Afghanistan, thời kỳ đen tối sắp quay trở lại?

Thứ Sáu, 23/07/2021, 14:48
Theo tiến trình Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, hạn chót là ngày 11-9, đúng 20 năm sau vụ tấn công khủng bố 2 tòa tháp đôi cao nhất thế giới, sự kiện làm bùng nổ cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định, kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan đã hoàn tất 90% và sẽ kết thúc sớm hơn dự kiến vào ngày 31-8.


Những ngày này, Afghanistan đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của dư luận quốc tế. Các tay súng Taliban đã tăng cường các cuộc tấn công trên khắp đất nước và nhằm chiếm thêm nhiều vùng lãnh thổ trong bối cảnh quân đội Mỹ đang rút quân. Chính phủ Afghanistan cũng đang “căng mình” chống Taliban.

Chuyện gì đang diễn ra ở Afghanistan?

Sau sự kiện 11-9-2001, Mỹ và đồng minh lật đổ chính quyền Taliban cầm quyền Afghanistan. Đất nước đã luôn chìm trong bạo lực xuyên suốt 2 thập niên qua. Sự hiện diện của lực lượng nước ngoài đã không thể dập tắt Taliban, thậm chí, tổ chức này đến nay đang trỗi dậy mạnh mẽ. 

Tính riêng từ năm 2009 đến 2020, đã có hơn 38.000 dân thường thiệt mạng, hơn 70.000 người bị thương. Kể từ đầu năm 2021 đến nay, thương vong tiếp tục gia tăng nghiêm trọng trong bối cảnh bạo lực leo thang.

Lực lượng Taliban đang càn quét khắp các vùng nông thôn của Afghanistan. Thống kê từ giới quan sát khu vực cho thấy, trước ngày 1-5 (ngày Mỹ khởi động tiến trình rút quân khỏi Afghanistan), Taliban kiểm soát 73 trong số 398 quận/huyện thuộc 34 tỉnh của Afghanistan. Đến tuần trước, Taliban đã kiểm soát 196 quận/huyện cùng khoảng 200 quận/huyện khác đang trong trạng thái giằng co.

Để kiềm chế nguy cơ rơi vào tình trạng thất trận, các chiến dịch tổng động viên, trang bị vũ khí cho dân thường, dân quân địa phương... đang được chính phủ đẩy mạnh. Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan Bismillah Mohammadi đánh giá, giao tranh với Taliban đang diễn ra rất ác liệt.

Tổng thống Joe Biden quyết tâm rút hết lính Mỹ dù cho chính phủ hiện nay tại Afghanistan có thể sụp đổ.

Đánh giá của giới quan sát nhận định, các lực lượng Chính phủ Afghanistan ngày càng gặp khó khăn trong việc đẩy lùi các tay súng Taliban do không có sự hỗ trợ từ không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng như sự yểm trợ của Mỹ. Trong bối cảnh sức tấn công như vũ bão của Taliban, giới quan sát đánh giá, việc Taliban tiến về thủ đô Kabul chỉ là vấn đề thời gian.

Dù lạc quan cho rằng, quân đội Afghanistan có đủ khả năng chống lại cuộc tấn công của Taliban, song, Tổng thống Biden cũng nhận định, hoàn toàn có khả năng Taliban sẽ tiếp quản đất nước sau khi Mỹ rút quân.

Ngoài thực địa đáng buồn, trên bàn đàm phán, Chính phủ Afghanistan và Taliban vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung để có thể đạt được một giải pháp chính trị có thể mang tới hòa bình thực chất cho đất nước. 

Dù hai bên cùng chung khẳng định rằng, chiến tranh không phải là giải pháp, song, nỗ lực đạt được giải pháp chính trị, chia sẻ quyền lực để mang tới hòa bình vẫn rất mơ hồ. Quá trình đàm phán được khởi động từ tháng 9-2020 với sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế nhưng bạo lực vẫn “phủ bóng đen” lên bàn đàm phán.

Giới chuyên gia chính trị cho rằng, khả năng không đạt được giải pháp chia sẻ quyền lực là rất cao bởi bất đồng giữa hai bên mang tính bản chất đã kéo dài hàng thập kỷ và khó có thể hóa giải. Ngay trong nội tại Chính phủ Afghanistan cũng chia rẽ, nhiều bất đồng. 

Trong khi đó, Taliban luôn cho thấy sự cứng rắn, thể hiện rõ nét ở việc sử dụng tình trạng leo thang bạo lực như một “đòn bẩy” chính trị. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, Taliban sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu tái lập một đất nước Hồi giáo của mình.

Cũng theo giới chuyên gia, trên cơ sở những gì đang diễn ra, Chính phủ Afghanistan đang ngày càng khó nắm giữ quyền lực. Nguy cơ đất nước lâm vào cảnh nội chiến chính thức đã gần ngay trước mắt. Bởi trên thực tế, các phong trào chống Taliban đang bùng nổ khắp đất nước cũng cho thấy sự không hài lòng với Chính phủ Afghanistan. 

Như vậy, cuộc chiến này sẽ không chỉ giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban mà còn nhiều lực lượng đối địch với cả hai. Vì vậy, nếu nội tại Afghanistan không tìm được sự thống nhất thì chắc chắn đất nước sẽ tiếp tục chìm sâu trong thảm cảnh bạo lực với nguy cơ rất cao xảy ra một cuộc nội chiến dai dẳng.

Binh sĩ Afghanistan đi ngang qua hàng thiết giáp quân đội Mỹ bỏ lại căn cứ Bagram.

Trách nhiệm của Mỹ trong vấn đề Afghanistan hiện nay

Mặc dù nhận tài trợ hàng tỉ USD từ Mỹ trong nhiều năm, song cho đến nay lực lượng an ninh Afghanistan vẫn không thể ngăn chặn các cuộc tiến công của Taliban.

Miền Bắc Afghanistan vốn là thành trì của các nhóm dân tộc thiểu số, những người từng hỗ trợ liên quân quốc tế đã đánh đổ chế độ Taliban cách đây 20 năm. Trong khi đó, thành trì truyền thống của Taliban nằm ở phía Nam và Đông. 

Với những thắng lợi gần đây tại phía Bắc, Taliban đã kiểm soát cửa khẩu biên giới chính của Afghanistan với Tajikistan, một tuyến giao thương quan trọng. Chúng cũng chiếm đóng quận chiến lược Doshi.

Gắn liền với đó là những rủi ro rất dễ thấy khi Mỹ rút khỏi quốc gia này. Những rủi ro đó bắt đầu với khả năng cao là sự sụp đổ cuối cùng của một chính phủ thân Mỹ, quân đội Afghanistan, từ đó dẫn tới việc Taliban có thể sẽ trở lại nắm quyền kiểm soát. 

Hệ lụy của điều này là Afghanistan có thể một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn và là trung tâm hoạt động cho các nhóm Hồi giáo cực đoan, bao gồm cả Al Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng... – những nhóm khủng bố vẫn luôn muốn gây tổn hại tới các lợi ích của Mỹ.

Việc quay trở lại nắm quyền lực của Taliban cũng có khả năng tạo ra một thảm họa nhân đạo, bao gồm việc trả thù nhằm vào những người Afghanistan ủng hộ Mỹ và những người chống lại chế độ Hồi giáo cực đoan, đồng thời đảo ngược những lợi ích, tiến bộ đáng kể mà phụ nữ Afghanistan đạt được trong những năm gần đây.

Taliban đang trỗi dậy mạnh mẽ sau khi binh lính Mỹ rút đi.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates cho rằng, “chừng nào Mỹ vẫn còn là nước ủng hộ tự do và dân chủ, việc Taliban trở lại kiểm soát Afghanstan sẽ giống như một bước lùi đáng kể, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái”.

Cũng có cả chi phí chiến lược trong việc Mỹ rút khỏi Afghanistan. Sự hiện diện của Mỹ ở các vị trí chiến lược tại Afghanistan, bao gồm cả ở căn cứ không quân lớn ở Bagram, đã giúp ngăn chặn Iran ở phía Tây và Trung Quốc ở phía Đông. Hơn nữa, các căn cứ của Mỹ ở Afghanistan cũng cung cấp nền tảng cho lực lượng tình báo theo dõi tốt hơn các hoạt động trong khu vực. Cùng với việc Mỹ rút khỏi đây, nền tảng đó cũng sẽ biến mất.

Quân đội Mỹ không ghi nhận thương vong nào ở Afghanistan kể từ tháng 2-2020, tức là 16 tháng liên tiếp. Vì thế, chi phí hữu hình của việc tiếp tục đồn trú ở quốc gia Nam Á này, với ở mức quân số đã giảm đáng kể, sẽ tương đối thấp. 

Trong khi đó, những rủi ro vô hình của việc rút quân, trên cơ sở nhân đạo cũng như chiến lược, lại tương đối cao. Các đánh giá tình báo mới đây cho rằng, Chính phủ Afghanistan có thể sụp đổ trong vòng 6 tháng sau khi Mỹ hoàn tất quá trình rút quân khỏi nước này.

"Hoạt động rút quân cần tiến hành một cách có trách nhiệm, nhằm bảo đảm nó sẽ không ảnh hưởng tới an ninh tại Afghanistan. Đây là điều quan trọng nhất với chúng tôi. Ảnh hưởng từ đợt rút quân với các cuộc đàm phán về tình hình nước này chỉ là ưu tiên thứ cấp", Phó thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Alexander Venediktov phát biểu hôm 9-7.

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan để lại nhiều tác động tiêu cực.

Những hệ lụy khác

Việc rút quân của Mỹ còn châm ngòi một cuộc đua trong khu vực, với nhiều bên khác nhau từ Trung Quốc tới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Nga tới Ấn Độ - tất cả đều đang tìm cách tận dụng khoảng trống quyền lực ngoại giao ở Kabul. Afghanistan lâu nay vốn chịu ảnh hưởng bởi các nước láng giềng lớn mạnh hơn như Pakistan và Iran. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang muốn đặt mình vào vai trò an ninh chính sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.

Theo nhà phân tích Jason Campbell thuộc Rand Corp, Trung Quốc, nước có chung đường biên giới với Afghanistan, lâu nay cũng xem quốc gia Nam Á này là một đối tác kinh tế, một hành lang sinh lợi cho sáng kiến Vành đai - Con đường. Tuy nhiên, an ninh bất ổn ở Afghanistan lại là vấn đề đau đầu đối với đầu tư của Trung Quốc.

Madiha Afzal, một nhà nghiên cứu chính sách đối ngoại tại Viện Brookings lo ngại rằng khoảng trống quyền lực sẽ bị nới rộng bằng các cuộc đối đầu kiểu nội chiến giữa Taliban và chính phủ ở Kabul, cho dù các cường quốc khu vực “nhảy vào”.

Trung Quốc và nhiều nước khác đang mong muốn tạo ảnh hưởng tại Afghanistan.

“Động lực chính, ít nhất ở giai đoạn ban đầu, sẽ không phải là một trong những thế lực bên ngoài đua nhau giành ảnh hưởng và kiểm soát, mà là Taliban và Kabul sẽ đối đầu nhau. Mỗi bên trong số các thế lực bên ngoài (Trung Quốc, Nga, Iran, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ) đều có những ý đồ riêng của mình. Chúng ta đã thấy Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia tăng ảnh hưởng, Ấn Độ đã thay đổi đường lối chính sách và được cho là đã khởi xướng các cuộc thảo luận với Taliban. Pakistan có thể đang có lợi thế nhất, với vị trí địa lý và lịch sử ảnh hưởng với Taliban”, bà Afzal nói.

Giới chuyên gia lo ngại, chính khoảng trống quyền lực mà Mỹ và NATO để lại sẽ bị nới rộng bằng các cuộc đối đầu kiểu nội chiến giữa Taliban và chính phủ Afghanistan cho dù các cường quốc khu vực có đổ xô đến đây.

Đỗ Tiến
.
.