên Ahmed Dirie quả quyết Tambara là người Australia.

Gã nói: "Mày không phải là dân châu Phi vì da mày quá sáng, tóc mày cũng không xoăn". Tambara giải thích ông là người Seychelles, một hỗn hợp giữa người Pháp, người Anh, người Trung Quốc và thổ dân bản địa, còn Victoria là tên một cảng biển ở quần đảo Seychelles nhưng Ahmed Dirie vẫn nói: "Dù Australia hay Mỹ, mỗi thằng chúng mày đáng giá 20 triệu USD".

Một tàu hàng dùng vòi rồng để ngăn không cho xuồng cao tốc của bọn cướp biển Somalia tiếp cận.

Nghe Dirie nói xong, Moore biết rằng bọn cướp biển bắt anh là để đòi tiền chuộc vì chúng chụp hình anh rất nhiều, và có lẽ chúng đã liên lạc với gia đình anh qua địa chỉ mà chúng thu được từ sổ tay, bằng lái xe cũng như hộ chiếu của anh. Đến trưa, sau bữa ăn, Tambara hỏi Moore 20 triệu USD là bao nhiêu? Mất một lúc nghe Moore giải thích, Tambara mới hiểu với số tiền ấy, ông có thể mua nhà, mua xe hơi và thậm chí là mua cả một con thuyền đánh cá hiện đại. Tần ngần, Tambara hỏi tiếp: "Nhưng ai sẽ là người trả 20 triệu USD để chuộc tôi?".

Cuộc đột kích của nhóm đặc nhiệm SEALs để cứu Buchanan và Thisted đã khiến bọn cướp biển giam giữ Moore và Tambara ở thung lũng suốt nhiều ngày sau đó. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hiếm hoi với hãng tin AP (Associated Press) vào cuối tháng 6-2012, khi được hỏi Moore hiện có ở Somalia không, kẻ cầm đầu nhóm cướp biển là Duulaay nói: "Giam giữ con tin ở một vị trí cố định là không an toàn vì bây giờ chúng tôi sẽ là mục tiêu tiếp theo của lính Mỹ".

Đôi lần, Moore thấy một chiếc máy bay lớn màu trắng, cánh và thân sơn cờ hiệu của Hải quân Mỹ lướt sát ngọn cây mà về sau, anh mới biết đó là máy bay trinh sát P-3 Orion. Những lần như vậy, bọn cướp biển bắt anh và Tambara nằm úp mặt xuống đất, lá cây phủ kín người. Duulaay dọa: "Nếu bọn Mỹ đến, mày sẽ là thằng chết đầu tiên".

Cũng cuối tháng 6, những cơn mưa nhiệt đới bắt đầu trút nước, kéo dài lê thê từ ngày này sang ngày khác và thung lũng cũng bắt đầu có dấu hiệu ngập lụt thì bọn cướp biển đưa Moore và Tambara về lại làng Hobyo.

Một đêm, sau khi một tên cướp biển chụp cho Moore mấy tấm hình, anh bị lôi lên chiếc Land Rover. Tên cầm súng đi theo canh giữ Moore cho biết anh sẽ được đưa đến gặp ông trùm cướp biển Mohammed Garfanji.

Moore kể: "Ba năm trước, lúc bắt đầu viết những bài báo về nạn cướp biển, tôi đã nghe nói rất nhiều về nhân vật tàn bạo này nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy mặt mũi Garfanji - dù chỉ là qua hình ảnh chứ nói gì đến chuyện gặp trực tiếp".

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bóng tối, dưới một bụi cây rậm. Garfanji ngồi xếp bằng tròn, nói với chất giọng lanh lảnh như giọng trẻ con. Ông ta đang trò chuyện với một người Mỹ qua điện thoại vệ tinh mà sau đó, Moore mới biết là một nhà đàm phán.

Có vẻ như Garfanji cố ý để cho Moore nghe được nội dung của cuộc trò chuyện vì số tiền 20 triệu USD được ông ta nhắc đến nhiều lần. Dưới ánh sáng trắng nhạt, mờ ảo, phát ra từ màn hình của chiếc điện thoại, khuôn mặt đen bóng của Garfanji nhìn khá hiền từ, trái ngược với những hành vi man rợ của bọn hải tặc mà ông ta trực tiếp ra tay chỉ đạo.

Một lúc sau đó, Garfanji đưa chiếc điện thoại cho Moore, ra dấu bảo anh hãy nghe đi. Giây lát, anh nhận ra cách phát âm hơi nặng của người sinh trưởng ở miền nam nước Mỹ: "Người vừa đưa cho bạn điện thoại là Mohammed Garfanji. Họ không đánh đập bạn hoặc làm điều gì tương tự như thế, đúng không?"

Máu trong cơ thể Moore như đông lại. Anh trả lời: "Không" mặc dù anh rất muốn nói rằng gã chỉ huy nhóm cướp biển là Ali Duulaay đã nhiều lần đánh anh mỗi khi gã bảo anh làm một điều gì đó bằng thổ ngữ mà anh chẳng tài nào hiểu nổi.

Moore kể: "Người đàm phán không hề cho tôi biết ông là ai nhưng tôi cảm nhận ông ta là người lạc quan, vui tính. Nghe ông nói, tôi cứ nghĩ tôi sẽ được tự do chỉ trong nay mai mặc dù Garfanji đã ra giá số tiền chuộc tôi là 20 triệu USD, số tiền mà gia đình tôi chẳng tài nào kham nổi".

Cuộc trò chuyện giữa Moore và người thương thuyết chỉ kéo dài trong vài phút, chủ yếu là hỏi thăm sức khỏe, chế độ ăn uống cùng những lời động viên. Sau đó, ông ta kết nối điện thoại để Moore gặp mẹ anh ở bang California. Moore nhớ lại: "Tôi tưởng như mẹ tôi đang ở bên cạnh tôi khi bà cất tiếng nói. Bà không khóc, chỉ khuyên tôi cố gắng sống sót và gia đình đang làm mọi cách để mang tôi về.

Sau cuộc điện đàm, Garfanji lấy ra một chiếc điện thoại khác rồi kết nối với  mạng Internet. Chẳng hiểu vô tình hay cố ý mà ông ta lại vào đúng trang web của Đài Al-Jazeera, lúc ấy đang phát đi bản tin nói về cuộc đột kích của đặc nhiệm Hải quân Mỹ vào thị trấn Galkacyo để giải cứu con tin Buchanan. Nghe xong đoạn đầu của bản tin, ông ta quay sang Moore, gằn giọng: "Những người của anh đã giết chết 9 tay súng của tôi. Nếu họ lặp lại điều này để hòng giải thoát anh thì anh sẽ là người chết trước". Moore hỏi: "Vậy con tin Buchanan thế nào?". Garfanji cười khẩy: "Chết tốt. Một sư đoàn lính Mỹ cũng chẳng làm gì được huống hồ vài thằng biệt kích nhãi ranh".

Lúc này, Đài Al-Jazeera đang phát đi phần sau của bản tin. Cả Moore lẫn Garfanji đều nghe thấy tiếng nói của xướng ngôn viên: "…Cuối cùng, cả Buchanan và Poul Thisted đều được lực lượng SEALs giải thoát. Hiện cả hai đã an toàn tại một căn cứ Mỹ ở Djibouti và sẽ trở về Mỹ trong thời gian sớm nhất…". Buột miệng văng tục, gã trùm cướp biển Garfanji ném chiếc điện thoại xuống đất rồi đứng dậy, biến vào bóng đêm.

Trở lại ngôi làng Hobyo, đêm hôm đó Moore thức trắng. 9 tên cướp biển bị giết sẽ gây thêm phức tạp cho cuộc đàm phán. Bên ngoài, những tên canh gác ngồi quanh một tấm thảm, rì rầm trò chuyện với nhau. Moore rất ngạc nhiên, anh không hiểu chúng ngủ vào lúc nào bởi lẽ cứ hễ anh lên tiếng xin đi vệ sinh là có thằng mở cửa ngay.

Mãi về sau, Moore mới biết chúng thường xuyên nhai lá "khat" - một loại lá cây tương tự như lá coca ở Nam Mỹ, chứa chất ma túy amphetamin, có tác dụng kích thích sự tỉnh táo, chống buồn ngủ, làm mất cảm giác đói và cảm giác sợ hãi. Chả thế mà Bashko, một tên cướp biển canh giữ Moore từng có lần nói với anh: "Lá khat là một loại bia của Somalia. Nhai thứ này vào, bọn Mỹ chúng mày chỉ là mấy con kiến".

Những ngày đáng sợ

Cuộc sống cầm tù ở làng Hobyo trôi qua trong thê thảm. Cái đói luôn giày vò Moore. Giữa tháng 7, Moore thường xuyên nghe tiếng máy bay trinh sát P-3 Orion lướt sát trên đầu. Anh kể: "Nó mang lại cho tôi niềm hy vọng" nhưng bọn canh gác thì khác. Cứ thấy tiếng ù ù là chúng bắt anh nằm úp mặt xuống đất vì chúng nghĩ rằng các thiết bị tinh vi của người Mỹ có thể xác định vị trí giọng nói của Moore.

Đến cuối tháng 9, bọn hải tặc cướp được một tàu câu cá ngừ ở ngoài khơi Ấn Độ dương rồi đưa nó về, neo ở bãi biển cạnh làng Hobyo. Một đêm, nghe tiếng máy bay lướt sát trên đầu, chúng bảo Moore và Tambara lên tàu rồi chạy vòng vèo ngoài biển.

Trước máy quay phim, Moore kêu gọi gia đình nhanh chóng mang anh về.

Qua câu chuyện bọn cướp biển trao đổi với nhau mà Tambara nghe lỏm được rồi dịch lại cho Moore,  thì hình như người Mỹ đã phát hiện chỗ giam giữ con tin, và đang chuẩn bị tấn công giải cứu. Moore kể: "Chúng đưa tôi lên tàu ra biển vì chúng nghĩ rằng trực thăng đổ quân xuống một con tàu đang lắc lư, chòng chành thì khó hơn là đổ quân xuống đất".

Lênh đênh trên biển suốt 2 tuần, Moore và Tambara lại được đưa về làng Hobyo nhưng khi đến nơi, chúng chuyển Tambara đi chỗ khác. Lúc bước vào căn nhà bẩn thỉu, một gã cướp biển có hàng răng thưa, tên là Bakayle nói với Moore rằng "sắp nhận được vé máy bay". Theo Moore, đó là một trò đùa cay đắng và những ngày tiếp theo sẽ là những ngày đáng sợ nhất đời anh.

Moore kể: "Một hôm, chúng lùa tôi lên xe, chạy suốt cả tiếng đồng hồ. Đến một khu vực rậm rạp, nơi có một chiếc xe khác với một nhóm các tay súng Somalia đang đợi sẵn, trong đó có cả ông ngư phủ Tambara hai tay bị trói chặt. Giây lát, nhóm Somalia dẫn Tambara đi về phía sau một lùm cây rậm. Tôi hỏi Bakayle, tên cướp biển nói tiếng Anh thạo nhất, rằng Tambara và tôi bị đưa đến đây để làm gì? Bakayle trả lời "Chẳng có gì" nhưng ngay sau đó, tôi nghe tiếng Tambara rú lên, đau đớn".

Chẳng phải đợi lâu, Bakayle ra dấu cho Moore đi về phía bụi cây, nơi có  gần chục tên cướp biển đội khăn trùm đầu với súng chống tăng B40 và tiểu liên AK, đứng, ngồi rải rác. Hầu hết đều lớn tuổi. Chúng nhìn Moore với ánh mắt dọa dẫm. Trước mặt Moore, Tambara chỉ mặc có mỗi chiếc quần bằng sợi bông, bị treo ngược lên một cành cây, đầu chúi xuống đất. Một tên cướp biển da đen bóng, cầm cây gậy tre liên tục quất mạnh vào người ông. Hai tên khác "ăn theo" bằng những cú đá vào mạng sườn lão ngư phủ. Cạnh đó là trùm cướp biển Mohammed Garfanji.

"Xin chào Michael. Anh nhớ tôi không? Lão già này bị trừng phạt vì lão không thừa nhận là người Israel".

"Chúa ơi!" Moore kêu lên: "Ông ấy không phải Israel. Ông ấy là Seychelles". Garfanji cười khẩy: "Tôi đã tìm thấy bằng chứng trên Internet!".

Cao Trí (theo History - Michael Scott Moore - Three years as a hostage)
.
.